50 năm vang mãi bản hùng ca – Bài 5

Cập nhật: 18-01-2018 | 08:09:54

Bài 5: Chiến thắng Xuân Mậu Thân 1968 và bài học lịch sử

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã làm đảo lộn về thế bố trí chiến lược trên chiến trường, làm phá sản Chiến tranh cục bộ, làm lung lay ý chí xâm lược, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, mở ra điều kiện và thời cơ cho những đòn tiến công tiếp theo mà đỉnh cao là Đại thắng mùa xuân năm 1975, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

 Vai trò của quần chúng

Có thể nói, sự hy sinh về sức người, sức của của nhân dân trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 là rất lớn. Mặc dù khí thế cách mạng của quần chúng rất cao, nhưng do đòn chủ lực của ta chưa đủ sức đập tan bộ máy sinh lực địch nên tổng khởi nghĩa đã không nổ ra như dự định. Tuy vậy, tinh thần nổi dậy của nhân dân được thể hiện tuyệt vời trong Tết Mậu Thân là bằng chứng tin cậy để Đảng ta khẳng định rằng: Nếu đòn chủ lực của ta đủ mạnh, nếu được chuẩn bị chu đáo về mọi mặt và thời cơ lịch sử chín muồi thì chắc chắn lần tổng tiến công và nổi dậy tiếp theo sẽ thành công trọn vẹn. Điều này được thực tế lịch sử chứng minh trong mùa Xuân 1975: Chỉ trong vòng không đầy 3 tháng quân và dân toàn miền Nam, trong đó có quân và dân Trị Thiên - Huế, đã thực hiện xuất sắc cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, đập tan hoàn toàn bộ máy ngụy quân, ngụy quyền, giành chính quyền về tay nhân dân, giải phóng miền Nam, thu non sông về một mối.

Sau Mậu Thân 1968, nước Mỹ buộc phải ngồi vào bàn đàm phán Paris. Ảnh: T.L

Tại Sài Gòn - Gia Định, phong trào quần chúng nhân dân cũng sục sôi xuống đường, đặc biệt là phong trào của thanh niên, sinh viên, học sinh rất sôi nổi. Nhiều thanh niên, sinh viên, học sinh đã cầm vũ khí sát cánh chiến đấu cùng các chiến sĩ quân giải phóng. Lực lượng Thành đoàn đã hoạt động mạnh ở khu xóm Bàn Cờ lịch sử, Vườn Chuối, Nguyễn Thông, Lê Văn Duyệt, khu vực chùa Ấn Quang, đường Minh Mạng... Sau những tuần đầu của Tết Mậu Thân, Tổng hội sinh viên đã thành lập, Ủy ban thanh niên, sinh viên, học sinh, tập hợp hơn 500 người, cứu trợ đồng bào bị nạn. Khi bước vào đợt II, lực lượng thanh niên, sinh viên, học sinh tham gia càng đông và tích cực hơn, tham gia các mũi đột kích, diệt ác, rải truyền đơn, treo cờ mặt trận... Ở ngoại thành, vùng ven, khi lực lượng vũ trang nổ súng tiến công các mục tiêu nội đô thì đồng bào đã cùng nhau gõ mõ tre, đập thùng thiếc, đốt khí đá, phát loa, treo cờ, rải truyền đơn kêu gọi binh lính Sài Gòn bỏ súng về với gia đình. Ðồng bào các giới đã cùng lực lượng vũ trang của các đoàn thể, các cấp tiến chiếm Tòa Hành chính ở quận 5, quận 4, thị trấn Hóc Môn, Xóm Chiếu...

Rõ ràng chưa có “Tổng khởi nghĩa”, song sự nổi dậy của các tầng lớp nhân dân, các giới đồng bào ở Sài Gòn - Gia Ðịnh với nhiều hình thức phong phú trong trận Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968 là một sự thật lịch sử. Không có nhân dân thì không thể nắm tình hình, bộ đội không thể vượt qua các tuyến ngăn chặn dày đặc của địch để vào thành phố, không thể ém quân bí mật trong lòng thành phố, ngay gần cơ quan đầu não địch, không thể có khối lượng lớn về vũ khí để chiến đấu.

Bài học lịch sử

Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã khẳng định được phát triển cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam, đặc biệt là nghệ thuật nắm bắt thời cơ chiến lược để chủ động tiến công địch, làm chuyển biến cục diện chiến tranh, nghệ thuật tiến công bằng các phương thức tác chiến mới giành thế bất ngờ… Đó là kết hợp chặt chẽ giữa quân sự, chính trị và ngoại giao, phát huy sức mạnh của thời đại, tranh thủ sự ủng hộ nhân dân tiến bộ trên thế giới đối với sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta.

Lính Mỹ rút khỏi miền Nam Việt Nam. Ảnh: T.L

Vừa qua, tại cuộc hội thảo kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, nhiều tướng lĩnh đã có những bài tham luận rất sâu sắc và nhấn mạnh rằng: Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã làm đảo lộn về thế bố trí chiến lược trên chiến trường, làm phá sản Chiến tranh cục bộ, làm lung lay ý chí xâm lược, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, mở ra điều kiện và thời cơ cho những đòn tiến công tiếp theo mà đỉnh cao là Đại thắng mùa xuân năm 1975, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Thông qua hội thảo này cùng với độ lùi của thời gian, với tầm nhìn mới, tư liệu mới, chúng ta tập trung luận giải sâu sắc hơn nữa về sự kiện lịch sử quan trọng này, đúc kết những bài học lịch sử quý báu để tiếp tục nghiên cứu, vận dụng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau.

Tại hội thảo, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã khẳng định được phát triển cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam, đặc biệt là nghệ thuật nắm bắt thời cơ chiến lược để chủ động tiến công địch, làm chuyển biến cục diện chiến tranh, nghệ thuật tiến công bằng các phương thức tác chiến mới dành thế bất ngờ… Đó là kết hợp chặt chẽ giữa quân sự, chính trị và ngoại giao, phát huy sức mạnh của thời đại, tranh thủ sự ủng hộ nhân dân tiến bộ trên thế giới đối với sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta.

Trong bài tham luận gửi tới hội thảo, Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước cho biết, đòn tiến công Xuân Mậu Thân 1968 đã gây chấn động nước Mỹ, khắp nơi biểu tình chống chiến tranh. Mỹ quyết định chấm dứt leo thang chiến tranh, tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc và chấp thuận ngồi vào bàn đàm phán song phương với Việt Nam tại Paris. Lực lượng biệt động là một sáng tạo về hình thức tổ chức lực lượng vũ trang của Đảng - gọn nhẹ, bí mật, linh hoạt, nằm trong dân, hòa với dân, thường xuyên hoạt động trong lòng địch... Với tinh thần dũng cảm vô song, lối đánh táo bạo và thông minh, sự hy sinh to lớn của lực lượng biệt động đã góp phần xứng đáng tạo nên hiệu quả chiến lược lớn của cuộc tổng tiến công.

Nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng ý nghĩa và bài học của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 vẫn còn vẹn nguyên giá trị: Đó là khát vọng về độc lập, tự do và hòa bình cho Tổ quốc, là niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, là tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo trong hoạch định đường lối và chỉ đạo chiến lược, là sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là sự kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, là tinh thần đoàn kết quốc tế cao cả. Lòng yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là mẫu số chung của mọi người Việt Nam, là sức mạnh của dân tộc Việt Nam, cần được phát huy trong mọi giai đoạn phát triển của đất nước. (còn tiếp)

Sau cuộc tổng tấn công của ta trong dịp Tết Mậu Thân, giới cầm quyền Mỹ đã mất tin tưởng ở chiến lược quân sự của chúng. Mâu thuẫn trong nội bộ giới cầm quyền Mỹ, giữa Mỹ và ngụy, trong nội bộ bọn tay sai Mỹ ở miền Nam trở nên rất gay gắt, hàng ngũ của chúng phân hóa sâu sắc và rối loạn hơn bao giờ hết. Phong trào nhân dân Mỹ phản đối chiến tranh xâm lược Việt Nam càng lên cao. Ngày 31-3-1968, Giôn-xơn đã phải thú nhận thất bại, thực hiện ném bom hạn chế miền Bắc và rút lui việc ra ứng cử tổng thống, đồng thời chúng phải cách chức tướng Oétmolen. Đó là những thắng lợi về mặt chiến lược, chính trị vô cùng to lớn của quân và dân ta trong Mậu Thân 1968.

 

NHÓM P.V (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên