Hoạt động thừa phát lại ở Bình Dương sau một năm thí điểm:

“Chia lửa” với các cơ quan tư pháp

Cập nhật: 08-12-2014 | 08:47:59

Thừa phát lại (TPL) là một chế định khá mới mẻ trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam và đang trong giai đoạn nghiên cứu thí điểm. Bình Dương là 1 trong 13 tỉnh, thành được chọn thực hiện thí điểm TPL. Để biết hiệu quả của TPL ở Bình Dương, P.V Báo Bình Dương đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Duy Hiền, Giám đốc Sở Tư pháp, về vấn đề này.

 Nhân viên Văn phòng TPL TX.Thuận An đang ghi nhận hiện trường theo yêu cầu của khách hàng Ảnh: X.LẠC

- Xin ông cho biết TPL là gì, chức năng, nhiệm vụ của TPL, chi phí cho các hoạt động của TPL được quy định thế nào?

- Theo quy định tại Nghị định 135/2013/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 61/2009/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của TPL nêu rõ: “TPL là người có các tiêu chuẩn, được Nhà nước bổ nhiệm và trao quyền để làm các công việc theo quy định của nghị định này và pháp luật có liên quan”. Như vậy, TPL là một nghề, nhưng là nghề đặc biệt. TPL được Nhà nước bổ nhiệm và trao quyền để làm một số công việc thuộc thẩm quyền của Nhà nước, cụ thể như: Thực hiện việc tống đạt (giao nhận các thông báo, văn bản, giấy tờ) theo yêu cầu của tòa án hoặc cơ quan thi hành án dân sự; Lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Vi bằng ở đây được hiểu là văn bản ghi nhận một sự kiện pháp lý xảy ra trên thực tế, làm chứng cứ để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên khi xảy ra tranh chấp. Xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự (kiểm tra về tình hình tài chính, tài sản của người phải thi hành án, làm cơ sở để yêu cầu thi hành nghĩa vụ về tài sản theo bản án, quyết định của tòa án). Trực tiếp tổ chức thi hành các bản án, quyết định dân sự của tòa án theo yêu cầu của đương sự.

Theo Nghị định số 61/2009/ NĐ-CP quy định về chi phí thực hiện công việc của TPL thì chi phí tống đạt do tòa án, cơ quan thi hành án dân sự chi trả, đối với trường hợp tống đạt mà theo quy định của pháp luật đương sự phải chịu chi phí thì tòa án, cơ quan thi hành án dân sự thu và chuyển số tiền đó cho văn phòng TPL. Đối với việc trực tiếp tổ chức thi hành án, văn phòng TPL được thu chi phí theo quy định của pháp luật về phí thi hành án dân sự. Chi phí lập vi bằng và xác minh điều kiện thi hành án do người yêu cầu và văn phòng TPL thỏa thuận theo công việc thực hiện hoặc theo giờ làm việc.

Ngoài ra, Nghị định 61 còn quy định: Chi phí thực hiện công việc của TPL phải được ghi nhận trong hợp đồng giữa văn phòng TPL và người yêu cầu.

- Bình Dương là một trong 13 tỉnh, thành phố được chọn mở rộng thí điểm chế định TPL, xin ông cho biết tình hình triển khai thí điểm chế định TPL trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua?

- Sau khi Đề án “Thực hiện thí điểm chế định TPL tại Bình Dương” được duyệt, để việc triển khai thí điểm chế định TPL được chặt chẽ, thống nhất, đồng bộ ở địa phương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo triển khai thí điểm chế định TPL, ban hành kế hoạch triển khai thực hiện thí điểm chế định TPL, thành lập Ban chỉ đạo thí điểm chế định TPL của tỉnh. Việc thành lập và đăng ký hoạt động của các văn phòng TPL bảo đảm tiến độ và đạt chỉ tiêu đề ra theo yêu cầu của Bộ Tư pháp. Hiện Bình Dương có 4 văn phòng TPL được thành lập, gồm: Văn phòng TPL TP.Thủ Dầu Một, Văn phòng TPL Thuận An, Văn phòng TPL Dĩ An và Văn phòng TPL Tân Uyên. Nhìn chung, được sự quan tâm, chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, các cấp và các đơn vị có liên quan nên công tác triển khai thực hiện thí điểm chế định TPL tại Bình Dương khá đồng bộ, thống nhất và đạt kết quả bước đầu rất tích cực.

Bên cạnh đó cũng gặp một số hạn chế, khó khăn mà khó khăn lớn nhất là hệ thống thể chế, quy định về TPL chưa đầy đủ (do đây là giai đoạn thí điểm). Bên cạnh đó, tuy thời gian qua tỉnh đã quan tâm, tập trung tuyên truyền, phổ biến về chế định thừa phát nhưng vẫn còn một bộ phận nhân dân và cả cán bộ công chức, nhất là cán bộ chính quyền cấp cơ sở và ở những địa phương chưa thành lập văn phòng TPL chưa nhận thức đầy đủ về mục đích, ý nghĩa của việc thí điểm TPL cũng như chức năng, nhiệm vụ của TPL.

- Xin ông cho biết qua một năm triển khai thực hiện thí điểm, hoạt động của TPL đã mang lại những hiệu quả như thế nào?

- Tính đến ngày 30-10, các văn phòng TPL trên địa bàn tỉnh đã tống đạt 1.324 văn bản, giấy tờ của tòa án và cơ quan thi hành án, qua đó đã góp phần giảm tải công việc cho các cơ quan này; lập 321 vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Đây là một trong các chứng cứ để tòa án xem xét khi giải quyết vụ án và cũng là căn cứ để thực hiện các giao dịch hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Thời gian quan các văn phòng TPL đã xác minh điều kiện thi hành án 47 vụ việc và nhận thi hành án 6 vụ việc, trong đó đã thi hành xong 3 vụ việc, giúp cho người dân có thêm lựa chọn khi yêu cầu thi hành án và cũng phần nào chia sẻ áp lực công việc với cơ quan thi hành án.

Nhìn chung, qua gần 1 năm thực hiện thí điểm ở Bình Dương, chế định TPL đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần quan trọng vào việc giảm bớt áp lực công việc hành chính của tòa án và cơ quan thi hành án dân sự, đồng thời giúp cho người dân, các tổ chức, doanh nghiệp có thêm công cụ để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi tham gia giao dịch dân sự và giải quyết tranh chấp.

- Bình Dương có định hướng như thế nào đối với hoạt động TPL trong năm 2015 và những năm tiếp theo?

- Về định hướng đối với hoạt động TPL trong năm 2015 và những năm tiếp theo, Sở Tư pháp sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh triển khai một số hoạt động như: Tuyên truyền, phổ biến về chế định TPL sâu rộng trong nhân dân; củng cố về tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của các văn phòng TPL; quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn về nghiệp vụ để hoạt động TPL ngày càng nề nếp, đúng khuôn khổ pháp luật và phục vụ có hiệu quả nhu cầu của các cơ quan, tổ chức và nhân dân; tổng kết, đánh giá về việc thí điểm chế định TPL và tích cực chuẩn bị cho giai đoạn mở rộng tiếp theo.

- Xin cảm ơn ông!

Ông TRẦN VĂN NAM, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo thí điểm chế định TPL tỉnh Bình Dương:

Tổ chức thí điểm chế định TPL tại một số địa phương nhằm tổng kết, đánh giá thực tiễn, làm cơ sở để tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động bổ trợ tư pháp là một nhiệm vụ quan trọng mà Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã đề ra và được Quốc hội, Chính phủ triển khai từ năm 2009. Là một trong 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được chọn mở rộng thực hiện thí điểm chế định TPL, Bình Dương đã sớm triển khai, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và kế hoạch thực hiện đề án thí điểm, bảo đảm việc triển khai thí điểm đúng kế hoạch, đạt mục đích, yêu cầu. Nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân về TPL được nâng lên. Tại Bình Dương, 4 văn phòng TPL đã thành lập hoạt động có hiệu quả. Các ngành, địa phương trong tỉnh đã tích cực, chủ động phối hợp trong quá trình thực hiện thí điểm.

Nhìn chung, tuy mới thực hiện thí điểm ở Bình Dương gần một năm nhưng chế định TPL đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần quan trọng trong việc giảm bớt áp lực công việc, nâng cao hiệu quả hoạt động của tòa án và cơ quan thi hành án dân sự thông qua việc thực hiện dịch vụ tống đạt; đồng thời TPL còn cung cấp những dịch vụ pháp lý mới, có ý nghĩa quan trọng như: Lập vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án, tổ chức thi hành các bản án, quyết định dân sự của tòa án, qua đó giúp cho người dân, các tổ chức, doanh nghiệp có thêm công cụ để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi thực hiện giao dịch dân sự cũng như khi giải quyết các tranh chấp.

 

XUÂN LẠC(thực hiện)

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên