Chiếc nồi đồng nặng tình người thầy thuốc

Cập nhật: 06-10-2014 | 16:57:36

Vào một buổi sáng cuối năm 2013, một “lão trí thức” đến Bảo tàng Bình Dương xin tặng một chiếc nồi đồng. “Lão trí thức” đó là Thầy thuốc ưu tú -Bác sĩ Thái Văn Minh hiện ngụ tại phường Hiệp Thành, TP.Thủ Dầu Một.

Chúng tôi đến nhà ông, ngôi nhà nhỏ đơn sơ nằm trong một con hẻm nhưng có một mảng tường treo đầy huân, huy chương, kỷ niệm chương, bằng khen… và danh hiệu cao quý Thầy thuốc ưu tú.

Bác sĩ Thái Văn Minh, sinh năm 1936 ở Quảng Ngãi, năm 14 tuổi tham gia cách mạng ở xã Tịnh Thọ, huyện Sơn Tịnh. Năm 15 tuổi ông vào phục vụ trong quân đội ở Trung đoàn 126 thuộc Khu 5. Sau đó ông tập kết ra Bắc và học ở Học viện Quân y 103, trở thành thượng úy bác sĩ quân y vào năm 1960. Cùng với lớp lớp người vì miền Nam thân yêu, ông vượt Trường Sơn vào Nam phục vụ trong Ban Quân y Khu 6, sau đó là bác sĩ phục vụ chiến trường thuộc đội phẫu thuật tiền phương, Đoàn Hậu cần 82, Đội Quân y dã chiến Cục Hậu cần Miền, Bệnh viện dã chiến K51 và làm công tác giảng dạy tại trường Trung cấp Quân y Miền H24B trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Năm 1977, ông về tỉnh Sông Bé làm Phó Hiệu trưởng trường Trung học Y tế thuộc Sở Y tế tỉnh Sông Bé.

Nồi đồng (ảnh dưới) được Bệnh viện dã chiến K51 (Cục Hậu cần Miền) sử dụng phục

vụ thương binh những năm 1971-1975. Hiện vật do bác sĩ Thái Văn Minh

(ảnh trên) tặng

Sau hơn 10 năm làm công tác giảng dạy đào tạo y sĩ cho tỉnh, ông về làm Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Sông Bé (nay là tỉnh Bình Dương) ngay từ khi thành lập bệnh viện năm 1988. Ông là chủ nhiệm Dự án triển khai ứng dụng Laser Quang châm cho tuyến y tế xã, phường, một đề tài đạt hiệu quả cao trong việc khám chữa bệnh theo phương pháp y học cổ truyền kết hợp với khoa học hiện đại. Có thể nói ông là một trong những cánh chim đầu đàn trong việc phát triển y học cổ truyền của tỉnh Sông Bé, Bình Dương ngày nay.

61 năm tuổi Đảng (17-4-2014) là 60 năm ông cống hiến cho y học từ kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ cho đến công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc sau ngày thống nhất đất nước 1975. Ông nhận được rất nhiều huân, huy chương và bằng khen, đáng kể nhất là Huân chương Chiến công hạng I, Huân chương Độc lập hạng III và danh hiệu Thầy thuốc ưu tú. Cả cuộc đời phấn đấu học tập và cống hiến cho y học, từ một bác sĩ quân y bình thường ông trở thành bác sĩ chuyên khoa II và trong bất kỳ hoàn cảnh nào ông cũng không ngừng tìm tòi nghiên cứu phục vụ cho y học. Mặc dù đã nghỉ hưu nhưng ông vẫn chưa rời khỏi nghề y. Hiện bác sĩ Thái Văn Minh đang làm Giám đốc Phòng khám Đa khoa Thánh Tâm (TX.Thuận An, Bình Dương).

Chiếc nồi đồng là một kỷ vật mà ông gìn giữ gần 40 năm qua kể từ sau ngày giải phóng 30-4-1975. Chiếc nồi khá to, cao gần 40cm, chu vi bụng gần 150cm. Ban đầu chúng tôi cảm thấy lạ vì là một bác sĩ quân y từng phục vụ chiến trường, đáng lẽ kỷ vật thời chiến tranh ông gìn giữ phải là những dụng cụ y khoa, nhưng lại là chiếc nồi đồng. Như đoán được những thắc mắc của chúng tôi, ông kể về chiếc nồi đồng và tại sao ông lại quý nó như vậy.

Theo lời ông kể thì chiếc nồi đồng không đơn thuần là một kỷ vật thời chiến tranh, mà nó còn mang nhiều tình cảm thiêng liêng giữa quân và dân, giữa người và người trong một thời kỳ mưa bom bão đạn, nơi mà cái sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc. Khoảng những năm 1970, khi ông đang phụ trách một bệnh viện dã chiến đóng tại khu vực biên giới Việt Nam - Campuchia, dù là bệnh viện dã chiến nhiều khó khăn thiếu thốn, nhưng các y bác sĩ ở đây vẫn tích cực khám chữa bệnh cho bà con ở quanh khu vực đóng quân. Cảm cảnh khó khăn của bệnh viện và cũng là cảm ơn các y bác sĩ quân y Việt Nam, một kiều bào Campuchia đã tặng bệnh viện chiếc nồi đồng để nấu ăn cho thương binh. Trong hoàn cảnh thiếu thốn, khó khăn mọi bề như lúc bấy giờ, một bệnh viện dã chiến có một chiếc nồi đồng như vậy là rất quý. Ông kể, trước khi dùng nấu cơm phục vụ thương binh, ông đã dùng chiếc nồi đồng này nấu nước cất để sử dụng trong điều trị. Chiếc nồi đồng đã theo bệnh viện dã chiến phục vụ thương binh ở chiến trường qua bao chiến dịch cho đến ngày 30-4-1975. Đối với ông, chiếc nồi đồng nặng tình nặng nghĩa ông không thể quên được. Rời khỏi chiến trường ông mang theo chiếc nồi đồng khi về nhà. Trải qua bao lần chuyển chỗ ở, chiếc nồi đồng vẫn theo ông không rời. Nay ông đã gần đến tuổi 80, lo chiếc nồi đồng không ai biết về giá trị lịch sử của nó nên ông tặng kỷ vật này cho Bảo tàng lưu giữ. Có lẽ những thế hệ cháu con của ông, thế hệ không chứng kiến những gì về chiến tranh sẽ không cảm nhận được ý nghĩa của chiếc nồi đồng, một chiếc nồi bằng đồng bình thường như bao chiếc nồi đồng bình thường khác nhưng lại chứa đựng nhiều tình cảm, đó là tình người, tình đồng chí, tình quân dân và hơn cả đó là tình yêu nước. Chiếc nồi đồng là chứng tích của một thời máu lửa chiến tranh còn đầy ắp tình người. Chúng tôi hiểu ông, hiểu nỗi lo của ông về kỷ vật của mình sẽ bị quên lãng và cảm ơn ông đã gìn giữ một hiện vật có ý nghĩa lịch sử quý báu.

Trong quá trình sưu tầm gìn giữ hiện vật bảo tàng, một Thầy thuốc ưu tú với chiếc nồi đồng mang giá trị lịch sử sẽ là một kỷ niệm khó quên đối với chúng tôi.

ĐỖ TIÊN

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên