Chống hàng giả: Cần sự phối hợp đồng bộ

Cập nhật: 21-05-2015 | 08:03:30

Thời gian gần đây, hàng giả, hàng nhái chen lẫn với hàng đạt yêu cầu về chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng có mặt nhiều trên thị trường. Thế nhưng, rất ít người tiêu dùng (NTD) biết rõ những chi tiết nhỏ trên thương hiệu để phân biệt đâu là hàng thật, hàng giả; điều này không chỉ ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp (DN) mà NTD cũng bị ảnh hưởng do sử dụng sản phẩm kém chất lượng.

DN cần đăng ký nhãn hiệu  

Theo bà Ngô Phương Trà, chuyên viên Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) tại TP.HCM, DN trước hết phải đăng ký nhãn hiệu nhằm xác lập quyền sở hữu trí tuệ của chủ thể với nhãn hiệu, vì nhãn hiệu được xem như là một tài sản trí tuệ vô giá, là cơ sở pháp lý cho việc xác định chủ sở hữu đối với nhãn hiệu, logo, thương hiệu… khi có sự cạnh tranh giữa các DN và ngăn chặn đối thủ cạnh tranh sao chép hoặc nhái lại. Mặt khác, nhãn hiệu là đối tượng dễ bị nhái nhất khi các đơn vị cạnh tranh khác muốn “ăn theo” uy tín DN. Do vậy, việc đăng ký nhãn hiệu là biện pháp đầu tiên DN phải tiến hành để bảo vệ thương hiệu và chống sự cạnh tranh không lành mạnh từ phía các đối thủ.

Chi cục Quản lý thị trường tỉnh xử lý gas giả tại TX.Dĩ An. Ảnh: H.PHẠM

Ngoài việc đăng ký nhãn hiệu, bảo hộ nhãn hiệu, hiện nay biện pháp chống hàng giả được các DN áp dụng chủ yếu là hình thức dán tem nhãn có in chữ chống giả trên tem và dán lên trên các sản phẩm của mình. Và thực tế hiện có đến 90% sản phẩm trên thị trường được nhận diện thông qua hình thức này. Tuy vậy, ông Nguyễn Hiếu Thượng, đại diện Công ty Cổ phần Phát triển khoa học công nghệ Vina (Vina CHG, TP.HCM) - hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển khoa học - công nghệ chống giả và đã được các cơ quan quản lý nhà nước cấp giấy phép in tem chống giả theo quy định cho biết, tem nhãn về cơ bản không có tính pháp lý, không được bảo mật và không được đăng ký quyền sở hữu trí tuệ vì tem có thể được in ở bất cứ nhà in nào; không có cơ quan nào đứng ra bảo hộ và xử lý trong trường hợp sản phẩm bị làm giả. Vì thế, sự xuất hiện của loại tem nhãn có in chữ chống giả theo hình thức này chỉ góp phần giúp cho các đối tượng làm giả và làm cho hàng giả ngày càng nhiều hơn.

Phối hợp xử lý hiệu quả

Để hạn chế việc in giả tem chống giả, hiện nay nhiều DN đã sử dụng tem chống giả được sản xuất theo công nghệ hiện đại, ứng dụng công nghệ cao như công nghệ nước, công nghệ nhiệt, công nghệ phát sáng... Đồng thời, sự hợp tác giữa cơ quan thực thi pháp luật và chủ sở hữu đối tượng sở hữu trí tuệ cần phải thực hiện thường xuyên. Đây là yếu tố quan trọng trong việc chống hàng gian, hàng giả, vì trong một số trường hợp phát hiện vi phạm nhưng chủ sở hữu đối tượng sở hữu trí tuệ không yêu cầu xử lý hoặc không có đại diện chủ sở hữu tại Việt Nam thì dẫn đến việc các cơ quan thực thi khó xử lý.

Ông Nguyễn Thành Danh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết, đáng lưu ý là nhiều mặt hàng thời trang như quần áo, giày dép có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng trên thế giới được bày bán công khai, tràn lan trên thị trường, kể cả tại một số cửa hàng thời trang có quy mô lớn trên địa bàn tỉnh. Nhưng do không có đại diện chủ sở hữu tại Việt Nam nên lực lượng chức năng không thể bắt giữ và xử lý được.

Cùng với việc tuyên truyền, đăng ký bảo hộ, sử dụng tiến bộ khoa học trong việc chống hàng giả, DN cũng cần trực tiếp hướng dẫn cho các nhân viên, chủ đại lý và NTD biết cụ thể các chi tiết như màu sắc bao bì, nhãn mác, họa tiết đặc thù… trên sản phẩm. Đây có thể coi là một hoạt động đầu tư dài hạn mà DN hay nhà quản trị thương hiệu phải làm chu đáo ngay từ đầu nhằm thiết lập được một “hàng rào chắn” an toàn cho “phần hồn” của công ty trong cạnh tranh, giúp NTD chủ động nhận diện đúng thương hiệu mà mình tin tưởng trong thời kỳ hàng giả, hàng nhái tràn lan như hiện nay.

Trong năm 2014, cơ quan chức năng tỉnh đã phát hiện, xử lý 36 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ; phạt vi phạm hành chính hơn 794 triệu đồng. Đặc biệt, dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Mùi, lực lượng chức năng đã phát hiện 19 vụ vi phạm về nhãn hàng hóa, kinh doanh mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ và phạt vi phạm hành chính 55 triệu 675 ngàn đồng.

Thủ đoạn của các đối tượng làm hàng giảlàmua hàng hóa xuất xứtừ Trung Quốc, Thái Lan cóchất lượng kém, sau đóđóng gói vào bao bì giảmạo nhãn hiệu, giảmạo nhãn hàng hóa của các nhãn hiệu nổi tiếng đãđược bảo hộ độc quyền để bán ra thịtrường, thu lợi bất chính. Các mặt hàng bịgiảmạo nhãn hiệu như áo sơ mi Việt Tiến, quần áo thời trang hiệu Lacoste, giày thể thao hiệu Adidas, Nike, dầu gội đầu hiệu Dove, sơn nước hiệu Dulux, Maxilite, bột ngọt Ajinomoto…

 

HOÀNG PHẠM

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên