Chiến trường miền Đông qua lời kể của cựu quân dân y

Cập nhật: 23-04-2015 | 08:44:02

Ký ức về chiến sự ác liệt của miền Đông Nam bộ vẫn còn nguyên trong tâm khảm những người chiến sĩ năm xưa. Họ là những người cựu binh của các lực lượng phối hợp đã chung sức, chung lòng kiên gan kháng chiến cho đến ngày đất nước thống nhất, ca khúc khải hoàn. Nhắc lại những ngày tháng đó, họ vẫn bồi hồi xúc động…

Một thời không thể nào quên

Ông Nguyễn Huy Hoàng, nguyên Bí thư Chi bộ, Chính trị viên C62 nay đã vào tuổi 80. Hiện, ông về quê sống ở Bến Lức, Long An nhưng vẫn nhớ một thời hào hùng của tuổi trẻ gắn liền với chiến trường Đông Nam bộ. Ông kể, Bệnh xá 62 tiền thân là K72, Đoàn 81 miền Đông Nam bộ. Trước khi về C62, ông thuộc đơn vị C59, sau trận đánh Tua Hai thì đơn vị có nhiệm vụ đánh địch để mở rộng hành lang căn cứ lên phía bắc. Ông Nguyễn Huy Hoàng trực tiếp tham gia nhiều trận đánh như Phú Riềng, Bù Đăng, Bù Na, vùng Chiến khu Đ từ Tân Uyên qua Biên Hòa, Đồng Nai… Đến tháng 11- 1960, trên đường hành quân về vùng Bù Gia Mập, Phước Long thì được tin nội bộ chính phủ ngụy quyền đảo chính lật đổ anh em Diệm, Nhu. Đơn vị C59 được lệnh phục kích đánh địch tại cây số 21, đường 14, Đồng Xoài, đón đánh đoàn xe địch từ Buôn Ma Thuột về Sài Gòn. Đoàn xe địch có 21 chiếc, đi đầu là 2 xe tăng, đi sau có 2 xe bọc thép với trung đoàn bộ binh. Đơn vị chặt cây cản ngang đường 14. Đoàn xe địch lọt vào trận địa của ta (đó là đêm 11-11-1960), đơn vị dùng ĐK57 bắn vào xe địch. Bộ binh dùng thủ pháo đánh địch. “Bên địch có một chiếc xe tăng lách vô lề đường, trườn lên đội hình của ta, tôi dùng thủ pháo đánh chiếc xe tăng đứt xích. Nó dừng lại bắn vào đội hình của ta nên chúng tôi xung phong ném thủ pháo diệt nó. Trước khi xe tăng bị tiêu diệt, địch ném lựu đạn xung quanh xe, tôi bị thương bể khớp gối chân trái, thủng xương chậu và bị thương ở bụng… Trận này ta diệt 75 tên và phá hỏng 4 xe cơ giới…”, ông Hoàng kể.

Ông Nguyễn Huy Hoàng trò chuyện với tác giả. Ảnh: Q.NHƯ

Tiếp đó là giai đoạn Trung ương Cục cử cán bộ về Chiến khu Đ vào cuối năm 1960 để mở rộng căn cứ địa cách mạng. Sau khi lành vết thương, ông lại cùng đồng đội tham gia vận động đồng bào dân tộc tham gia kháng chiến bảo vệ căn cứ Chiến khu Đ. Chỉ trong thời gian ngắn, Đảng ủy căn cứ Chiến khu Đ đã xây dựng một xưởng quân giới với 30 đồng chí, củng cố phát triển Bệnh xá K24, tổ chức một đơn vị triển khai thu mua được nhiều hàng hóa, phương tiện dụng cụ ở vùng tạm chiếm Vĩnh Tân, Tân Biên (tỉnh Thủ Biên cũ)… Việc mở rộng căn cứ là một bước phát triển mới, từ đây Chiến khu Đ ngày càng phát triển toàn diện, nối liền hậu phương lớn qua đường Trường Sơn cùng với vùng căn cứ các tỉnh phía Đông tạo thành thế căn cứ liên hoàn của một vùng hậu phương chiến lược ở Đông Nam bộ…

Kể về những ngày đó, ông Nguyễn Huy Hoàng bảo: “Chúng tôi và những người đồng đội đi theo cách mạng bằng lòng yêu nước vô bờ bến, sẵn sàng chịu mọi gian khổ, ăn mì, củ rừng thay cơm, có lúc phải ăn lá tàu bay. Mỗi người chỉ có 2 bộ quần áo, bộ nghỉ, bộ nghiêm! Chăn đắp là nylon, mùa đông lạnh phải đào hố đốt lửa ngủ… Thế nhưng ai cũng nhắc nhau làm tốt nhiệm vụ của mình. Nhiệm vụ C62 là chữa trị cho cán bộ chiến sĩ U150, đồng thời khám sức khỏe cho số tân binh ở các tỉnh lên và điều trị cho cán bộ chiến sĩ các đơn vị bạn chiến đấu trong căn cứ địa Chiến khu Đ.

Tôi là người lính!

Chúng tôi đến thăm bác sĩ Nguyễn Bá Hữu, nguyên Giám đốc Sở Y tế Bình Phước tại nhà riêng của ông. Cuộc sống bình yên của vị bác sĩ từng vào sinh ra tử bây giờ đã yên ấm, điền viên bên con cháu. Thế nhưng, nhắc lại thời kỳ gian khó ở chiến trường miền Đông, mắt ông sáng lên và giọng nói vẫn sang sảng, đúng tác phong của một người lính, một thầy thuốc quân y…

Sinh năm 1940, quê ở Thới Hòa, nay thuộc TX.Bến Cát, bác sĩ Nguyễn Bá Hữu sớm giác ngộ cách mạng. Năm 1957, ông đã tham gia hoạt động cách mạng và năm 1960, chính thức tham gia vào lực lượng vũ trang (thuộc C300, chiến trường Đông Nam bộ). Con đường để ông rẽ ngang sang vừa làm quân nhân, vừa học để làm bác sĩ thật tình cờ. “Hồi đó, thầy thuốc chăm sóc cho chiến sĩ các đơn vị hiếm lắm. Đơn vị tôi có 2 y sĩ được học tải thương, cứu thương nhưng khi đối diện với thương binh máu me đầy mình, họ thương quá, khóc và không đủ bình tĩnh để làm việc. Trước tình hình đó, lãnh đạo đơn vị gọi tôi lên làm công tác tư tưởng và cho đi học 3 tháng để về làm nhiệm vụ cứu thương. Năm 1970, tôi được điều về quân y của đại đội”, bác sĩ Hữu chia sẻ.

Sau đó, ông được cử về Cà Mau để đào tạo thêm về nghề y rồi lại trở về phục vụ trong quân ngũ. Ông nói: “Không thể tưởng tượng được chúng tôi cứu chữa cho thương binh trong điều kiện quá thiếu thốn như thế nào đâu. Không có panh kẹp nên phải lấy cật tre vót để dùng thay thế. Kim tiêm thuốc thì được mài bằng đá mài bên suối và một cây kim tiêm dài bị mài mòn dần dần cho đến khi ngắn ngủn, không còn dùng nữa thì thôi. Quần áo thì được khâu bằng bao bột mì và nhuộm nâu từ nước nấu bằng vỏ cây rừng. Đói ăn triền miên nhưng không ai bỏ quân ngũ. Ai cũng một lòng đi theo Đảng, theo cách mạng cho đến ngày đất nước thống nhất…”.

Bên cạnh nhiệm vụ cứu thương, ông còn cùng đồng đội tham gia đánh đồn bót địch từ Tân Uyên sang Bến Cát, Thủ Dầu Một, Biên Hòa… Trong câu chuyện với chúng tôi, ông nhắc nhiều đến các trận chiếm đánh bót địch ở Hiếu Liêm, Lạc An, Vĩnh Tân… (Tân Uyên). Ông vừa cầm súng giết giặc vừa tích cực học hỏi để nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, phục vụ cho chiến trường miền Đông Nam bộ. Bác sĩ Hữu kể: “Có những chiến sĩ nhiều ngày không có cơm ăn. Họ nướng sắn đeo theo bên hông trong lúc hành quân. Và, chưa kịp ăn miếng sắn cho đỡ đói lòng đã hy sinh. Có những chiến sĩ bị thương được lực lượng tải thương gánh chạy qua làn đạn pháo. Khi hết tầm đạn, vào đến nơi an toàn, anh thương binh được đặt nằm ngay bên bờ ruộng để khâu vá vết thương, băng bó tạm thời rồi cùng nhau rút về an toàn khu…”.

Sau năm 1975, hòa bình lập lại, ông Hữu được đưa về làm Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Sông Bé. Ngày 1-1-1997, Sông Bé được chia tách thành Bình Dương và Bình Phước, bác sĩ Hữu được phân công về công tác ở Bình Phước và làm Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Phước. Về với vùng đất mới, ông lại tích cực đóng góp cho ngành y tế nơi đây. Cũng trong năm 1997, ông được phong tặng Thầy thuốc ưu tú. Với những đóng góp của mình cho kháng chiến, ông Hữu cũng đã được tặng thưởng Huân chương chống Mỹ cứu nước hạng nhất, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng nhất, Huân chương Chiến công hạng nhất và nhiều huân, huy chương, danh hiệu cao quý khác.

“Còn sống sót và trở về sau chiến tranh là một điều may mắn và cũng là nhờ đồng đội không quản ngại hy sinh, che chở cho mình nên tôi không bao giờ quên được họ, những người đồng đội, đồng cam cộng khổ với mình…”, ông Nguyễn Huy Hoàng tâm sự. Vâng! Hơn ai hết, những người đã từng đi qua chiến tranh khốc liệt mới thấy hết được ý nghĩa và giá trị của hòa bình…

QUỲNH NHƯ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên