Chiến khu xưa hóa “rồng”

Cập nhật: 15-05-2012 | 00:00:00

Chiến khu Thuận An Hòa, gồm các phường Thuận Giao, An Phú, Bình Hòa thuộc TX.Thuận An, trước đây là khu căn cứ địa cách mạng vững chắc, là bàn đạp để làm nên các mũi tiến công của quân, dân ta trong suốt 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Hòa bình, 2 xã Thuận Giao và Bình Hòa được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Riêng xã Bình Hòa vào năm 1946 còn được Bác Hồ khen tặng danh hiệu “Làng kháng chiến kiểu mẫu”. Khu Ba Làng (tên gọi thân quen 3 xã chiến khu) ngày nay đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh và là “bàn đạp kinh tế” của TX.Thuận An nói riêng và Bình Dương nói chung. 

 Tuổi trẻ Thuận An tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ tại khu di tích chiến khu xưa

 Những bài học về truyền thống anh hùng...

Đến với Khu di tích Thuận An Hòa, mọi người đều trầm trồ trước vẻ đẹp hoành tráng và uy nghiêm của quần thể tượng đài được đúc bằng đồng, cùng các hạng mục nhà bia, đền thờ thể hiện truyền thống hào hùng của quân và dân ta trong suốt 2 cuộc kháng chiến. Bao bọc xung quanh khu di tích này còn có vườn cây xanh, khu công viên được chăm sóc tỉ mẫn. Mặc dù năm nay đã 87 tuổi, nhưng chú Ngô Văn Hòa (Tư Hòa), Bí thư Huyện ủy Lái Thiêu năm 1948, vẫn rất minh mẫn khi nhớ lại những kỷ niệm xưa: “Chú từng chiến đấu khắp các chiến trường, nhưng đối với chú thì Thuận An Hòa là chiến khu anh hùng và gắn bó với nhiều tình cảm. Đây là khu căn cứ địa vững chắc với nhiều chiến tích, ký ức hào hùng. Nơi đây chú còn gặp được người vợ đầu tiên nhưng vắn số...”.

Kể về các kỷ niệm đáng nhớ, chú Tư Hòa cho biết kỷ niệm đáng nhớ nhất vẫn là sự mưu trí, dũng cảm của quân dân Thuận An Hòa làm “cò cây” và đánh du kích, khiến quân thù khiếp sợ. “Cò cây” có nghĩa là cưa nửa thân cây rừng cho phần ngọn ngã xuống, còn phần gốc cây vẫn phát triển bình thường để che chở cho quân ta. Khi địch đến, nửa thân cây ngã xuống sẽ là rào cản, không để xe tăng địch tiến sâu vào chiến khu, bắt buộc địch phải vào chiến khu bằng cách... đi bộ. Với hệ thống hầm chông, hố đinh, mìn tự tạo... mà quân ta đã cài sẵn thì địch không què cũng cụt! Do vậy, bao nhiêu lần càn quét bọn chúng chỉ đứng ngoài bìa rừng dội pháo vào chiến khu rồi kéo về, nên không gây thiệt hại gì nhiều cho lực lượng phía ta. Kể từ khi chiến trường Điện Biên Phủ ở miền Bắc nổ ra và suốt 20 năm đánh Mỹ, chiến khu Thuận An Hòa là bàn đạp để các đơn vị chủ lực tấn công vào các vị trí then chốt trong khu vực, cùng cả nước đã tạo nên chiến thắng lịch sử chấn động địa cầu ngày 7-5-1954, 30-4-1975. 

Đền thờ các anh hùng liệt sĩ ở Khu di tích chiến khu Thuận An Hòa

Chú Tư Hòa còn kể cho thế hệ hôm nay nghe những câu chuyện về sự dũng cảm của anh du kích tên Trí, về tấm lòng của người dân chiến khu. Trong câu chuyện, chú Tư Hòa luôn nhấn mạnh đến tình cảm quân dân, sự giúp đỡ của người dân đối với tổ chức kháng chiến, từ đó nảy sinh những mối tình đẹp ngay trong lửa đạn của chiến tranh. Trong đó có mối tình rất đẹp của vợ chồng chú. “Kỷ niệm mà tôi còn nhớ nhiều nhất là lần chị Nguyễn Thị Thập, cán bộ Xứ ủy về công tác bị rớt mất ba lô, tôi phải đi vào khu dân cư và “dân vận” được một bộ quần áo đẹp cho chị thay đổi. Sau này gặp lại tôi, chị Thập cứ nhắc hoài câu chuyện này như có ý hàm ơn những người đã chia sẻ với chị trong lúc khó khăn”, chú Tư Hòa kể.

Câu chuyện của các chú là những bài học về truyền thống anh hùng, giúp thế hệ hôm nay hun đúc thêm tinh thần yêu nước. Em Huỳnh Thị Thu Thủy, Ủy viên Thường vụ - Phó Chủ tịch Hội đồng Đội Thị đoàn Thuận An, cho biết: “25 năm qua, kể từ ngày được sinh ra em đã được nuôi dưỡng và lớn lên trong truyền thống anh hùng bất khuất của quê hương và gia đình. Ông nội em từng tham gia kháng chiến, còn cha là bộ đội nên em rất tự hào với truyền thống của quê hương, của gia đình và tự hứa sẽ giữ mãi ngọn lửa nhiệt huyết này trong tim. Tại đền thờ chiến khu, em cũng đã vinh dự được đại diện cho tuổi trẻ quê hương phát biểu tâm nguyện trước hồn thiêng sông núi, các anh hùng liệt sĩ, rằng: Quá khứ hào hùng của quê hương chính là tấm gương cho tuổi trẻ hôm nay và mai sau soi vào để hoàn thiện bản thân và nhân cách; nhắc nhở thế hệ trẻ hôm nay phải luôn cố gắng phấn đấu học tập, lao động và rèn luyện mọi mặt để xứng đáng với sự kỳ vọng của các thế hệ đi trước”.

Anh hùng cả trong kiến quốc, dựng xây

Trở lại chiến khu Ba Làng sau 37 năm giải phóng, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự phát triển nhanh chóng của vùng đất này. Từ một vùng đất thuần nông, bị chiến tranh tàn phá khốc liệt, nay nông nghiệp ở đây chỉ còn chiếm tỷ lệ rất thấp với 3 - 5%. Ba Làng đã trở thành vùng đất công nghiệp, đô thị (CNĐT) phát triển bậc nhất Việt Nam. Ông Trần Thanh Liêm, Bí thư Thị ủy Thuận An, cho biết: “Phát huy truyền thống anh hùng của vùng chiến khu xưa, chính quyền địa phương qua các thời kỳ đã lãnh đạo nhân dân khắc phục hậu quả chiến tranh, tạo điều kiện cho bà con nhân dân ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất. Đặc biệt, từ sau khi Bình Dương mở cửa thu hút đầu tư, các KCN VSIP, Đồng An, Việt Hương đã được xây dựng trên địa bàn các phường Thuận Giao, An Phú, Bình Hòa với tổng diện tích lên đến 667 ha, thu hút 370 doanh nghiệp (DN) với tổng vốn đầu tư hàng tỷ USD, thu hút hàng ngàn lao động của địa phương và từ nơi khác đến làm việc. Trong đó, lớn nhất là KCN VSIP 1 với diện tích 500 ha, thu hút 200 DN với tổng vốn đầu tư lên đến hơn 2 tỷ USD. Các KCN này hàng năm đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế của địa phương và trở thành bàn đạp kinh tế của Thuận An nói riêng, Bình Dương nói chung. Công nghiệp phát triển, kéo theo sự phát triển của đô thị, góp phần nâng cao mức sống về vật chất, tinh thần cho bà con vùng chiến khu xưa”. 

Nhộn nhịp lao động vào ca tại KCN VSIP

Từ chỗ là bàn đạp trong hai cuộc kháng chiến, vùng đất Ba Làng đã và đang trở thành bàn đạp kinh tế của tỉnh trong thời bình. Với sự thành công của KCN VSIP 1, hai nhà nước Việt Nam - Singapore tiếp tục xây dựng thêm 4 KCN VSIP khác trên mọi miền đất nước. Và, từ bàn đạp vững chắc này, hứa hẹn vùng đất Ba Làng sẽ hóa “rồng” trong tương lai. Phát triển nhanh là vậy nhưng chính quyền địa phương vẫn không quên đây là vùng chiến khu và Khu di tích Thuận An Hòa được xây dựng là nhằm nhắc nhở những ai từng sinh ra, lớn lên trên mảnh đất này và cả những người từ khắp mọi miền đất nước về đây lập nghiệp, ghi nhớ rằng từng tấc đất nơi đây còn thấm máu của lớp người đi trước.

Rời vùng đất Ba Làng mà lời của chú Tư Hòa vẫn còn vọng mãi bên tai như nhắc nhở thế hệ chúng tôi phát huy truyền thống anh hùng của cha ông trong kiến quốc, xây dựng: “Các thế hệ kế thừa đã biết phát huy truyền thống anh hùng của cha ông trong kiến quốc, dựng xây. Giỏi giang trong làm ăn kinh tế, xây dựng Tổ quốc cũng là những anh hùng. Tôi nghĩ đây là cách đền ơn đáp nghĩa đầy đủ, thiết thực nhất! Tôi mong các thế hệ mai sau cố gắng nhiều hơn để vùng chiến khu Thuận An Hòa đời đời được vinh danh”.

Tại vùng đất chiến khu xưa, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở hạ tầng, mở rộng đường giao thông, đưa lưới điện quốc gia về phục vụ nhân dân. Hiện cả 3 phường Thuận Giao, An Phú, Bình Hòa đều đã có trường học từ mầm non đến THCS đạt chuẩn quốc gia. Con em nhân dân địa phương và lao động từ nơi khác đến đều được thụ hưởng những thành quả do địa phương đầu tư, xây dựng. Hiện 3 phường không còn hộ nghèo theo tiêu chí của tỉnh!

BẢO ANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên