50 năm vang mãi bản hùng ca - Bài 16

Cập nhật: 31-01-2018 | 08:31:57

Bài 16: Ký ức tình quân dân

Chiến thắng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 của toàn quân và toàn dân miền Nam, trong đó có tỉnh Thủ Dầu Một thuộc Phân khu 5 đã góp phần ghi đậm thêm dấu ấn trong trang sử hào hùng về ý chí bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta. 50 năm - thời gian và nhiều sự kiện đã đi vào quá khứ, song chiến thắng Xuân Mậu Thân 1968 sẽ còn được lưu giữ mãi trong lịch sử và ký ức của các cựu chiến binh đã từng tham gia vào chiến dịch mùa xuân năm ấy.

 

Các cựu chiến binh tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 trò chuyện với phóng viên trong buổi họp mặt tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Ảnh: P.V

Tại hội thảo khoa học 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân - giá trị lý luận và thực tiễn diễn ra tại Đại học Thủ Dầu Một mới đây, nhiều ý kiến tham luận đã nêu bật vị trí chiến lược và vai trò của quân dân miền Đông đã góp sức làm nên thắng lợi của toàn chiến dịch, trong đó PGS-TS. Nguyễn Văn Hiệp, Hiệu trưởng trường Đại học Thủ Dầu Một đã phân tích: Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là trận “quyết chiến chiến lược lịch sử”, một sự kiện có ý nghĩa bước ngoặt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Kết quả của thắng lợi ấy xuất phát từ nhiều thành tố, trong đó có sự đóng góp đặc biệt to lớn của quân và dân miền Đông Nam bộ. Miền Đông Nam bộ là cụm từ chỉ địa bàn các tỉnh nằm trên nửa phần đất của Nam bộ về phía đông, khu vực chuyển tiếp giữa cao nguyên miền Nam với đồng bằng sông Cửu Long, lưng dựa vào dãy Trường Sơn và vùng rừng núi Nam Đông Dương, mặt hướng xuống biển Đông và đồng bằng sông Cửu Long, sườn phía tây giáp với Campuchia…

Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, đất miền Đông luôn là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng đối với cả hai bên. Đối với đế quốc Mỹ, miền Đông Nam bộ trong đó có thành phố Sài Gòn là đại bản doanh của quân viễn chinh, là “thủ đô”, trung tâm chính trị, quân sự, kinh tế của chế độ Sài Gòn; nơi phát ra và chỉ đạo thực hiện các chủ trương chiến lược, các kế hoạch, biện pháp và thủ đoạn chiến thuật của cuộc chiến tranh; nơi bố trí phần lớn lực lượng quân sự với những đơn vị cơ động chiến lược sừng sỏ và hệ thống kho tàng dự trữ vật chất kỹ thuật nuôi sống guồng máy chiến tranh xâm lược. Đặc điểm về quân sự - chính trị nói trên làm cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 của quân và dân miền Đông Nam bộ có ảnh hưởng và sức lan tỏa mạnh mẽ ra phạm vi cả nước và trên thế giới.

Hòa chung trong khí thế sục sôi của toàn miền Nam, quân dân miền Đông Nam bộ nói chung và Thủ Dầu Một nói riêng đã nêu cao trách nhiệm, quyết tâm bước vào chiến dịch với tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Thực hiện sự chỉ đạo của Quân ủy, Bộ Chỉ huy Miền, ngay sau khi Phân khu thành lập, các cơ quan của tỉnh Thủ Dầu Một (trở thành các cơ quan của Phân khu 5), chuyển từ căn cứ Long Nguyên - Bến Cát về Chiến khu Đ. Phân khu ủy chỉ đạo các huyện thị, các lực lượng khẩn trương tiến hành công tác chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy. Trước thời khắc bước vào chiến dịch, toàn tỉnh Thủ Dầu Một đã sẵn sàng chấp hành mệnh lệnh. Mọi công tác chuẩn bị được khẩn trương. Từng cấp ủy, từng đơn vị địa phương đến từng đảng viên, đoàn viên, cán bộ, chiến sĩ được quán triệt nhiệm vụ. Quyết tâm và khí thế lên rất cao, tinh thần sẵn sàng xả thân giành thắng lợi cho cách mạng với khẩu hiệu: Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng giành chính quyền về tay nhân dân.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 có nhiều lực lượng tham gia từ bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích đến đặc công, biệt động… được nhân dân hết lòng ủng hộ, tích cực phối hợp tham gia chiến đấu và giành thắng lợi. Biết bao cán bộ, chiến sĩ đồng bào ta đã anh dũng hy sinh nêu tấm gương chiến đấu dũng cảm, những cách đánh có hiệu suất cao, phá hủy nhiều mục tiêu quan trọng của địch. Những hành động quên mình trong chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ta xuất hiện ngày càng nhiều trên khắp các mặt trận, các chiến trường thể hiện sâu sắc tinh thần cách mạng tiến công, ý chí quyết chiến quyết thắng của quân dân ta, như lời thơ của Tố Hữu đã viết trong “Bài ca Xuân 1968”: Anh chị em ơi! Hãy giương súng lên cao, chào xuân 68/ Xuân Việt Nam/ Xuân của lòng dũng cảm… Nói về vai trò của quần chúng nhân dân trong Mậu Thân 1968, tiến sĩ Nguyễn Văn Thủy, Trưởng khoa Sử trường Đại học Thủ Dầu Một cho rằng: Sau một thời gian nhân dân ta bị địch kìm kẹp, áp bức khủng bố thì sự kiện Mậu Thân đã thổi bùng lên ngọn lửa căm thù, quyết tâm đấu tranh đánh đuổi quân xâm lược. Quần chúng nhân dân đã đóng một vai trò rất lớn trong những ngày chiến dịch diễn ra.

Nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng những ký ức về tình quân dân mãi còn in đậm trong lòng cựu chiến binh Đinh Tấn Hiệp, chiến sĩ Tiểu đoàn Phú Lợi. Ông Hiệp kể lại, đêm mùng 2 Tết Mậu Thân, đơn vị của ông đánh vào mục tiêu Thành Công binh và Tòa Hành chính Phú Cường. Trận đánh tại Tòa Hành chính diễn ra khá êm xuôi do lính ở đây đã về quê ăn tết, nhưng trận đánh ở Thành Công binh diễn ra vô cùng ác liệt, địch phản công dữ dội và quân ta có nhiều đồng chí anh dũng hy sinh và sau đó chấp hành mệnh lệnh rút lui để bảo toàn lực lượng. Trên đường rút lui, đơn vị của ông rất cảm động khi bà con nhân dân đã tìm cách đưa tận tay những bánh tét, bánh tráng và các thực phẩm khác để bộ đội có được hương vị ngày tết. Giữa chiến trường đạn lửa, bà con nhân dân vẫn không ngại hiểm nguy, một lòng hướng về cách mạng, thương yêu bộ đội như những người thân trong gia đình. Đó là những ký ức đã đi vào trái tim của bao cựu chiến binh thời xông pha trận mạc mà đến bây giờ vẫn không thể nào quên.

Thời gian đã trôi qua, nhìn lại lịch sử kháng chiến hào hùng của dân tộc Việt Nam, thế hệ hôm nay và mai sau mãi mãi tri ân và tự hào. Như lời cựu chiến binh Ca Văn Ron phát biểu tại buổi họp mặt cán bộ, chiến sĩ tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968: Chiến tranh đã đi qua và có biết bao nhiêu người đã ngã xuống ở chiến trường, biết bao nhiêu người bị tù đày tra tấn dã man và biết bao nhiêu người đã hy sinh một phần máu thịt của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Chúng ta không bao giờ quên và luôn luôn biết ơn, ghi nhớ những người đã tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 và cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước giành lại giang sơn cho Tổ quốc… (còn tiếp)

Thế trận lòng dân

Cuộc chiến tranh của dân tộc ta là cuộc chiến tranh nhân dân, trong đó thế trận lòng dân là cốt lõi đã được phát huy cao độ trong chiến dịch Mậu Thân 1968. Bước vào chiến dịch, tôi được giao nhiệm vụ nhận tiền và nhu yếu phẩm về phục vụ chiến dịch. Đêm về đến Thủ Dầu Một thì tiếng súng quân ta đã nổ khắp nơi, không kịp nghỉ ngơi, tôi lập tức theo Đại đội 2 của Tiểu đoàn Phú Lợi tham gia đánh địch ở khu vực Búng (phường Thuận Giao, TX.Thuận An bây giờ). Chiến sự ở đây diễn ra rất ác liệt, kéo dài, bộ đội hết lương thực thực phẩm. Trong tình cảnh khó khăn đó, chúng tôi được quần chúng nhân dân hết sức giúp đỡ. Bà con thay phiên nhau tiếp tế gạo cho bộ đội. Nhờ lương thực thực phẩm của bà con, chúng tôi đào hầm cất giấu và cầm cự được với địch nhiều ngày sau đó…

(Cựu chiến binh Phan Nhật Quang, nguyên chiến sĩ hậu cần Phân khu 5)

NHÓM P.V

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên