Chiến khu Đ - Căn cứ địa huyền thoại - Bài 2

Cập nhật: 21-12-2016 | 08:47:18

 

 Bài 2: Những trận đánh oai hùng

70 năm đã trôi qua, Chiến khu Đ - căn cứ địa cách mạng một thời đã trở thành huyền thoại. Vượt lên gian khổ, bất chấp sự tấn công, càn quét của địch, những trận đánh, những chiến thắng của quân và dân Chiến khu Đ trong 2 cuộc kháng chiến đã khiến cho kẻ địch khiếp sợ. Ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng của Chiến khu Đ nhằm khơi gợi niềm tự hào, tự tôn dân tộc; qua đó tạo động lực giúp thế hệ trẻ hôm nay phấn đấu vươn lên trong học tập, lao động sáng tạo, góp phần bảo vệ thành quả cách mạng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, xứng đáng với cơ đồ mà cha ông đã không tiếc máu xương để gây dựng.

Bia khắc bức phù điêu 3 chiến sĩ du kích đánh trận Tháp canh cầu Bà Kiên nhắc nhở thế hệ sau về chiến công vang dội của du kích Chiến khu Đ Ảnh: C.SƠN

Khai sinh lối đánh đặc công

Thực hiện chiến thuật De Latour, từ đầu năm 1948, trên địa bàn tỉnh Biên Hòa, thực dân Pháp bắt đầu triển khai xây dựng tháp canh. Đến cuối năm 1948, toàn tỉnh Biên Hòa có 78 đồn bót và nhiều tháp canh. Bước sang năm 1949, đồng thời với việc phát triển ngụy binh, chúng xây dựng ồ ạt thêm nhiều tháp canh trên dọc các quốc lộ 1, 15, 20, các tỉnh lộ 24, 16, 2, các lối dẫn vào đồn điền cao su. Nhiều đồn bót tháp canh cũ được xây dựng nâng cấp kiên cố hơn. Đến mùa thu năm 1949, khi thực dân Pháp đã triển khai xong hệ thống tháp canh, toàn tỉnh Biên Hòa có 79 đồn và hàng trăm tháp canh khác. Hệ thống đồn bót tháp canh của địch, với các hoạt động của nó đã gây cho ta rất nhiều khó khăn. Việc di chuyển đi lại của các đơn vị vũ trang không còn được như trước.

Chấp hành chỉ thị của Bộ Tư lệnh Khu 7, đội du kích huyện Tân Uyên do Trần Công An (Hai Cà) chỉ huy, miệt mài ngày đêm nghiên cứu địa hình tháp canh. Sau một thời gian luyện tập nhuần nhuyễn, đêm 18, rạng sáng 19-3-1948, Đại tá Trần Công An chỉ huy một tổ gồm 2 du kích Trần Văn Nguyên và Hồ Văn Lung bí mật xâm nhập trận địa. Phía bên ngoài, ông cử 2 du kích Nguyễn Văn Ai và Trần Văn Hỏi làm nhiệm vụ cảnh giới. Theo sự phân công, du kích Nguyên leo lên tầng tháp trên, du kích Lung leo lên tầng giữa, ông Hai Cà ở tầng dưới vừa đánh vừa chỉ huy, mỗi người thống nhất ném vào mỗi lỗ châu mai 3 quả lựu đạn. Sau khi ném 3 quả lựu đạn, nghi bọn địch chưa chết hết, ông Trần Công An còn bồi thêm một khối thuốc nổ. Sức nổ quá mạnh khiến ông bị thương, nhưng trận đánh đã giành thắng lợi lớn, ta tiêu diệt 11 tên địch, thu 8 súng và 20 lựu đạn. Sau trận đánh tháp canh cầu Bà Kiên thắng lợi, Ban Chỉ huy Tỉnh đội và Huyện đội Tân Uyên đánh giá: “Trận đánh cầu Bà Kiên đã mở ra một hình thức tác chiến mới dựa vào dân, nắm chắc địch tình, nắm chắc mục tiêu và cách bố phòng của chúng, chỉ dùng lực lượng rất ít, đánh lực lượng địch đông, với ý chí chiến đấu và tinh thần dũng cảm, gan dạ, mưu trí, tấn công bất ngờ là địch trở tay không kịp, qua kinh nghiệm này, ta có khả năng đánh phá đồn bót của địch nhiều nơi ở chiến trường miền Đông Nam bộ”.

Cùng với trận đánh Tháp canh cầu Bà Kiên, trận đánh Phước Thành quân và dân Chiến khu Đ còn thực hiện và tham gia hàng trăm trận đánh oai hùng, khiến kẻ địch khiếp sợ như các trận đánh đoàn xe lửa ở Bảo Chánh (1946), trận đánh La Ngà (1948); diệt cọp Ba Móng (1950); trận đánh Dầu Tiếng (1958); trận đánh cố vấn Mỹ MAAG (1959); trận đánh Tua Hai (1960); trận đánh sân bay Biên Hòa (1964); trận đánh Bình Giã (1965), trận đánh Lộc Ninh (1967); cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968; chiến dịch Nguyễn Huệ (1972); trận đánh giải phóng Phước Long (1975); trận đánh giải phóng Chơn Thành (1975); chiến dịch Xuân Lộc (1975)…

Trận đánh tháp canh cầu Bà Kiên với cách đánh bất ngờ, lấy ít đánh nhiều đã khai sinh ra lối đánh đặc công của lực lượng ta và vùng đất Tân Uyên - Chiến khu Đ trở thành nơi khởi phát của cách đánh này. Du kích Tân Uyên về sau thành lập đại đội bộ đội địa phương Nguyễn Văn Nghĩa, được công nhận là đại đội đặc công đầu tiên của cả nước. Sau này, ngày chiến thắng tháp canh cầu Bà Kiên 19-3 được lấy làm ngày truyền thống bộ đội đặc công. Lời huấn thị nhân ngày thành lập Binh chủng Đặc công 19-3-1967 của Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Đặc công tức là công tác đặc biệt, là vinh dự đặc biệt, cần phải có cố gắng đặc biệt”. Bác Hồ còn tặng cho Binh chủng Đặc công 4 câu nhân dịp về thăm binh chủng: “Đặc biệt tinh nhuệ. Anh dũng tuyệt vời. Mưu trí táo bạo. Đánh hiểm thắng lớn”.

Bản hùng ca Phước Thành

Chiến thắng Phước Thành (18-9-1961) là trận đánh đầu tiên vang dội trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân vùng Chiến khu Đ. Phong trào Đồng Khởi trên toàn miền Nam đã làm phá sản chiến lược “tố cộng diệt cộng”, phá rã hàng mảng bộ máy tay sai ngụy quyền Sài Gòn ở cơ sở, buộc đế quốc Mỹ phải chuyển sang thực hiện chiến lược “chiến tranh đặc biệt” hòng giành lại thế chủ động về chiến lược. Trên địa bàn Chiến khu Đ, địch tăng cường lực lượng và đóng thêm đồn bót, mở rộng tiểu khu Phước Thành thành một cứ điểm quân sự mạnh, làm bàn đạp đánh phá, chia cắt căn cứ, tìm diệt LLVT cách mạng.

Thực hiện Nghị quyết Bộ Chính trị và sự chỉ đạo của Trung ương Cục, tháng 2-1961, Bộ Tư lệnh Quân khu miền Đông quyết định thành lập Tiểu đoàn 800 chủ lực tập trung của khu. Sau khi huấn luyện, củng cố, theo chỉ đạo của Khu ủy, Tiểu đoàn 800 đã mở hoạt động đầu tiên, mục tiêu là chi khu Hiếu Liêm (nằm ở xã Lạc An), các đồn bót địch cắm trong căn cứ và vũ trang tuyên truyền hỗ trợ cho quần chúng nổi dậy diệt ác phá kìm làm chủ xã, ấp. Tại tỉnh Phước Thành, địch tổ chức nhiều cuộc hành quân lớn càn quét nhằm đánh bật lực lượng ta ra khỏi căn cứ. Trước tình hình đó, tháng 6-1961, Khu ủy miền Đông quyết định giải thể tỉnh Thủ Biên và tổ chức lại thành 3 tỉnh: Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Phước Thành. Phước Thành là một tỉnh rừng núi bao gồm trung tâm chiến khu phía Đông Bắc Sài Gòn.

Tháng 9-1961, Khu ủy và Bộ Tư lệnh khu miền Đông quyết định tiến công vào tỉnh lỵ Phước Thành của địch nhằm phá tan ý đồ bao vây chia cắt chiến khu của chúng; mở rộng chiến khu, chuẩn bị đón các đoàn cán bộ của Trung ương tăng cường cho Nam bộ. Đúng 23 giờ, ngày 18- 9-1961, quả bộc phá hiệu lệnh nổ tại dinh tên tỉnh trưởng, các cánh quân nhất loạt xung phong đánh chiếm các mục tiêu trong tỉnh lỵ. Kết quả, ta diệt hoàn toàn bọn địch ở trong dinh tỉnh trưởng, tiêu diệt tên tỉnh trưởng Nguyễn Minh Mẫn. Sau đó, lực lượng quân khu phối hợp Đại đội Đặc công 260 tiến công diệt Đại đội Bảo an và Chi đội thiết giáp; kết quả, ta hoàn toàn làm chủ các mục tiêu, đến 0 giờ 30 phút, ngày 18-9-1961, trận đánh kết thúc. Ta tiêu diệt hoàn toàn bộ máy chỉ huy quân sự, hành chính của địch ở tỉnh lỵ Phước Thành, diệt 40 tên, làm bị thương 30 tên, bắt sống 11 tên, thu 332 súng các loại, phá hủy 1 pháo 105 ly, 32 máy truyền tin, 12 xe cơ giới, giải thoát 272 tù binh.

Những ngày tiếp theo, phát huy chiến thắng Phước Thành, các LLVT địa phương tiếp tục bao vây tất cả các tua bót dọc lộ 8, Hiếu Liêm, Tân Uyên, đường 14, 16. Các đơn vị bộ đội quân khu tiếp tục giải phóng Phước Bình, uy hiếp dọc cả đường 20 đi Định Quán - Xuân Lộc. Các tuyến đường lên Phước Long và các huyện nam Chiến khu Đ được giải phóng hầu hết. (Còn tiếp)

 

 P.V (tổng hợp)

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên