Niềm vui mới của vùng đất anh hùng

Cập nhật: 10-01-2015 | 08:27:30

Hôm qua (9-1), xã Bạch Đằng, TX.Tân Uyên long trọng tổ chức lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng ba do Chủ tịch nước trao tặng vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2009-2013, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Đây là niềm vinh dự, tự hào lớn lao của toàn thể Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Bạch Đằng; là động lực để xã nhà tiếp tục ra sức phấn đấu, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp…

Vùng đất anh hùng

Về thăm vùng đất cù lao Bạch Đằng trong những ngày đầu năm mới 2015, chúng tôi không khỏi bồi hồi xúc động khi được tìm hiểu về truyền thống anh hùng của mảnh đất này. Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, mảnh đất cù lao dù không phải là vùng chiến trường với nhiều đạn bom khói lửa, nhưng tinh thần chiến đấu, bảo vệ quê hương của những người con Bạch Đằng không kém phần anh dũng. Nhiều người con quê hương đã không tiếc máu xương, hy sinh tuổi thanh xuân và cả tính mạng để giành lại độc lập, tự do cho quê hương, dân tộc.

Thừa ủy nhiệm của Chủ tịch nước, ông Huỳnh Văn Nhị (thứ 2, từ trái sang),

Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh trao tặng Huân chương

Lao động hạng ba cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân

xã Bạch Đằng, TX.Tân Uyên

 

Là một cù lao cách trở sông nước, Bạch Đằng là vị trí tiền tiêu án ngữ cửa ngõ chiến khu Đ bằng đường thủy, lại nằm gần sân bay Biên Hòa - một căn cứ quân sự không quân hiện đại của kẻ thù. Do đó, trong 2 cuộc chiến tranh xâm lược, kẻ thù luôn dùng mọi thủ đoạn thâm độc để làm chủ vùng đất này. Với tình yêu quê hương, đất nước nên dù phải chịu nhiều hy sinh, mất mát nhưng quân và dân cù lao vẫn kiên cường đấu tranh, bám đất, giữ làng. Dù phải chịu nhiều kìm kẹp của quân thù, phong trào cách mạng có lúc tạm thời lắng xuống nhưng ngọn lửa cách mạng, tinh thần yêu nước của người dân luôn cháy bỏng. Qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, với một địa bàn có số dân chưa tới 3.000 người nhưng đã có hơn 300 người thoát ly đi theo cách mạng, trên 150 gia đình có công cách mạng, trên 200 liệt sĩ và 11 mẹ được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Đây là minh chứng thực tiễn thể hiện sự đóng góp lớn lao, cao cả của người dân Bạch Đằng trong sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc.

Để ghi nhận những đóng góp của quân và dân xã Bạch Đằng trong 2 cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, năm 2005, xã Bạch Đằng đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Đây chính là động lực để Đảng bộ, chính quyền, toàn thể cán bộ và nhân dân xã Bạch Đằng tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết, ra sức xây dựng quê hương ngày một phát triển hơn.

Đổi thay

Hòa chung với niềm vui của quê hương, khi nghe tin xã tổ chức lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng ba, nhiều người con của xã Bạch Đằng đang sinh sống, công tác trên địa bàn tỉnh, tỉnh Đồng Nai cũng về dự đầy đủ. Ông Vy Văn Vũ là một người con quê hương Bạch Đằng, hiện là Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Nai cũng về rất sớm. Bày tỏ niềm vui của mình, ông Vy Văn Vũ cho biết, ông luôn dõi theo sự phát triển của quê hương mình và thấy rất vui khi xã tổ chức lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng ba để ông và nhiều người con xa quê khác có dịp tề tựu về đây hôm nay. Ông cũng mong muốn Đảng bộ, chính quyền và toàn thể cán bộ, nhân dân Bạch Đằng phát huy hơn nữa những kết quả đạt được để tiếp tục xây dựng, đưa quê hương ngày một phát triển.

