Chiến dịch Nhà nhà diệt muỗi, diệt lăng quăng: Huy động toàn dân phòng chống dịch bệnh

Cập nhật: 06-07-2016 | 09:02:26

Đến nay, chiến dịch “Nhà nhà diệt muỗi, diệt lăng quăng phòng chống bệnh do vi rút Zika và bệnh sốt xuất huyết” đã được các địa phương lần lượt phát động nhằm tuyên truyền giáo dục, nâng cao ý thức và trách nhiệm của cộng đồng trong công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn…

Bệnh sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm do vi rút Dengue gây nên. Muỗi vằn Andes Aegypti là côn trùng chủ yếu làm trung gian lây truyền vi rút từ người bệnh sang người lành. Bệnh do vi rút Zika cũng là bệnh truyền nhiễm cấp tính do muỗi gây ra (cùng một loại muỗi truyền vi rút gây bệnh sốt xuất huyết). Do muỗi truyền vi rút gây bệnh, nên cả 2 bệnh này rất dễ bùng phát thành dịch trong cộng đồng. Một khi bệnh xảy ra dịch sẽ rất khó khống chế do sự lưu hành của muỗi trên địa bàn tỉnh rất phổ biến. Muốn diệt muỗi cần thực hiện hiệu quả việc diệt các ổ chứa lăng quăng, nhưng điều này khá khó khăn do các ổ lăng quăng rất nhiều và rất đa dạng. Muốn thực hiện diệt muỗi, diệt lăng quăng hiệu quả, ngoài sự vào cuộc của ngành y tế, cần có sự tham gia thường xuyên, tích cực của mọi người, mọi nhà. Có như thế, công tác phòng chống bệnh sốt xuất huyết và bệnh do vi rút Zika mới phát huy tính hiệu quả.

diet-lang-quang-phong-tranh-sot-xuat-huyet-va-zika

Để diệt muỗi, diệt lăng quăng hiệu quả cần có sự chung tay của mọi người, mọi nhà. Trong ảnh: Phó Giám đốc Sở Y tế Huỳnh Thanh Hà kiểm tra các vật dụng chứa nước có lăng quăng tại một hộ dân ở phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một

Chiến dịch “Nhà nhà diệt muỗi, diệt lăng quăng phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika và sốt xuất huyết” là một chiến dịch lớn đã được ngành y tế phát động thực hiện rộng trên địa bàn toàn tỉnh. Bác sĩ Nguyễn Văn Đặng, Giám đốc Trung tâm Y tế TX.Tân Uyên cho biết, sau khoảng 1 tháng phát động và triển khai thực hiện chiến dịch, tình hình sốt xuất huyết trên địa bàn có chuyển biến tích cực hơn. Điển hình như địa bàn xã Vĩnh Tân, trước đây các ổ dịch nhỏ kéo dài liên tục, hầu như tuần nào cũng ghi nhận ca sốt xuất huyết. Sau khi ra quân, các ổ dịch nhỏ sốt xuất huyết trên địa bàn đã giảm thấy rõ. Chiến dịch sẽ được triển khai đến hết năm 2016 ở tất cả các xã, phường trên địa bàn, mỗi tháng ra quân 2 đợt với các hoạt động như: diệt lăng quăng, lật úp các vật chứa nước, vệ sinh môi trường sống, khơi thông cống rãnh, mương...

Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân nói chung, công tác chủ động phòng chống dịch bệnh nói riêng luôn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài trong phòng chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh. Phòng chống dịch bệnh không chỉ bảo vệ sức khỏe nhân dân, mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc tổ chức các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, bảo đảm an sinh xã hội, do đó càng cần được đặc biệt quan tâm. Ông Lục Duy Lạc, Giám đốc Sở Y tế cho biết, hiện nay, nhiều dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi, tái nổi diễn biến phức tạp, khó lường; trong đó có nhiều bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng ngừa như tay chân miệng, sốt xuất huyết, bệnh do vi rút Zika… nên công tác phòng chống dịch gặp nhiều khó khăn. Thực trạng đó có nhiều nguyên nhân như, do biến đổi khí hậu, tốc độ đô thị hóa nhanh, giao thương giữa các vùng miền, giữa các nước thuận tiện… Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, có những nguyên nhân chủ quan từ phía chúng ta, đặc biệt là các cấp, các ngành, các địa phương có lúc, có nơi chưa thật sự vào cuộc quyết liệt, cũng như việc thực hiện các biện pháp phòng bệnh của người dân còn hạn chế, tạo điều kiện cho dịch bệnh có điều kiện lây lan. Do đó, nhằm nâng cao hiệu quả bảo vệ sức khỏe nhân dân và để chiến dịch mang lại kết quả một cách thiết thực, ông Lục Duy Lạc yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương quyết liệt thực hiện tốt các nhiệm vụ trong công tác phòng chống dịch bệnh. Đối với UBND các huyện, thị, thành phố, cần coi công tác phòng chống dịch bệnh là nhiệm vụ chính trị hàng đầu. Cần huy động mọi nguồn lực, chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể, các xã, phường, thị trấn triển khai tích cực các biện pháp phòng chống dịch chủ động. Đặc biệt, triển khai việc xử phạt đối với các tổ chức, cá nhân cố tình không thực hiện các biện pháp diệt muỗi, diệt lăng quăng, để tồn tại các nguy cơ lây lan bệnh do vi rút Zika và sốt xuất huyết theo Nghị định 176/2013/ NĐ-CP của Chính phủ. “Đề nghị bà con nhân dân, vì sức khỏe của chính mình, gia đình mình và của toàn thể cộng đồng, mỗi người, mỗi nhà hãy tự mình hàng ngày, hàng tuần thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, nhất là các biện pháp truy diệt lăng quăng, diệt muỗi, vì không có lăng quăng, không có muỗi vằn thì không có bệnh sốt xuất huyết và bệnh do vi rút Zika. Công tác phòng chống dịch chỉ thành công khi có sự tham gia tự giác, tích cực của mọi người dân”, ông Lục Duy Lạc nói.

 

 CẨM LÝ 

Chia sẻ bài viết
ở khu phố tôi ở lâu lắm rồi không thấy cơ quan chức năng đến xịt phòng hay xử lý cả
nong dan (Cách đây 8 năm)

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên