Đề xuất áp dụng hình phạt 'thiến hóa học' với tội danh xâm hại trẻ em

Cập nhật: 27-05-2020 | 12:17:20

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, sáng 27/5, thảo luận trực tuyến về Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, một số đại biểu Quốc hội đề xuất bổ sung hình phạt các tội danh liên quan đến xâm hại trẻ em.

Các ý kiến thống nhất bổ sung các hình thức quản lý trẻ em, bổ sung các hình phạt, trong đó đề xuất áp dụng hình thức xử phạt "thiến hóa học" với tội danh xâm hại trẻ em.

Tăng cường hiệu lực pháp luật

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho biết tiếp xúc cử tri, khi nhắc đến vấn đề xâm hại trẻ em, người dân rất bức xúc, mong muốn các cơ quan chức năng sớm phát hiện, truy tố và xử lý triệt để, nghiêm khắc với đối tượng xâm hại trẻ em.

"Từ thực tế, các đối tượng xâm hại trẻ em phần lớn là người thân quen, thậm chí là bố, mẹ ruột với những thủ đoạn dã man, lợi dụng sự ngây thơ, non nớt của trẻ em để phạm tội. Thậm chí, có nhiều tội lặp đi lặp lại nhiều lần như ông nội, cha ruột xâm hại bé gái, dọa sẽ giết cháu nếu dám nói sự thật; nhiều cháu gái ở chung cư bị một đối tượng 70 tuổi xâm hại; cháu bé 4 tháng tuổi bị cha mẹ đẻ bạo hành gãy hai chân, xuất huyết não; thầy cô giáo, bảo mẫu xâm hại trẻ em với hành vi dã man… Những vụ án thể hiện tính chất ngày càng phức tạp trong vụ việc xâm hại trẻ em," đại biểu Nguyễn Ngọc Phương nêu rõ.

Nhấn mạnh sự cần thiết giám sát vấn đề này, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương nêu rõ tinh thần trách nhiệm, sự quan tâm đối với trẻ em - thế hệ tương lai của đất nước, của xã hội; làm rõ thực trạng vi phạm, xử lý, xem xét điều chỉnh văn bản pháp luật để xử lý nghiêm đối tượng vi phạm. Bên cạnh đó, đại biểu kiến nghị đưa ra chủ trương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.

Qua công tác giám sát, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương nhấn mạnh nhiều quy định về tội ấu dâm chưa rõ ràng; chưa có phòng xử án thân thiện; chưa có cơ chế điều tra phù hợp với đối tượng trẻ em; chưa có sự đồng thuận của chính gia đình nạn nhân; thậm chí nhiều gia đình thỏa thuận, không công khai, tố cáo; có những gia đình không quan tâm đến con…

Đặc biệt, đại biểu Phương nhấn mạnh: "Nhiều thủ đoạn lừa đảo, xâm hại, bắt nạt trẻ em qua mạng ngày càng có nguy cơ 'leo thang' dẫn đến hậu quả nghiêm trọng cho trẻ như tự tử, tự làm hại bản thân..."

Qua đó, sự giám sát của Quốc hội nhằm mục đích đòi hỏi tất cả các cấp, các ngành, mọi người, mỗi gia đình và từng người trong xã hội vào cuộc quyết liệt để tạo hành lang vững chắc về pháp lý, nhận thức và hành động; tạo cơ chế chặt chẽ mang tính phòng ngừa, răn đe; đồng thời tiếp nhận cởi mở để trẻ dễ tiếp cận, truyền đạt vấn đề của mình, kêu cứu trong một số trường hợp khẩn cấp.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đề xuất: "Chính phủ và các cơ quan liên quan làm tốt công tác tuyên truyền và tăng cường hiệu lực của pháp luật trong thực tế; nghiên cứu, trình Quốc hội hoàn thiện hệ thống pháp luật; tăng và bổ sung hình phạt các tội danh liên quan đến xâm hại trẻ em; mở rộng hình thức phạt như "thiến hóa học"; nâng phức xử phạt hành chính, lao động công ích; công khai danh tính kẻ xâm hại; ghi tội danh vào hồ sơ lý lịch để răn đe các đối tượng xâm hại... nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ em."

Giải thích hình thức xử phạt "thiến hóa học," đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cho biết đây là hình thức đã được thực hiện tại một số nước trên thế giới. Đại biểu tin tưởng nếu pháp luật Việt Nam áp dụng, đưa hình thức xử phạt này vào thực tế sẽ góp phần giảm tình trạng xâm hại tình dục trẻ em.

Đồng thời, đại biểu tỉnh Quảng Bình đề xuất các bộ, ngành liên quan sớm nghiên cứu cơ chế phối hợp lấy lời khai của trẻ em bị xâm hại, cần có sự có mặt của bác sĩ tâm lý, người giám hộ; ghi hình để làm bằng chứng trước khi tòa xét xử; quan tâm đến vấn đề tổn thương tâm lý ở trẻ em, gây ảnh hưởng đến kết quả điều tra; xây dựng phòng xử án thân thiện; đảm bảo tính bí mật hình ảnh và danh tính trẻ em trên báo chí; tập huấn cho đội ngũ điều tra, xét xử về nghiệp vụ, kỹ năng làm việc với trẻ, thống nhất quan điểm, không đưa ra lý do biện hộ cho hành vi vi phạm xâm hại trẻ em do nạn nhân ăn mặc hở hang, uống rượu say… để giảm mức độ phạm tội.

Đại biểu đề nghị bổ sung Luật Giám định tư pháp, đưa trưng cầu giám định tư pháp xâm hại trẻ em là loại hình đặc biệt, cần được quan tâm.

Tăng cường vai trò của nhà trường, gia đình, xã hội

Đồng quan điểm, đại biểu Tăng Thị Ngọc Mai (Trà Vinh) cho biết cần quan tâm đến tính khả thi, giải pháp liên quan đến ba môi trường (môi trường gia đình; môi trường trường học; môi trường xã hội) nhằm hạn chế xâm hại trẻ em.

Cụ thể, về môi trường gia đình, trẻ cần có các biện pháp giám sát chặt chẽ từ ông bà, người thân; đồng thời, bản thân trẻ phải được giáo dục kỹ năng phòng, chống xâm hại; có hình phạt nặng đối với người thân thiếu trách nhiệm với trẻ.

Đề xuất sửa đổi Luật Hôn nhân và gia đình, đại biểu Tăng Thị Ngọc Mai nêu rõ cần quy định giáo dục tiền hôn nhân cho các cặp đôi trước ngày đăng ký hết hôn để nắm rõ trách nhiệm chăm sóc con cái.

"Hiện nay, vấn nạn ly hôn đang trở thành "mốt," trở thành "dịch," phong trào" bất chấp sự tổn thương trẻ em, vô tình đưa trẻ vào nhóm nguy cơ thiếu an toàn," đại biểu Tăng Thị Ngọc Mai nhấn mạnh.

Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Về môi trường trường học, đại biểu tỉnh Trà Vinh đề xuất: "Giáo viên ở tất cả các cấp phải được đào tạo kỹ năng cơ bản, xét tuyển kỹ lưỡng, đào tạo kiến thức pháp luật liên quan đến quyền con người, quyền trẻ em, một số điều cấm trong khi hành nghề… Đây phải được xem như môn tốt nghiệp, kiểm tra chặt chẽ, chất lượng, trước khi cấp bằng tốt nghiệp cho người làm công tác liên quan đến trẻ em."

Bên cạnh đó, trẻ em cần được dạy các kỹ năng cơ bản để bảo vệ bản thân, biết cách phản ứng trước những hành vi lạm dụng. Các chương trình giáo dục được thiết kế ngắn gọn, dễ hiểu để trẻ em thực hiện được. Đối với trẻ em ngoài nhà trường, các cấp, ngành cần có phương án quản lý chặt chẽ để giáo dục các em qua các lớp bổ túc kiến thức.

Đối với môi trường xã hội, đại biểu nhấn mạnh, người lớn phải làm gương, xử lý nghiêm các hình mẫu lệch chuẩn như trường hợp phụ huynh đánh giáo viên trong trường học trước mặt học sinh. Các bộ phận công tác liên quan đến trẻ em cần được quy định rõ trách nhiệm, nhất là cấp xóm, cấp xã, phường; khoanh vùng trẻ em thuộc nhóm nguy cơ cao.

"Mỗi xã, phường nên có một công chức xã hội làm công tác cộng đồng. Người đó được đào tạo bài bản, chuyên làm công tác xã hội, có kiến thức, năng lực, hiểu biết sâu về pháp lý, đời sống, tâm lý và được trả lương cao để quản lý tốt các đối tượng trẻ em có hoàn cảnh," đại biểu đề xuất đồng thời đề nghị có hình thức xử phạt nặng đối với những trường hợp người thân, thầy cô, hàng xóm… lợi dụng hoàn cảnh, điều kiện để dụ dỗ, xâm hại trẻ em.

Đánh giá cao việc quản lý mã định danh mỗi cá nhân từ lúc sinh ra, đại biểu Tăng Thị Ngọc Mai hy vọng trong thời gian tới, ngành y tế, công an, giáo dục và cộng đồng phối hợp chặt chẽ, góp phần giúp trẻ em Việt Nam được sống và phát triển trong môi trường lành mạnh, hưởng trọn vẹn tuổi thơ, không có trẻ bị bỏ lại phía sau hay bị tổn thương./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên