Chống ngập úng: Phải hành động quyết liệt, đồng bộ

Cập nhật: 06-12-2011 | 00:00:00

Đã có 3 cuộc họp bàn xung quanh việc chống ngập úng trên địa bàn tỉnh nhưng dường như tiến độ khắc phục vẫn còn chậm. Các đơn vị liên quan khi ngồi lại với nhau vẫn còn trong vòng luẩn quẩn về nguyên nhân ngập, trách nhiệm thuộc về ai...

Ngập do nhiều nguyên nhân

Nói về nguyên nhân việc ngập úng cục bộ trên địa bàn các huyện, thị tại cuộc họp của UBND tỉnh mới đây, nhiều đại biểu đã phân tích khá kỹ như: do đỉnh triều cường ngày càng cao, do một số công trình thi công chậm, không nạo vét kênh rạch, san lấp mặt bằng, quy hoạch tổng thể chậm, hệ thống cống thoát nước bị quá tải...

 Ngập úng do mưa to kéo dài kết hợp với triều cường mới xảy ra ở TX.Thuận An

Theo thống kê của Sở Xây dựng về các điểm ngập nước trên địa bàn tỉnh thì còn rất nhiều điểm, trong đó tập trung ở các huyện, thị phía nam và Bến Cát. Mức độ ảnh hưởng chủ yếu ngập dưới 1m và có nơi ngập kéo dài từ 1 - 2 ngày. Nguyên nhân ngập cũng được Sở Xây dựng xác định chủ yếu là do mưa to, nước thượng nguồn đổ về nhanh kết hợp với triều cường gây ngập úng; do tốc độ đô thị hóa nhanh, san lấp mặt bằng ngày một nhiều ảnh hưởng đến dòng chảy, diện tích dòng chảy bị thu hẹp, hạ lưu bị bồi lắng; một số tuyến ngập do mặt đường bị lún, thấp hơn đỉnh triều cường, một số mặt đường được nâng cao nhưng không có hệ thống thoát nước bảo đảm gây ngập úng cho nhà dân...

Ông Đặng Văn Ba, Phó Chủ tịch UBND TX.Thuận An ngoài việc nêu các nguyên nhân ngập úng còn yêu cầu các đơn vị đầu tư làm đường (B.O.T) phải có trách nhiệm kiểm tra thường xuyên để kịp thời nạo vét cống, tránh tình trạng cống bị đất cát bồi lấp dòng chảy. Còn ông Lê Văn Rum, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, chống ngập úng không phải là không có giải pháp mà cái quan trọng là cần phải xác định trách nhiệm cụ thể, rõ ràng cho từng đơn vị, phải phối hợp đồng bộ và quyết liệt mới có hiệu quả, còn cứ theo như cách làm cũ thì khó thu được kết quả tốt. Một số đại biểu khác cho rằng giải pháp căn cơ là phải có quy hoạch chung, có điều tra về lưu lượng nước thải sinh hoạt, đỉnh cao nhất của triều cường, đẩy nhanh quy hoạch tổng thể để khi muốn thay cống thoát nước chẳng hạn cũng có cơ sở phù hợp, tránh việc thay rồi một thời gian ngắn lại phải làm lại...

Hành động thay vì bàn cãi

Các nguyên nhân gây ngập úng được các đại biểu đưa ra bàn luận không phải không có lý, tuy nhiên để khắc phục kịp thời, hạn chế tối đa việc ngập úng lại đang là vấn đề cấp bách, bức xúc trong dư luận. Trong khi chờ quy hoạch chung, tổng thể không thể phó mặc tình trạng ngập úng. Vì thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Nam đã xác định rõ ràng đây là vấn đề an sinh xã hội và phải làm quyết liệt. Đồng thời, yêu cầu các ngành, cấp phải nâng cao trách nhiệm thuộc thẩm quyền của mình để kịp thời khắc phục những vấn đề cấp bách, giảm thiểu được bức xúc trong xã hội.

Theo ông Nam, chức năng của ngành nào ngành đó phải làm, những công trình này không hề bị ảnh hưởng bởi Nghị quyết 11 của Chính phủ. Nếu có chồng chéo trong quản lý Nhà nước thì cứ mạnh dạn đề xuất và kiến nghị để sửa đổi. Phải đẩy nhanh tiến độ các công trình, xem khó vấn đề gì để tập trung xây dựng. Đồng thời, tiếp tục rà soát các vấn đề xung yếu, lấn chiếm hàng lang đường bộ, sông suối để chấn chỉnh. Bên cạnh việc tổng hợp các điểm ngập úng và nguyên nhân, Sở Xây dựng cần bổ sung thêm phần trách nhiệm thuộc đơn vị nào... để kịp thời chấn chỉnh thực trạng ngập úng cục bộ hiện nay trên địa bàn tỉnh.

K.TÂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên