Chiến tranh luôn là lựa chọn sau cùng…

Cập nhật: 30-04-2015 | 09:36:57

Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Huy Hiệu sinh ra tại quê hương Hải Hậu, Nam Định, vùng đất địa linh nhân kiệt, nổi tiếng thịnh nho, vượng tướng. Tuổi trẻ của ông gắn liền với những năm tháng chiến đấu ác liệt ở chiến trường Quảng Trị “mùa hè đỏ lửa”. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ông đã chỉ huy Trung đoàn 27 đập tan tuyến tử thủ phía bắc Sài Gòn tại Lái Thiêu, mở đường cho đại quân ta tiến vào sào huyệt cuối cùng của ngụy quyền. Đời trận mạc của ông đã trải qua 67 trận đánh oanh liệt, từ một người lính trở thành vị tướng văn võ song toàn, có nhiều đóng góp cho đất nước. Nhân dịp trở lại Bình Dương thăm chiến trường xưa, Thượng tướng, Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã dành cho phóng viên Báo Bình Dương buổi trò chuyện về đề tài chiến tranh ở nhiều góc nhìn…

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu trao đổi với phóng viên Báo Bình Dương. Ảnh: X.THI

- Thưa thượng tướng, sau thắng lợi mùa xuân năm 1975, Mác-Xoen Tay-Lơ, viên tướng số một của nước Mỹ hồi đó đã cay đắng thừa nhận trong hồi ký rằng: “Trong cuộc chiến tranh Việt Nam, chúng ta (Mỹ) không hề có một anh hùng nào… mà chỉ toàn là một lũ ngu xuẩn. Chính tôi cũng nằm trong số đó”. Với tầm nhìn của vị tướng, ông suy nghĩ gì về câu nói trên, thưa ông?

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu

- Tôi nhớ về một câu chuyện rất ấn tượng mà sau này nhà sử học Dương Trung Quốc đã viết lại. 15 giờ 30 phút ngày 23-6-1997, tại nhà khách Chính phủ đã diễn ra cuộc gặp gỡ giữa ông Rô-bớt Mắc Na-ma-ra (nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chương trình hội thảo về quan hệ Việt - Mỹ trong quá khứ và rút ra bài học cho tương lai. Tại buổi gặp, đoàn của Mỹ nêu câu hỏi: Phía Mỹ nhận ra rằng Mỹ không thắng được ở Việt Nam là do Mỹ không hiểu Việt Nam và bỏ qua nhiều cơ hội để chấm dứt sự dính líu vào cuộc chiến Việt Nam. Nhưng về phía Việt Nam thì sao, có cơ hội nào bị bỏ lỡ không? Câu trả lời của Đại tướng là: “Chúng tôi không bỏ qua một cơ hội nào”. Ông Mắc Na-ma-ra ngắt lời: “Cái đó còn phải bàn lại”. Đại tướng đáp: “Mỹ xâm lược Việt Nam là sai lầm. Mỹ không hiểu Việt Nam. Chúng tôi là một dân tộc có tinh thần bất khuất hàng ngàn năm chống giặc ngoại xâm, nhưng rất mong muốn hòa bình. Thế kỷ XV, sau khi đánh thắng quân Minh, đã từng có những lời tuyên ngôn trong các áng văn bất hủ Bình Ngô Đại Cáo và Phú Chí Linh của Nguyễn Trãi: Đem lại thái bình muôn thuở/ Tắt muôn đời chiến tranh. Sau này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm ra con đường cứu nước và phát triển học thuyết quân sự độc đáo của tổ tiên, động viên chiến tranh toàn dân, do dân, vì dân nên đánh thắng Mỹ…”.

Tôi nghĩ, nội dung câu chuyện trên đã giải đáp vì sao tướng Mác-Xoen Tay-Lơ phải cay đắng thừa nhận như vậy. Có điều là ông ta đã nhận ra sai lầm khi nước Mỹ đã chuốc lấy thất bại hoàn toàn ở Việt Nam. Người Mỹ đến Việt Nam mang theo đô la, vũ khí tối tân, những tưởng sẽ nhanh chóng đè bẹp quốc gia nhỏ nằm bên bờ sóng còn nghèo nàn, lạc hậu. Đây chính là sai lầm chí mạng của họ, người Mỹ không hiểu lịch sử dân tộc ta, không hề biết rằng cả dân tộc này đều chung một lời thề: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”. Họ thua là phải!

- Đại thắng mùa xuân năm 1975 là một móc son chói lọi nhất trong lịch sử đấu tranh của dân tộc ta. Là một nhà quân sự, thượng tướng có thể phân tích thêm yếu tố nắm bắt thời cơ của Bộ Chính trị cũng như chiến thuật, chiến lược của quân ta trong các chiến dịch giải phóng miền Nam?

- Trong lịch sử chiến tranh, tổ tiên ta đã đúc kết: “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/ Lấy chí nhân để thay cường bạo”. Từ chân lý chính nghĩa và nhân văn đó nên mỗi khi đất nước lâm nguy thì tất cả người Việt Nam đều rũ bùn đứng lên... Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ là thắng lợi của sức mạnh tổng hợp toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị và cả nền văn hóa truyền thống lâu đời của cha ông ta.

Về mặt quân sự, trong các chiến dịch giải phóng miền Nam đã cho thấy nghệ thuật tác chiến của quân ta đã đạt tới đỉnh cao và hoàn toàn khác với cách đánh trước đây. Lần đầu tiên ta tổ chức đánh hợp đồng lớn nhất, hành quân dài nhất, nhiều lực lượng tham gia nhất, có đến 52 trung đoàn bộ binh. Hai chiến dịch đã tạo ra thời cơ đột biến “một ngày bằng 20 năm” cho cách mạng, đó là chiến dịch giải phóng Đường 14 - Phước Long và Buôn Ma Thuột. Có thể nói đây là chiến dịch “Đánh trận một sạch không kình ngạc/ Đánh trận hai tan tác chim muông”. Buôn Ma Thuột ví như một đòn gánh, khi ta bẻ gãy được đòn gánh này, Bộ thống soái lập tức mở các chiến dịch ở hai đầu đòn gánh như chiến dịch Huế, Đà Nẵng… nhằm không cho địch co cụm chiến lược. Bắt đầu từ chia cắt chiến dịch đến chia cắt chiến lược, ta đã thọc sâu chọc thủng và phá vỡ hoàn toàn thế phòng thủ liên hoàn của quân địch. Thắng lợi trong mùa xuân 1975 về mặt quân sự đã thể hiện tài thao lược rất tuyệt vời của quân ta.

- Thưa thượng tướng, trong các tác phẩm kinh điển viết về binh pháp chiến tranh, trước khi bàn về nghệ thuật dụng binh, sách đều phản đối chiến tranh. Và có một nhà quân sự nổi tiếng trên thế giới cũng nói rằng: Vị tướng tài ba nhất là vị tướng làm cho cuộc chiến tranh không xảy ra. Ông bình luận như thế nào về vấn đề này?

- Nhìn lại hàng ngàn năm lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc ta, các thế lực xâm lược đều bị thất bại. Đất nước ta lúc thịnh, lúc suy nhưng dân tộc Việt Nam không bao giờ chịu cúi đầu làm nô lệ! Việt Nam cũng có nền văn hóa lâu đời mà không thế lực nào có thể đồng hóa, khuất phục được. Con người Việt Nam yêu chuộng hòa bình, không xâm lược nước nào nhưng cũng không kẻ thù nào khuất phục được dân tộc ta, không một sức mạnh nào có thể phá vỡ được sức mạnh đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam. Chúng ta luôn nêu cao chính nghĩa và sự khát khao hòa bình của nhân dân để cùng bảo vệ giang sơn bờ cõi của Tổ quốc. Đúng thế! Trên thế giới này không ai mong muốn chiến tranh. Tôi đồng ý với những vấn đề trên, vị tướng giữ được nền hòa bình, nền độc lập mới là vị tướng tài năng nhất. Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, chiến tranh luôn là sự lựa chọn sau cùng trong thế bắt buộc phải đứng lên.

- Thưa thượng tướng, Bác Hồ lúc sinh thời từng nói, dân tộc Việt Nam là một, người Việt Nam là một. 40 năm đã trôi qua, chiến tranh đã lùi xa vào quá khứ, hôm nay ông suy nghĩ như thế nào về vấn đề hòa hợp dân tộc?

- Tôi cho rằng, đại thắng mùa xuân năm 1975 là một bước phát triển nhảy vọt vĩ đại chưa từng có trong lịch sử dân tộc ta, kết thúc thắng lợi cuộc đấu tranh giải phóng đầy hy sinh gian khổ đã kéo dài hàng trăm năm của nhân dân ta. Do đó, hiểu về quá khứ, nhìn về quá khứ không phải để đay nghiến lịch sử mà là sự biết ơn, kế thừa truyền thống bất khuất của cha ông trong công cuộc xây dựng bảo vệ Tổ quốc hôm nay đối với thế hệ trẻ. Và để cho đất nước ngày càng phát triển giàu mạnh, người Việt Nam đoàn kết thống nhất một lòng, cùng hướng về nguồn cội, đã đến lúc chúng ta nên có cái nhìn sâu sắc về chiến tranh nhằm khép lại quá khứ hướng tới tương lai. Chúng ta không được phép quên quá khứ đầy đau thương và mất mát, nhưng chúng ta phải nhìn cho rõ, phải phân biệt được ai là những kẻ hiếu chiến, ai là nạn nhân của chiến tranh. Trong chiến tranh chống Mỹ, nhân dân Việt Nam ở cả hai miền và cả những thanh niên Mỹ chính là nạn nhân của chiến tranh. Khi Tổ quốc lâm nguy, chúng ta nắm tay nhau nhất loạt đứng lên kiên cường bất khuất, đánh đuổi giặc ngoại xâm. Nhưng khi có hòa bình, chúng ta lại bao dung vị tha. 40 năm thống nhất rồi, vết thương chiến tranh cần phải được xoa dịu, được lành da…

- Xin cảm ơn thượng tướng về cuộc trò chuyện này.

KIẾN GIANG (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên