Chờ Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh hành động!

Cập nhật: 06-07-2015 | 07:42:14

Loại bỏ những lễ hội hiến sinh động vật dã man, đó là tuyên bố mạnh mẽ của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh tại hội nghị tổng kết công tác quản lý và tổ chức lễ hội vừa diễn ra tại Hà Nội cuối tuần qua. Theo lời Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh, mặc dù những lễ hội đều mang tính truyền thống, nhưng việc giết động vật để hiến sinh mang tính dã man, rất phản cảm, gây phản ứng mạnh mẽ trong cộng đồng là không thể chấp nhận cho tồn tại.

Lễ hội hiến sinh động vật dã man tiêu biểu mà Bộ trưởng Hoành Tuấn Anh nhắc đến rồi đưa ra tuyên bố dứt khoát nêu trên chính là lễ hội chém heo ngay tại sân đình làng Ném Thượng (Bắc Ninh) và lễ hội đập đầu trâu cho đến chết tại xã Hương Nha, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ diễn ra vào dịp đầu xuân mới.

Hẳn bạn đọc đã biết và không thể quên những hình ảnh về chú heo tội nghiệp nằm phơi bụng giữa sân đình, bốn chân bị dây néo kéo căng về bốn phía. Sau khi làm những thủ tục cần thiết về nghi lễ, “đao phủ” do làng cử ra đã ra tay một cách lạnh lùng bằng một nhát dao “sắc ngọt” để kết liễu con vật nhằm hiến sinh cho trời đất trong tiếng reo hò cổ vũ của đám đông dân làng. Cũng với lý do hiến sinh động vật, một chú trâu tội nghiệp khác tại Phú Thọ đang khỏe mạnh, ngày ngày kéo cày giúp dân lại chịu những cú đập trời giáng của thanh niên trai tráng cho đến lúc lìa đời vì cái gọi “truyền thống” của người dân địa phương!

Không cần phải bình luận nhiều, những hình ảnh vừa nhắc lại qua các lễ hội nêu trên cứ mỗi lần diễn ra đã gặp phải sự phản ứng mạnh mẽ của cộng đồng cư dân trong cả nước. Đành rằng là truyền thống, đành rằng là hiến sinh động vật nhưng cái cách hiến sinh dã man trên cần phải chấm dứt. Chọn cách hiến sinh tế nhị hơn, nhẹ nhàng hơn, ít gây đau đớn cho con vật bị hiến sinh chắc chắn là lựa chọn được nhiều người đồng ý.

Không dừng lại trong phạm vi những lễ hội, cũng tại hội nghị này, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nêu ra vấn nạn “chặt chém” du khách để quy kết trách nhiệm quản lý của các địa phương. Một con cua sống nặng 1,2kg khi luộc chín còn lại hơn 4 lạng tại Khánh Hòa, hai tô phở giá 800.000 đồng tại Hà Nội, du khách bị đánh vì phản ứng việc hải sản bị cân thiếu tại Bình Thuận… là những ví dụ điển hình thuộc phạm vi quản lý và trách nhiệm của ngành. Ông yêu cầu quản lý ngành ở các địa phương nâng cao trách nhiệm, phối hợp cùng các ngành chức năng nhằm quản lý các lễ hội một cách văn hóa nhất, dẹp bỏ ngay những hình ảnh phản cảm gây phản ứng trong công luận. Ông cũng yêu cầu bảo vệ du khách một cách tốt nhất, đừng để họ tiếp tục bị “móc túi” một cách trắng trợn mà cứ khoanh tay đứng nhìn.

Vâng, những tuyên bố mà vị bộ trưởng này vừa phát ra chính là thông điệp cần thiết để ngành văn hóa và du lịch phát triển một cách văn minh, bền vững. Nhưng đó cũng mới là những tuyên bố, công luận đang chờ ông hành động thực sự để lập lại văn hóa lễ hội và du lịch của đất nước. Chờ xem!

CẢNH HƯỞNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên