Cách mạng Tháng Tám 1945: Mốc son chói lọi trong dòng chảy lịch sử

Cập nhật: 19-08-2019 | 08:05:09

Cách đây 74 năm, chỉ trong khoảng 2 tuần cuối tháng 8-1945, toàn thể dân tộc Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Mặt trận Việt Minh và lãnh tụ Hồ Chí Minh, đã nhất tề vùng lên tiến hành Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền để tự mình quyết định vận mệnh của dân tộc. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám (CMTT) năm 1945 đã mở ra bước ngoặt lớn của cách mạng, đưa dân tộc Việt Nam bước sang kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

 Ngày 19-8-1945, đồng bào rầm rập kéo đến quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội dự mít tinh, giành chính quyền. Ảnh: T.L

 Thời cơ “ngàn năm có một”

Đầu tháng 8-1945, chiến tranh thế giới thứ hai đi đến những ngày cuối cùng. Sau khi tiêu diệt hoàn toàn phát xít Đức và chấm dứt chiến sự ở châu Âu, các nước trong phe Đồng minh (đứng đầu là Mỹ và Liên Xô) dồn sức tiêu diệt phát xít Nhật ở châu Á, buộc Chính phủ Nhật hoàng phải tuyên bố đầu hàng không điều kiện (13-8-1945). Tin tức đầu hàng nhanh chóng lan đi khắp mặt trận. Quân đội Nhật chiếm đóng ở Đông Dương bị tê liệt, mất tinh thần chiến đấu, chính phủ bù nhìn hoang mang cực độ. Trước sự chuyển biến mau lẹ của tình hình, từ ngày 13 đến 15-8-1945, Đảng Cộng sản Đông Dương triệu tập Hội nghị toàn quốc tại Tân Trào (Tuyên Quang), nhận định thời cơ đã đến, quyết định phát động tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước trước khi quân Đồng minh vào. Hội nghị quyết định thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc để kịp thời chỉ đạo thống nhất phong trào khởi nghĩa các địa phương. Tiếp ngay sau đó, Đại hội quốc dân cũng họp ở Tân Trào (ngày 16-8-1945), bao gồm đại biểu của ba xứ (Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ) đại diện cho các giới, các đoàn thể, các dân tộc, tiêu biểu cho ý chí và nguyện vọng của toàn dân. Đại hội nhất trí tán thành quyết định tổng khởi nghĩa, bầu Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam (Chính phủ lâm thời) do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu, thông qua một số chính sách quan trọng của Mặt trận Việt Minh. Chiều 16-8-1945, thực hiện mệnh lệnh của Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc, một đội quân cách mạng do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy, xuất phát từ Tân Trào tiến về giải phóng thị xã Thái Nguyên, mở đầu cho cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên phạm vi cả nước.

Từ ngày 14 đến 18-8, nhiều địa phương tuy chưa nhận được lệnh tổng khởi nghĩa, nhưng do nắm vững tinh thần các nghị quyết, chỉ thị trước đó của Đảng Cộng sản Đông Dương, căn cứ vào tình hình thực tiễn đã kịp thời, chủ động, sáng tạo, linh hoạt nổi dậy khởi nghĩa. Tại Hà Nội, vào trung tuần tháng 8-1945, phong trào cách mạng ngày càng dâng cao, thu hút đông đảo quần chúng tham gia. Ngày 19-8, theo lời kêu gọi nổi dậy khởi nghĩa của Mặt trận Việt Minh, đồng bào rầm rập kéo đến quảng trường Nhà hát lớn dự mít tinh trong tiếng hát “Tiến quân ca” và cờ đỏ sao vàng, sau đó chia ra thành nhiều đoàn biểu tình đi chiếm các cơ quan chính quyền địch (phủ khâm sai, tòa thị chính, trại lính bảo an, sở cảnh sát...). Trước khí thế trào dâng như “bão táp” của quần chúng, quân đội Nhật và chính quyền bù nhìn không dám chống lại.

Cuộc khởi nghĩa thắng lợi hoàn toàn ở Hà Nội có tác dụng cổ vũ to lớn phong trào cả nước. Ngày 23-8, dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Trung kỳ và Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế, nhân dân ta nổi dậy làm chủ thành phố Huế - kinh đô hàng trăm năm của chế độ phong kiến triều Nguyễn và là thủ phủ của chính quyền bù nhìn trung ương. Vua Bảo Đại buộc phải thoái vị. Ngày 25-8, Xứ ủy Nam kỳ đã lãnh đạo nhân dân Sài Gòn giành quyền làm chủ, đánh đổ thành lũy cuối cùng của chế độ thực dân. Thắng lợi của các cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn có ý nghĩa quyết định đối với thắng lợi của CMTT trong phạm vi cả nước. Trong vòng nửa tháng (từ 14 đến 28-8-1945), cuộc tổng khởi nghĩa thành công hoàn toàn. Lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc Việt Nam, chính quyền cả nước thuộc về tay nhân dân.

Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, trước hàng chục vạn đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ cách mạng lâm thời đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, đồng thời trịnh trọng tuyên bố với thế giới: Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do độc lập và sự thật đã trở thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do độc lập ấy.

Ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm

74 năm đã trôi qua, chúng ta càng nhận thức sâu sắc hơn về tầm vóc, ý nghĩa lịch sử trọng đại của CMTT 1945. CMTT đã đập tan hai tầng xiềng xích nô lệ của chủ nghĩa thực dân; lật nhào chế độ phong kiến tồn tại cả ngàn năm, đưa Việt Nam từ vị trí là một nước thuộc địa trở thành một nước độc lập, đưa nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ thành người dân độc lập, tự do, làm chủ nước nhà. CMTT đã mở ra một kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng giai cấp công nhân và nhân dân lao động, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đây thực sự là bước nhảy vọt trong lịch sử của dân tộc Việt Nam. CMTT đã cổ vũ mạnh mẽ phong trào cách mạng thế giới, nhất là phong trào đấu tranh giành độc lập của nhân dân các nước thuộc địa và nửa thuộc địa. Thắng lợi của CMTT năm 1945 là kết quả hợp thành từ rất nhiều nhân tố: Đó là sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh; là sức mạnh từ truyền thống yêu nước nồng nàn của dân tộc Việt Nam được hun đúc từ ngàn đời.

CMTT năm 1945 để lại cho cách mạng Việt Nam nhiều bài học kinh nghiệm quý báu: Đó là bài học về khơi dậy và phát huy sức mạnh chủ nghĩa yêu nước, trên cơ sở đó xây dựng mặt trận dân tộc thống nhất đoàn kết rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân để thực hiện yêu cầu cấp bách của cách mạng là giải phóng dân tộc giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Bài học về củng cố căn cứ địa, xây dựng lực lượng cách mạng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng qua từng thời kỳ, tích cực chuẩn bị mọi mặt sẵn sàng cho tổng khởi nghĩa. Bài học về nắm chắc mọi diễn biến tình hình, nhạy bén phát hiện thời cơ, kịp thời chớp thời cơ. Bài học về phát huy cao độ tính sáng tạo, tính chủ động, tự lực, tự cường của quần chúng và cán bộ, đảng viên.

Thời gian đã lùi xa nhưng tầm vóc, ý nghĩa thắng lợi, bài học kinh nghiệm của CMTT vẫn còn nguyên giá trị và ngày càng tỏa sáng. Đó là một trong những trang chói lọi nhất trong lịch sử của dân tộc ta, dấu mốc lớn trên con đường phát triển trong suốt chiều dài mấy ngàn năm dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt Nam.  

Ngày 25-8-1945 đã trở thành sự kiện lịch sử trọng đại của tỉnh Thủ Dầu Một - Bình Dương khi hơn 5 vạn quần chúng nhân dân rầm rập kéo về Nhà việc Phú Cường dự mít tinh, giành chính quyền; xóa bỏ chính quyền do phát xít Nhật dựng lên, lập ra chính quyền của giai cấp công - nông.

Chợ Bưng Cầu, làng Tương Bình Hiệp (nay thuộc phường Hiệp An, TP.Thủ Dầu Một) chính là nơi mà đêm 23-8-1945, Tỉnh ủy tổ chức hội nghị mở rộng, do đồng chí Văn Công Khai chủ trì. Hội nghị quán triệt Nghị quyết Xứ ủy về Tổng khởi nghĩa ở Nam kỳ, quyết định khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh lỵ vào ngày 25- 8-1945. Hội nghị kêu gọi cán bộ, đảng viên, các đoàn thể cứu quốc, đơn vị tự vệ, đồng bào đoàn kết, nhất trí giành chính quyền nhanh gọn, thắng lợi hoàn toàn trong ngày 25-8-1945. Ủy ban khởi nghĩa do đồng chí Văn Công Khai, Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban.

Sau hội nghị, lệnh khởi nghĩa được ban hành khắp các địa phương trong tỉnh. Lực lượng tiền khởi nghĩa tại chỗ của Phú Cường và các làng phụ cận đã gấp rút xúc tiến công tác phục vụ cho ngày hội lớn của tỉnh vào sáng 25-8-1945. Đến chiều ngày 24-8, một tổ tự vệ đến cắm cờ trên dinh Chánh Tham biện, Ủy ban khởi nghĩa tỉnh và đồng chí Văn Công Khai đến Nhà việc Phú Cường để chỉ huy khởi nghĩa. Đêm 24 rạng sáng 25, lực lượng tự vệ của công nhân cao su và các huyện trong tỉnh đi về tỉnh lỵ, chia thành nhiều bộ phận đóng ở các nơi để hỗ trợ cho cuộc khởi nghĩa. Cùng với các đội tự vệ khởi nghĩa giành chính quyền, các đoàn thể quần chúng gấp rút sắp xếp tổ chức, đội hình, phân công bảo vệ thôn xóm, đường phố. Nhân dân thức thâu đêm may cờ đỏ sao vàng, dán khẩu hiệu chuẩn bị cho giờ hành động đã định vào ngày hôm sau. Trước sức mạnh của nhân dân và lực lượng cách mạng, lính Nhật đóng trong các đồn bót cũng như tay sai đều án binh bất động. Trên thực tế, từ ngày 23-8-1945, tay sai của Nhật đã bị tan rã, vô hiệu hóa. Nhân dân tỉnh Thủ Dầu Một dưới sự lãnh đạo của Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh đã giành chính quyền mà không phải đổ máu.

C.T (tổng hợp)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên