Đại thắng mùa xuân 1975: Bình Dương - chiến trường lớn, hậu phương lớn - Bài 2

Cập nhật: 24-04-2018 | 07:53:38

Bài 2: “Đi dân nhớ, ở dân thương”

 

 Trong suốt cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, tiến hành cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện, lâu dài, nhân dân Sông Bé - Bình Dương phải chịu đựng biết bao hy sinh, gian khổ, vừa là chiến trường trực tiếp, vừa là hậu phương, cùng với cả nước đi đến ngày toàn thắng 30-4-1975 lịch sử.

 Bà Đỗ Thị Tấn (56 năm tuổi Đảng), xã Lai Uyên, huyện Bàu Bàng kể chuyện về những tháng ngày tham gia nuôi giấu cán bộ, chiến sĩ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Ảnh: T.THẢO

 Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của chúng ta sẽ không giành được thắng lợi nếu không có sự đóng góp rất lớn của những cơ sở quần chúng trong lòng địch. Ở đó có những gia đình dũng cảm nuôi giấu cán bộ; có những người phụ nữ kiên trung, tảo tần, hàng ngày làm giao liên trinh sát, quân báo, xây dựng cơ sở chính trị trong vùng địch, gom góp tiền của, lương thực nuôi bộ đội.

Quay ngược về dòng lịch sử của những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt, hào hùng, mảnh đất Sông Bé - Bình Dương là một trong những khu vực trọng điểm của miền Đông Nam bộ, là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng cả về chính trị, quân sự và kinh tế. Sông Bé - Bình Dương chính là căn cứ bàn đạp tiến công Sài Gòn từ phía Bắc, nối liền với Nam Tây nguyên và là chiếc cầu nối với đồng bằng sông Cửu Long. Đây lại là vùng rừng núi mênh mông, bát ngát với các căn cứ Chiến khu Đ, Chiến khu Long Nguyên, Chiến khu Thuận An Hòa; thuận lợi cho chiến tranh du kích phát triển và tác chiến tập trung của các binh đoàn chủ lực cơ động tác chiến.

Ông Dương Văn Liễu, nguyên chính trị viên Tiểu đoàn Phú Lợi, cho biết do có vị trí chiến lược quan trọng về mặt quân sự nên chiến trường Sông Bé là một trong những nơi đối đầu quyết liệt giữa quân dân trong tỉnh với kẻ thù Mỹ - ngụy. Chiến tranh càng ác liệt, cán bộ, chiến sĩ càng được rèn luyện, thử thách và dày dạn kinh nghiệm. Và hậu phương nơi đây cũng luôn vững chắc để che chở cho những người cán bộ, chiến sĩ kiên cường chiến đấu chống lại kẻ thù. Vừa là chiến trường, Sông Bé - Bình Dương vừa làm tròn vai trò hậu phương, nhân dân địa phương đã trở thành chỗ dựa vững chắc cả về tinh thần, vật chất trong suốt cuộc kháng chiến. Theo ông Dương Văn Liễu, nếu không có cuộc chiến tranh nhân dân phát triển đến đỉnh cao với tính chất toàn dân, toàn diện, dựa vào sức dân thì làm sao các lực lượng bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương có thể tồn tại, hoạt động trong những năm tháng đầy khó khăn, thử thách, thiếu đói và chiến tranh ác liệt.

Còn ông Bùi Ngọc Thanh, nguyên chính trị viên phó của Tiểu đoàn Phú Lợi cũng bồi hồi nhớ lại: “Tôi còn nhớ mãi, có những lần tôi bị thương, được đồng đội khiêng về căn cứ. Tôi nằm lắc lư trên chiếc võng, bà con chạy theo người thì cho hộp sữa, gói đường… khiến tôi rất cảm động và xem đó là động lực để chiến đấu hết mình”. Với ông Bùi Ngọc Thanh, khi nhắc đến lịch sử oai hùng của Tiểu đoàn Phú Lợi không thể không nhắc đến nghĩa tình thương yêu đùm bọc của người dân. Người chiến sĩ Tiểu đoàn Phú Lợi hoạt động, công tác và chiến đấu bao giờ cũng ở bên cạnh nhân dân và trong lòng nhân dân, dựa chắc vào nhân dân. Nhân dân Sông Bé - Bình Dương ngày ấy chăm lo cho cán bộ, chiến sĩ của tiểu đoàn từ cái ăn, cái mặc, từng viên thuốc, cuộn băng bông. Mỗi khi chiến sĩ bị ốm, bị thương, người dân lại lo làm từng chiếc hầm bí mật và nuôi dưỡng, che giấu khi về địa phương hoạt động. Thương quý nhất có lẽ là hình ảnh những bà mẹ, những người chị đêm đêm xé rào “ấp chiến lược”, không ngại hiểm nguy đem đến cho bộ đội từng thúng gạo, cân đường. Những khi tiểu đoàn bị địch bao vây với bom tạ, pháo bầy thì nhiều cụ ông, bà mẹ, người chị, người em luôn đứng ngồi không yên...

Hay với bà Nguyễn Thị Một, người vinh dự treo lá cờ Tổ quốc trên cột cờ “Nhà việc Phú Cường” vào ngày 30-4-1975 lịch sử cũng vậy. Bà Nguyễn Thị Một xuất thân trong một gia đình lao động nghèo. Bản thân là công nhân làng sơn mài Tương Bình Hiệp. Do sớm được tiếp xúc với cách mạng và được Đảng giác ngộ, bà sớm tham gia phong trào chống Mỹ - ngụy cứu nước với vai trò là một cán bộ nằm vùng tại địa phương ngay trong lòng địch. Năm 1973, khi chưa đầy 17 tuổi, nhà bà Nguyễn Thị Một đã là cơ sở mật của cách mạng. Nhiệm vụ bà được phân công là chuyển thư từ, tài liệu từ chiến khu vào nội thành và ngược lại; móc nối đưa thanh niên yêu nước vào chiến khu tham gia kháng chiến; theo dõi nắm tình hình hoạt động của địch để báo cáo. Hai lần bị địch bắt, tra tấn dã man nhưng cuối cùng chúng phải trả tự do vì không khai thác được gì từ bà. “Với những người làm nhiệm vụ như tôi sẽ không bao giờ hoàn thành nhiệm vụ nếu không có sự chở che, đùm bọc của nhân dân”, bà Nguyễn Thị Một nói.

Còn với bà Lê Thanh Thuận ở thị trấn Mỹ Phước (TX.Bến Cát), sau cuộc chiến, trở về đời thường với đôi chân không lành lặn. Một phần đôi chân của bà đã ở lại với ấp chiến lược năm xưa. Bà Thuận kể, năm 1959, bà tham gia làm giao liên. Một năm sau đó, bà chính thức thoát ly gia đình tham gia cách mạng. Trong suốt 10 năm (1960-1970), bà đã bám trụ vùng ven, sống với dân để hoạt động. Bữa cơm bà ăn hàng ngày chính là nhờ dân nuôi. Không khiếp sợ trước quân thù, với phương châm “2 chân, 3 mũi”, hàng ngày bà tham gia phá ấp chiến lược, đưa dân về xóm cũ, phá rào, gỡ trái, diệt ác ôn... Trong một lần gỡ trái phá ấp chiến lược, bà đã bị trúng mìn ríp, một chân bị cụt. Vì vậy, năm 1970 bà phải trở về dưỡng thương, làm công tác văn phòng cho đến ngày về hưu.

Nói đến cụm từ hậu phương vững chắc, ông Nguyễn Văn Hữu, nguyên Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Thủ Dầu Một, cho biết thêm, xuyên suốt 2 cuộc kháng chiến, ở chiến trường Sông Bé- Bình Dương, nhân dân luôn là chủ thể trong tất cả các mặt của chiến tranh. “Chúng ta sẽ không thể đánh thắng những kẻ thù xâm lược lớn mạnh hơn ta nhiều lần nếu không có sự tham gia của nhân dân. Có biết bao bà mẹ đã hiến dâng những đứa con thân yêu, có khi là duy nhất của mình cho cách mạng. Đặc biệt, chúng ta xây dựng được lực lượng chính trị ở cả vùng địch tạm chiếm. Chính nhờ lực lượng này mà mọi động tĩnh của địch ở ngay sào huyệt của chúng đều có cơ sở thông báo cho ta. Nhiều cán bộ của ta được nuôi giấu để nằm vùng, hoạt động lâu dài ngay trong lòng địch. Tầng tầng, lớp lớp các tổ, đội, hội viên mật của ta dày công xây dựng trong nhiều thời kỳ đã đồng loạt phối hợp với lực lượng vũ trang bên ngoài nổi dậy giải phóng làng xóm và các thị xã, thị trấn quê hương trong sáng ngày 30-4- 1975, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước”, ông Hữu nhớ lại.

Cũng vì vừa là chiến trường, vừa là hậu phương trong cuộc chiến mà đến nay, nhiều người dân Định Hòa (TP.Thủ Dầu Một) còn truyền tụng nhau câu ca: “Anh em du kích Định Hòa/ Yên tâm giết giặc, việc nhà em lo”. Người dân địa phương, đặc biệt là những người mẹ, người chị, người em đã chắt chiu từng hạt gạo, củ khoai, viên thuốc để nuôi bộ đội. Thắng lợi của lực lượng du kích Định Hòa không thể tách rời nhân dân - một pháo đài kiên cố, bền vững bảo vệ lực lượng, bảo vệ cách mạng.

Chiến tranh đã lùi xa và những người trực tiếp tham gia trong cuộc chiến còn lại mái tóc cũng đã bạc theo dòng thời gian. Tại những cánh rừng bạt ngàn, những vùng đất bị bom cày đạn xới trong chiến tranh năm xưa giờ đã hình thành nên các khu công nghiệp hiện đại, những công trình lấp lánh đầy màu sắc. Với những người tham gia cuộc chiến, niềm hạnh phúc lớn lao nhất của họ hôm nay chính là được nhìn thấy quê hương, đất nước hồi sinh, từng ngày thay da đổi thịt, vững bước trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. (còn tiếp)

 Sự đóng góp, che chở của người dân địa phương đã hình thành nên căn cứ cách mạng ngay trên chiến trường. Lòng dân chính là chỗ dựa vững chắc của cách mạng. Nhân dân trung thành với cách mạng. Ở bất cứ đâu, cả trong vùng địch tạm chiếm, đều có tổ chức, hình thành những căn cứ vững chắc, an toàn cho mọi lực lượng của ta. Căn cứ lòng dân không có ranh giới không gian, cũng không có hầm hào công sự chiến đấu, không dựa vào rừng sâu, núi hiểm mà dựa vào lòng người. Do vậy mà nó vững chắc, an toàn và thuận lợi khi xuất phát tiến công địch vì nó nằm ngay trong lòng địch. Trong căn cứ lòng dân, các tổ, nhóm du kích mật ngày nghỉ ngơi, đêm xuất kích đánh địch ngay trong lòng địch. Đảng viên các chi bộ mật trú ẩn bám dân, tuyên truyền vận động cách mạng trong sự nuôi nấng, bảo vệ, che chở của nhân dân. Đặc trưng nổi bật của căn cứ lòng dân là hệ thống hầm bí mật do tự tay nhân dân đào đắp, hình thành ngay chính trong vườn, trong nhà, thậm chí trong buồng ngủ, dưới bàn thờ, chái bếp của nhà dân...”.

(Ông Nguyễn Văn Hữu, nguyên Tỉnh đội trưởng Thủ Dầu Một)

 THU THẢO

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên