Chọn nghề xã hội cần

Cập nhật: 12-03-2014 | 00:00:00

Thông thường, thí sinh (TS) thường chỉ căn cứ vào việc ngành học mình lựa chọn hiện có đang “hot” hay không, có đang phát triển hay không mà quên không cân nhắc rằng, sau 4 - 5 năm nữa, ngành ấy liệu có còn được ưa chuộng?  

Thí sinh trong ngày thi đầu tiên kỳ thi tuyển sinh ĐH năm 2013 tại trường ĐH Thủ Dầu Một

Xác định mục tiêu

Thực tế thì có những ngành học đang cực kỳ nóng ở thời điểm các em đăng ký dự thi nhưng sau khi ra trường thì lại chưa chắc đó đã là một ngành học có nhiều cơ hội việc làm. Điều này đòi hỏi các TS và gia đình trước khi quyết định lựa chọn một ngành học nhất định, cần phải “nhìn xa hơn” về tương lai nghề nghiệp của ngành học đó.

Vào mỗi mùa tư vấn tuyển sinh, các chuyên gia tư vấn cũng thường khuyên học sinh chọn nghề hướng nghiệp theo nhu cầu xã hội. Nhưng đây là vấn đề cực kỳ khó khăn bởi chúng ta khó dự đoán được 5 năm, 10 năm và lâu hơn nữa, xã hội cần ngành nghề nào. Tuy nhiên, cũng không phải là “bó tay” vì có nhiều cách để xác định được nhu cầu lao động, ngành nghề của xã hội, như: Xem thông tin trên các trang web tuyển lao động hàng năm, định hướng cơ cấu ngành nghề của địa phương mình, tỉnh bạn, thậm chí là của cả khu vực…

Thường thì khi đăng ký dự thi, rất nhiều TS đã lựa chọn các ngành học như an ninh, cảnh sát, quân đội… bởi theo quy định từ lâu, đây là những ngành được bố trí, sắp xếp việc làm ngay sau khi tốt nghiệp mà người học không phải tự xin việc. Đó là chưa kể tới “lợi thế” đặc biệt khác khi trở thành học viên của những trường này là không mất tiền học phí và các khoản sinh hoạt phí khác như đa phần sinh viên các trường khác. Tuy nhiên, khi lựa chọn thi an ninh, cảnh sát hay quân đội, các em cũng cần phải cân nhắc kỹ càng, bởi đây là những ngành có điều kiện tuyển sinh khá chặt chẽ… Điểm trúng tuyển ở những ngành học này cũng tương đối cao, vì thế các TS nếu không thật sự tự tin vào sức học của mình cũng cần thận trọng khi đăng ký dự thi.

Vì vậy, để chắc chắn khi ra trường dễ dàng xin được việc làm, TS nên lựa chọn những ngành học có giá trị trong 10 năm, trong đó có thể kể đến những ngành như: Quản trị kinh doanh, công nghệ thông tin, ngoại ngữ, công nghệ sinh học, luật, tâm lý, xây dựng các công trình dân dụng… Cùng với sự phát triển của xã hội, đây là những ngành học có khả năng phát triển trong tương lai.

Nắm bắt cơ hội

Theo số liệu thống kê của Bộ GD-ĐT, thì các ngành như: đóng tàu, nông - lâm - thủy sản, bảo hiểm, cơ khí… là những ngành nghề còn “khát” nhân lực. Theo Viện Khoa học lao động và Xã hội, trong tương lai những ngành dịch vụ sẽ tiếp tục phát triển và phát triển nhanh như: dịch vụ bán lẻ, dịch vụ về tài chính, ngân hàng, dịch vụ du lịch, bảo hiểm, địa ốc... Bên cạnh đó, những ngành có lợi thế của Việt Nam như điện tử, cơ khí lắp ráp, cơ khí sửa chữa, vận hành... cũng sẽ tiếp tục phát triển. Ngoài ra, theo quy hoạch phát triển ngành nghề của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 thì một số ngành có nhu cầu lớn về nguồn nhân lực như: Xuất bản, thể dục - thể thao, kỹ nghệ thực phẩm, ngành dược, công nghiệp tàu thủy, thủy sản. Theo đó, nhân lực các ngành này sẽ được chú trọng phát triển.

Cho dù lựa chọn những ngành học xã hội cần để ra trường dễ xin việc làm là một tiêu chí quan trọng, tuy nhiên, dù chọn bất cứ ngành học nào, thì trước tiên các em cũng cần phải dựa vào ước mơ, sở thích, nguyện vọng và năng lực thật sự của bản thân mình.

NGỌC THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên