50 năm vang mãi bản hùng ca – Bài 1

Cập nhật: 13-01-2018 | 08:33:28

Cách đây vừa tròn 50 năm, đúng vào đêm Giao thừa Tết Mậu Thân 1968 (ngày 30 và 31-1-1968), cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta đồng loạt nổ ra trên toàn chiến trường miền Nam, đặc biệt ở Sài Gòn - Gia Định, Huế và nhiều thị xã, thị trấn, các căn cứ quân sự đầu não của Mỹ - ngụy. Cuộc tổng tiến công và nổi dậy đã đi vào lịch sử cách mạng hào hùng của dân tộc Việt Nam. Nhân kỷ niệm 50 năm sự kiện Mậu Thân, Báo Bình Dương thực hiện loạt bài viết nhằm nêu bật ý nghĩa lịch sử và những thắng lợi vẻ vang của quân và dân cả nước trong những ngày xuống đường sục sôi năm ấy…

 Bài 1: Mậu Thân 68 - Chiến thắng mang tầm vóc lịch sử

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là một chủ trương chiến lược đúng đắn và sáng tạo của Đảng ta, có ý nghĩa lịch sử to lớn, mở ra cục diện mới trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta. 50 năm đã trôi qua, nhưng ý nghĩa của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 vẫn còn vẹn nguyên giá trị và mãi mãi đi vào trang sử vàng, là bản hùng ca bất tử của dân tộc Việt Nam.

 Bước ngoặt thời cơ

Từ thực tiễn chống Mỹ, cứu nước trên khắp hai miền Nam, Bắc; trên cơ sở phân tích toàn bộ tình hình trong nước và thế giới có liên quan, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 12, khóa III (12-1965) hạ quyết tâm chiến lược: “Động viên lực lượng của cả nước, kiên quyết đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ trong bất kỳ tình huống nào”; xác định phương châm chiến lược chung: “Trên cơ sở đánh lâu dài, dựa vào sức mình là chính, cần tranh thủ thời cơ, giành thắng lợi quyết định trong một thời gian tương đối ngắn trên chiến trường miền Nam”.

Lực lượng vũ trang Sài Gòn - Gia Định chuẩn bị bước vào cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Ảnh: T.L

Bằng sức mạnh của chính nghĩa, quân và dân miền Nam đã làm thất bại hai cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965-1966 và 1966-1967 của Mỹ - ngụy. Hai gọng kìm “tìm diệt” và “bình định” bị bẻ gãy. Mục tiêu mà Mỹ đề ra chẳng những không thực hiện được mà còn chịu tổn thất nặng cả về sinh lực và phương tiện chiến tranh, làm cho thế trận của địch nao núng, tinh thần quân địch sút kém, hàng ngũ địch thêm mâu thuẫn. Trong lúc đó, chúng ta vẫn giữ vững quyền chủ động chiến lược trên chiến trường miền Nam, vùng giải phóng được củng cố. Chiến công của quân và dân ta trên cả hai miền Nam, Bắc, cùng với khí thế phong trào đấu tranh của quần chúng dâng cao đã làm xuất hiện tình thế mới trên chiến trường có lợi cho ta.

Tháng 1-1968, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 14 (khóa III) sau khi phân tích tình hình đã nhận định: Địch thất bại một bước rất cơ bản trong chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, đang lúng túng, bị động về chiến lược, chiến thuật, do đó, ta phải tranh thủ thời cơ “chuyển cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân ta ở miền Nam sang một thời kỳ mới - thời kỳ tiến công và nổi dậy, giành thắng lợi quyết định”, tạo ra bước ngoặt lớn của cuộc chiến tranh. Để thực hiện quyết tâm chiến lược đó, nhiệm vụ cấp bách của ta trong thời kỳ mới là động viên, tạo sự nỗ lực cao nhất của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta ở cả hai miền, đưa cuộc chiến tranh cách mạng của ta lên bước phát triển cao nhất bằng phương pháp tổng công kích và tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định.

Miền Nam sục sôi xuống đường

Trước lúc tiếng súng Xuân Mậu Thân của quân ta rền vang trên toàn cõi miền Nam, các hoạt động nghi binh, đặc biệt chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh đã làm cho Bộ Chỉ huy quân lực Mỹ tại miền Nam và giới lãnh đạo Oa-sinh-tơn bị lạc hướng. Trong khi họ dồn toàn trí và lực lượng ra hướng Đường 9 - Khe Sanh và nhận định đây là chiến trường chính, thì cuộc tổng tiến công và nổi dậy bất ngờ diễn ra ở một loạt đô thị trên toàn miền Nam.

Đúng 0 giờ ngày 29-1-1968, quân ta tiến công địch tại sân bay Nha Trang (Khánh Hòa). Từ 0 giờ 30 phút đến 1 giờ 15 phút ngày 30-1-1968, ta đồng loạt tiến công vào thị trấn Tân Cảnh, thị xã Kon Tum (Kon Tum), thị xã Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), thị xã Plây Cu (Gia Lai), thành phố Quy Nhơn (Bình Định), thành phố Đà Nẵng, thị xã Hội An... cả dải đất miền Trung đã nổ súng tiến công. Bộ binh, đặc công, pháo binh, biệt động ta đánh mạnh, đánh trúng các mục tiêu trọng yếu của địch ở Sài Gòn - Gia Định, Huế, Quảng Trị, Đà Nẵng, Tam Kỳ, Quảng Ngãi, Phan Thiết, Phan Rang, Đà Lạt, Tây Ninh, Bến Tre, Kiến Tường, Định Tường, Gò Công, Biên Hòa, Mỹ Tho, Cần Thơ, Trà Vinh, Châu Đốc, Vĩnh Long, Cà Mau, Sóc Trăng, Rạch Giá, Kiên Giang, Tuyên Đức...

Ngay từ phút đầu nổ súng, biệt động ta đã đồng loạt đánh vào các mục tiêu quy định: Dinh Độc Lập, Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa, Bộ Tư lệnh Hải quân, sân bay Tân Sơn Nhất, Đài Phát thanh, tòa Đại sứ Mỹ. Trận đánh tòa Đại sứ Mỹ hơn 6 tiếng đồng hồ với 17 chiến sĩ biệt động của ta đương đầu với lực lượng quân cảnh, lính dù của Mỹ đã gây tiếng vang lớn làm chấn động nước Mỹ.

Đồng thời với lực lượng biệt động, các tiểu đoàn mũi nhọn trang bị gọn nhẹ, từ các bàn đạp vùng ven, nhanh chóng tiến vào nội đô trên các hướng. Xung quanh Sài Gòn - Gia Định, các căn cứ quân sự, trụ sở quân đội và chính quyền Sài Gòn ở Biên Hòa, Bình Dương, Hậu Nghĩa, Long An... cũng bị tiến công. Tại mặt trận Trị Thiên, lực lượng ta tiến công Nhà đèn, Ty Cảnh sát, Tòa tỉnh trưởng, trụ sở cơ quan bình định và trụ sở Bộ chỉ huy Viện trợ Quân sự Hoa Kỳ tại Việt Nam (MACV), Tri Bưu, Thành Cổ, La Vang, điểm cao 49. Riêng mặt trận Huế, lúc 22 giờ 33 phút, ngày 31-1-1968, tiếng súng tấn công bắt đầu vang lên khắp thành phố; sau 4 ngày chiến đấu liên tục quân và dân ta đánh chiếm hầu hết các mục tiêu quan trọng như: Dinh tỉnh trưởng, đồn cảnh sát, đài phát thanh, khách sạn Thuận Hóa, Hương Giang (hang ổ của Mỹ), sân bay Phú Bài… Bị tiến công đồng loạt, bất ngờ, địch lúc đầu choáng váng. Chúng dồn về mặt trận đô thị, bỏ ngỏ vùng nông thôn. Nắm thời cơ, lực lượng vũ trang tại chỗ hỗ trợ nhân dân nổi dậy giải phóng nhiều vùng rộng lớn.

Tiếp theo đợt I, chúng ta còn mở đợt tiến công mùa hè (đợt II) từ tháng 5-1968 đánh vào 30 thành phố, thị xã, quận lỵ, chi khu; 27 bộ tư lệnh từ quân đoàn đến trung đoàn; 40 sân bay; nhiều kho tàng và các trục đường giao thông thủy bộ của địch. Phát huy khí thế tấn công, từ ngày 17-8-1968, ta mở đợt tấn công lần thứ 3. Hai đợt tiến công lần thứ II và III bồi tiếp đòn nặng vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, gây cho chúng những tổn thất lớn về sinh lực và phương tiện chiến tranh.

Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là một biểu tượng sáng ngời về ý chí và sức mạnh quật cường của quân và dân Việt Nam, là tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo, tài mưu lược trong nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của Đảng ta: nghệ thuật nắm bắt thời cơ để chủ động giáng đòn quyết định làm chuyển biến cục diện chiến tranh; nghệ thuật tiến công bằng cách đánh chiến lược mới, giành thế bất ngờ, đưa chiến tranh vào thành thị; là nghệ thuật tổ chức, bố trí và sử dụng lực lượng “lấy nhỏ đánh lớn”, “lấy ít địch nhiều”, “lấy chất lượng cao thắng số lượng đông”, lấy trí tuệ của con người Việt Nam để chiến thắng vũ khí và trí tuệ của bộ máy điều hành chiến tranh của Mỹ. (Còn tiếp)

 50 năm đã trôi qua, nhưng ý nghĩa và bài học của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 vẫn còn vẹn nguyên giá trị, đó là khát vọng về độc lập, tự do và hòa bình cho Tổ quốc, là niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, là tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo trong hoạch định đường lối và chỉ đạo chiến lược, là sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là sự kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, là tinh thần đoàn kết quốc tế cao cả.

 

 NHÓM P.V

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên