Chống buôn lậu, hàng giả: Cần sự chung tay từ nhiều phía

Cập nhật: 08-01-2018 | 07:48:02

Năm 2017, các thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại (BCĐ 389) tỉnh đã phát hiện, bắt giữ rất nhiều vụ sản xuất, vận chuyển, kinh doanh hàng lậu, hàng giả và gian lận thương mại (GLTM). Tuy nhiên, tình trạng này vẫn tiềm ẩn không ít phức tạp.

 Xử lý nhiều vụ vi phạm

Theo số liệu thống kê của BCĐ 389 tỉnh, trong năm 2017, các thành viên đã kiểm tra 11.139 vụ, phát hiện và xử phạt 6.733 vụ vi phạm (tăng 6,33%). Tổng số tiền thu nộp ngân sách trên 636 tỷ đồng (tăng 6,06%). Tang vật thu giữ chủ yếu là thuốc lá điếu nhập lậu, rượu, thực phẩm, phụ kiện điện thoại, đồ chơi trẻ em, đồ dân dụng…

 Lực lượng QLTT tỉnh thanh tra chuyên ngành mặt hàng phân bón. Ảnh: THANH HỒNG

Điều đáng nói, trong năm qua, số vụ việc vi phạm vềan toàn thực phẩm (ATTP) bị phát hiện khá nhiều. Điển hình, tháng 1-2017, tại TX.Dĩ An, lực lượng chức năng đã phát hiện chủ một kho lạnh đang tồn trữ 4.723kg thịt, phủ tạng gia súc, thủy sản quá hạn dùng; lực lượng chức năng đã phạt tiền và buộc tiêu hủy toàn bộ hàng hóa vi phạm. Tiếp đó, tháng 2-2017, qua kiểm tra Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 9 đã phát hiện một cơ sở tại TX.Thuận An đang sang chiết, đóng chai nước mắm không công bố phù hợp quy định về ATTP, không ghi hạn dùng trên nhãn hàng hóa. Lực lượng chức năng đã xử lý theo quy định, buộc tiêu hủy 2.400 lít nước mắm vi phạm ATTP.

Không chỉ có thực phẩm tươi sống, các mặt hàng khác như bột ngọt, rượu, bia, nước giải khát… cũng được các đối tượng buôn lậu dùng mọi thủ đoạn tuồn hàng về Bình Dương tiêu thụ. Điển hình, năm 2017, ngành QLTT đã xử lý, tiêu hủy vụ 1.100 chai rượu Vodka Super Men bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của chủ nhãn hiệu Vodka Hà Nội…

Có thể nói, rất nhiều vụ việc liên quan đến buôn lậu, hàng giả, GLTM đã kịp thời được các cơ quan chức năng kiểm tra, bắt giữ. Tuy nhiên, dường như các biện pháp xử phạt vi phạm hiện nay chưa đủ mạnh để răn đe các đối tượng sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ hàng lậu, hàng giả, GLTM.

Sớm tháo gỡ những bất cập

Ông Trần Văn Tùng, Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh, cho biết hiện nay, ngoài vấn nạn buôn lậu, hàng giả, tình trạng kinh doanh thực phẩm có chứa chất phụ gia không được phép sử dụng tại các chợ truyền thống, chợ tạm trên địa bàn tỉnh vẫn diễn ra. Nguyên nhân chính là do qua test nhanh chỉ báo cáo kết quả định tính, không định lượng nên không thể làm căn cứ xử lý; trường hợp lấy mẫu gửi xét nghiệm thì thời gian kéo dài, hàng hóa không còn. Mặt khác, các trường hợp vi phạm đều là những hộ kinh doanh nhỏ lẻ, thu nhập thấp nên khó xử lý nghiêm theo quy định; cùng với đó đa số các trường hợp vi phạm đều không khai báo được nguồn gốc thực phẩm nên không thể giải quyết tận gốc...

Ông Tùng cho biết thêm, đối với công tác kiểm tra hóa chất, cồn công nghiệp và methanol của cơ quan chức năng hiện nay cũng còn hạn chế, do đây là mặt hàng phức tạp, nhiều hành vi vi phạm rất khó chứng minh nếu không có kiến thức chuyên ngành nhất định. Khó khăn nữa là, đa số các cá nhân mua bán hóa chất đều có quy mô nhỏ lẻ, thuê mướn mặt bằng, hầu hết đều không bảo đảm đủ kiều kiện kinh doanh, nhưng mức phạt liên quan đến điều kiện kinh doanh khá cao nên khó thu phạt vì người kinh doanh sẽ chuyển đi nơi khác nếu bị phạt.

Theo phân tích của đại diện BCĐ 389 tỉnh, hiện nay phương tiện, công cụ hỗ trợ, cơ sở pháp lý còn nhiều hạn chế. Mặt khác, tỉnh Bình Dương tập trung nhiều khu công nghiệp lớn, nhiều doanh nghiệp có tổ chức, nhân sự biến động liên tục dẫn đến việc thu thập và cập nhật thông tin không kịp thời, thiếu chính xác; trong khi doanh nghiệp chế xuất không có khu chế xuất tập trung nên việc quản lý còn nhiều khó khăn.

Trước tình hình buôn lậu, GLTM có chiều hướng gia tăng trong thời gian qua, đại diện BCĐ 389 tỉnh cho biết, trong thời gian tới sẽ thực hiện nhiều giải pháp để hạn chế tình trạng nói trên. Theo đó, BCĐ tiếp tục thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, BCĐ 389 quốc gia và triển khai thực hiện tốt quy chế phối hợp đã được ký kết giữa các sở, ngành, BCĐ 389 các địa phương; quy chế phối hợp đã ký kết giữa UBND TP.Thủ Dầu Một, TX.Bến Cát, huyện Dầu Tiếng của tỉnh Bình Dương với huyện Trảng Bàng của tỉnh Tây Ninh và 2 huyện Củ Chi, Hóc Môn của TP.Hồ Chí Minh về công tác chống buôn lậu, GLTM và hàng giả, nhằm giữ vững và ổn định thị trường, góp phần chống thất thu ngân sách cho tỉnh và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Về phía ngành QLTT, ông Tùng cho biết sẽ triển khai cụ thể hóa các nội dung, mục tiêu kế hoạch hoạt động trong năm 2018. Đặc biệt, trong những ngày giáp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 sắp tới, nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao; đây là thời điểm mức luân chuyển hàng hóa lớn, giá cả gia tăng, song hành với đó nhiều thủ đoạn buôn lậu, GLTM và hàng giả sẽ có cơ hội hoạt động mạnh. Chi cục QLTT tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với lực lượng chức năng quán triệt và đẩy mạnh đấu tranh chống buôn lậu, GLTM và hàng giả; đồng thời tăng cường tuyên truyền giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng nâng cao nhận thức chấp hành pháp luật. Qua đó làm tốt công tác dự báo tình hình để có các biện pháp chỉ đạo, xử lý kịp thời. Chi cục cũng sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý các vụ việc phát sinh, góp phần làm bình ổn, lành mạnh thị trường hàng hóa trên địa bàn tỉnh.

 THANH HỒNG

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên