Chống lạm thu trong nhà trường: Để giảm gánh nặng cho phụ huynh đầu năm học

Cập nhật: 26-09-2011 | 00:00:00

Các khoản thu vào đầu năm học luôn là nỗi lo của nhiều gia đình, đặc biệt là những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Mặc dù ngay từ đầu năm học, Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh cũng đã có chủ trương hướng dẫn những hạng mục nào được thu và thu như thế nào được quy định chi tiết. Cụ thể như: Khoản thu hộ của cấp học mầm non, tiểu học bán trú nhằm phục vụ học sinh (HS), bao gồm: tiền ăn của các cháu, tiền chất đốt, đồ dùng bán trú, đồ chơi, học phẩm, tiền học bạ, phù hiệu, sổ liên lạc, quần áo thể dục thể thao... Phải được sự đồng tình, thống nhất của ban đại diện cha mẹ HS, nhưng thực tế, gánh nặng tiền trường đầu năm học vẫn là nỗi lo của không ít phụ huynh (PH).  Để con em được đến trường, nhiều phụ huynh vẫn đang nặng nỗi lo toan bởi các khoản thu đầu năm học

Nhiều nỗi lo

Đầu năm học, nhìn vào số tiền phải đóng cho con để được vào học bán trú lên đến hơn 1 triệu đồng, nhiều bậc PH không khỏi thở dài. Chị Trần Thị Thuỳ Dương, ngụ tại khu dân cư Minh Tuấn, có con vào lớp 1 bán trú của một trường tiểu học trên địa bàn TX.Thuận An chia sẻ: “Với những người thu nhập hàng tháng 4 - 5 triệu đồng thì khoản tiền đầu năm học chẳng đáng là bao. Nhưng như hai vợ chồng tôi đều làm công nhân, tổng thu nhập chưa đến 5 triệu đồng/tháng, lại phải lo tiền nhà trọ, tiền ăn uống, điện, nước... thì hơn 1 triệu đồng tiền đóng học phí cho con quả là một gánh nặng”. Theo chị Dương thì dù bao nhiêu thì cũng phải “gồng mình” mà đóng, bởi nếu không, con chị phải qua học lớp 1 buổi, không ai đưa đón cháu, càng khó hơn.

Hầu hết những khoản thu của các trường đều tương tự như nhau, gồm: tiền xây dựng và trang thiết bị, hỗ trợ lớp bán trú và lớp 2 buổi/ngày, tiền hội phí hội PH HS, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn, tiền ăn trong 1 tháng... tổng cộng khoảng trên 1 triệu đồng/HS lớp.

Ở hầu hết các trường thì các khoản tiền như học phí, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn, tiền ăn thì đều tương đương, nhưng các khoản còn lại thì mỗi trường thu mỗi kiểu. Ví dụ như tiền xây dựng và trang thiết bị thì có trường thu đến 200 ngàn đồng/tháng để mua nước uống và các thiết bị khác cho HS. Chị Huỳnh M.T, ngụ tại phường Phú Lợi, TX.TDM có con học tại trường Mầm non H.P cho biết: “Ngoài một số khoản phải đóng vào đầu năm học, PH chúng tôi vừa phải đóng tiền hội cha mẹ HS 100.000 đồng/tháng lại phải đóng thêm mỗi người hơn 100 ngàn đồng để trang bị máy nước nóng trong lớp học cho con”. Khoản tiền hội phí hội PH mỗi trường thu một kiểu. Có trường, khi họp PH thì thông báo đây là khoản do cha mẹ HS tự nguyện đóng góp nên trường không ép buộc. Có trường số tiền đóng hội phí hội PH lên đến 360.000 đồng/người như trường Mẫu giáo S.M tại TX.TDM. Chị K.A, một PH có con đang học lớp chồi tại một trường mầm non tại TX.Dĩ An cho biết: “Nói tự nguyện là vậy, nhưng trong cuộc họp PH đầu năm học, trưởng ban đại diện cha mẹ HS đứng dậy nói “đóng càng nhiều càng tốt” để có khoản thu mua dụng cụ học tập và trang bị lớp học cho các cháu. Chị ấy đưa ra mức khởi điểm là 200.000 đồng/người. Còn ai muốn đóng nhiều hơn thì tùy. Với những gia đình có tiền thì 200.000 đồng chẳng đáng là bao nhưng công nhân như chúng tôi thì 200.000  đồng thì vất vả lắm mới kiếm được. Bảo là tự nguyện nhưng thấy mọi người đóng 200 ngàn đồng và hơn, chẳng lẽ mình lại đi đóng có 100 ngàn đồng, vậy là đành phải theo thôi!”.

Có thể nói, với thu nhập ở mức khá của khu vực thành thị, việc đóng vài trăm ngàn đến trên triệu đồng cho con em ở đầu năm học không phải là quá sức đối với nhiều PH. Thế nhưng, đây thật sự là gánh nặng đối với những người có thu nhập trung bình hoặc thu nhập thấp.

Nhà trường và phụ huynh cùng thỏa thuận

Trong văn bản của Bộ GD-ĐT gửi cho các sở về việc tiếp tục chấn chỉnh tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục có ghi rõ: Đối với những khoản thu để mua sắm phục vụ trực tiếp cho HS học tập, sinh hoạt như áo quần đồng phục, quần áo thể dục - thể thao, phù hiệu HS, vở học tập mang tên trường...: các cơ sở giáo dục cần thống nhất chủ trương, kiểu mẫu với PH HS, để tự lựa chọn và quyết định hình thức tổ chức thực hiện thích hợp; đối với những khoản đóng góp được thỏa thuận giữa nhà trường và cha mẹ HS để thực hiện một số nhiệm vụ thay cha mẹ HS trong công tác nuôi, dạy HS như: tiền ăn, tiền chăm sóc bán trú, tiền nước uống... yêu cầu nhà trường phải thỏa thuận với PH HS về chủ trương, công khai mức thu, nội dung chi bảo đảm nguyên tắc thu đủ bù chi.

Chủ trương chung của ngành là miễn nhưng lại cho phép các trường có nhu cầu sửa chữa cơ sở vật chất tự thỏa thuận với PH; nhưng nhu cầu thì trường nào cũng có. Theo một số hiệu trưởng, nếu trường không thỏa thuận với PH để thu tiền sửa chữa, nâng cấp trường lớp thì trường sẽ không có kinh phí để làm một số việc, như: quét vôi lớp học, thay màn cửa sổ, thay quạt, thay đèn... Anh Nguyễn Đ.V, một PH HS nói: “Nói là nhà trường tự thỏa thuận với PH nhưng ở nhiều trường, các khoản thu đã được lên bảng từ giữa tháng 8, trong khi đó, vào tuần đầu tháng 9, sau khai giảng, các trường mới tiến hành đại hội PH HS!? Nghịch lý này PH nào cũng nhận thấy nhưng cho con đi học thì vẫn phải chạy lo tiền đóng đủ theo quy định của nhà trường. Đặc biệt, ở các trường trong thị xã, có được một chỗ học bán trú cho con em là quá khó nên khi vào học được rồi thì trường thông báo bao nhiêu PH phải đóng bấy nhiêu, không dám thắc mắc”.

Nhu cầu sửa chữa, bảo quản cơ sở vật chất trường lớp là nhu cầu bức thiết đầu mỗi năm học nhằm tạo cảnh quan sư phạm; đồng thời đáp ứng yêu cầu sử dụng tài sản một cách lâu dài. Không có nguồn thu cho xây dựng, các trường rất khó trong việc bảo quản cơ sở vật chất, trường lớp. Các trường có nhu cầu sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất có thể thực hiện xã hội hóa giáo dục trên cơ sở được sự thống nhất của PH HS thông qua ban đại diện hội cha mẹ HS ở các trường. Các trường đều tổ chức vận động PH HS cùng tham gia sửa chữa, nâng cấp cũng như tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp. Đây cũng là một trong những tiêu chí để các trường thực hiện chủ điểm “Xây dựng trường học thân thiện HS tích cực” mà Bộ GD-ĐT chỉ đạo thực hiện. Thế nhưng, mỗi trường lại có cách vận động khác nhau, làm nảy sinh nhiều thắc mắc, nhiều bất cập. Ông Trần Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết: “Năm học này, Sở GD-ĐT tỉnh cũng đã có hướng dẫn những hạng mục nào được thu và thu như thế nào đều được quy định chi tiết, cụ thể như: Khoản thu hộ của cấp học mầm non, tiểu học bán trú nhằm phục vụ lại HS, bao gồm: tiền ăn của các cháu, tiền chất đốt, đồ dùng bán trú, đồ chơi, học phẩm, tiền học bạ, phù hiệu, sổ liên lạc, quần áo thể dục thể thao... phải được sự đồng tình, thống nhất của ban đại diện cha mẹ HS. Theo đó, Sở GD-ĐT nghiêm cấm các trường lạm thu đồng thời cũng đã có dự phòng giải pháp đối với HS nghèo, có hoàn cảnh khó khăn để các em không bỏ học. Song song đó, Sở GD-ĐT tỉnh cùng các ban, ngành đoàn thể vận động hỗ trợ HS nghèo. Ngành giáo dục cũng chỉ đạo cho các trường thực hiện chính sách miễn giảm học phí, vận động các nhà tài trợ ở địa phương hỗ trợ tập, sách, quần áo... cho HS ngay từ đầu năm học”.

Ngọc Thanh

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X