Bộ mặt nông thôn xã Bạch Đằng đã có nhiều đổi thay

Trở lại những năm trước 2010, xã Bạch Đằng được bao bọc xung quanh bởi sông nước. 10 năm xây dựng mô hình nông thôn mới (2000-2010), cù lao Bạch Đằng vẫn còn nghèo, đời sống nhân dân chưa được cải thiện vì ngăn sông cách trở. Việc đi lại chủ yếu bằng ghe, thuyền, phà đã hạn chế rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của xã Bạch Đằng. Đến cuối năm 2010, xã chỉ mới hoàn thành 9/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Từ sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, các ngành, tập thể cán bộ và nhân dân xã Bạch Đằng đã cùng nhau nỗ lực vượt khó để tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Với truyền thống đoàn kết, tinh thần tự lực, tự cường và dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, sự điều hành quản lý của chính quyền, cán bộ và nhân dân trong xã đã khắc phục mọi khó khăn, tham gia tích cực các nội dung đề án xây dựng nông thôn mới đề ra, góp phần hoàn chỉnh tốt các mục tiêu kinh tế - xã hội của địa phương, xây dựng xã Bạch Đằng từng bước trở thành một vùng nông thôn mới, năng động.

Một điểm ghi nhận trong xây dựng nông thôn mới ở xã Bạch Đằng là kết cấu hạ tầng cơ sở kinh tế - xã hội như điện, đường, trường, trạm và các công trình phúc lợi xã hội khác đã từng bước được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh. Đến nay, 100% hộ sử dụng điện, điện thoại; đường giao thông phủ kín trên toàn địa bàn; tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch đạt 100%...

Ông Phạm Văn Hoàng, Chủ tịch UBND xã Bạch Đằng cho biết, để đạt được những kết quả đáng ghi nhận trên là do Đảng bộ, chính quyền xã đã biết phát huy sức dân và kêu gọi sự tham gia của đông đảo nhân dân trong xã trong tiến trình xây dựng nông thôn mới. Phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới đã đi vào cuộc sống, có sức lan tỏa rộng, được nhân dân xã Bạch Đằng nhiệt tình hưởng ứng với nhiều nội dung, hình thức phong phú, mang lại không khí phấn khởi, tinh thần lao động hăng say trong mọi tầng lớp nhân dân. Nhân dân cùng tham gia xây dựng nông thôn mới, như hiến đất, cây trồng làm đường giao thông nông thôn, chỉnh trang cửa ngõ, hàng rào, đường đi, xây dựng đèn đường, thùng rác tập trung… Kết quả, đến hết năm 2013, Bạch Đằng được đánh giá hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

* Ông Huỳnh Văn Nhị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh: Với tư cách là một người con quê hương xã Bạch Đằng, tôi thật sự vui mừng trước những thành tựu mà xã Bạch Đằng đã đạt được. Xã Bạch Đằng đã được công nhận là xã nông thôn mới, điển hình của tỉnh. Trong thời gian tới, để góp phần cùng xây dựng đô thị Tân Uyên phát triển, bên cạnh hoàn thiện 19 tiêu chí nông thôn mới, xã Bạch Đằng cần ra sức, tập trung mọi nguồn lực xây dựng đô thị mới hiện đại, sớm phát triển lên phường. Để làm được điều đó, từng tổ, ấp dưới sự hỗ trợ của MTTQ, các đoàn thể, sự lãnh đạo của Đảng và chính quyền cần phát huy hơn nữa sức mạnh đại đoàn kết, huy động sức dân cùng chung tay xây dựng nông thôn ngày càng phát triển văn minh, hiện đại hơn.

* Ông Tống Văn Ba, 83 tuổi, người dân ấp Điều Hòa, xã Bạch Đằng: Tôi sinh ra và lớn lên ở đây nên chứng kiến được sự thay đổi của vùng đất Bạch Đằng. Bây giờ, Bạch Đằng đã phát triển rất nhiều so với những năm đầu giải phóng. Hệ thống đường giao thông nông thôn đã được xây dựng, mở rộng khắp mọi thôn ấp, đặc biệt là cầu Bạch Đằng được xây dựng rất rộng lớn nên bà con đi lại rất thuận tiện. Sản phẩm nông nghiệp của Bạch Đằng cũng nhờ đó cũng được đưa đi các nơi, nên đời sống của bà con ngày một phát triển. Tôi chỉ mong, Đảng bộ, chính quyền làm sao phát huy được sức mạnh của toàn dân để giữ vững những danh hiệu đã đạt được và đưa đời sống của người dân ngày càng đi lên.

 

H.THUẬN – T.LÝ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên