Chủ động các biện pháp bảo vệ cây trồng, vật nuôi trong mùa nắng nóng

Cập nhật: 21-02-2019 | 08:27:24

Thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài gần một tháng qua không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, mà còn tác động trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trước tình hình đó, ngành nông nghiệp, các địa phương, doanh nghiệp, hộ sản xuất trong tỉnh đã chủ động thực hiện các biện pháp bảo vệ cây trồng, vật nuôi nhằm giảm thiệt hại.


Các gia đình trồng bưởi ở xã Bạch Đằng, TX.Tân Uyên thực hiện các biện pháp bảo vệ trái bưởi trong mùa nắng nóng

Nắng nóng diễn ra sớm

Dù chưa đến cao điểm mùa nắng nóng trong năm nhưng những ngày qua, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện những đợt nắng nóng kéo dài, nhiệt độ từ 33 - 360C. Ông Trần Văn Cả, ở xã An Sơn, TX.Thuận An, cho hay 10 ngày qua, do nắng nóng nên ông phải dậy sớm ra vườn chăm sóc vườn cây để tránh nắng nóng. Tuy đang diễn ra nắng nóng nhưng tình hình sản xuất nông nghiệp của bà con trên địa bàn không bị ảnh hưởng nhiều do phần lớn các hộ dân đã có hệ thống tưới tự động và lượng nước tưới dồi dào.

Anh Nguyễn Hữu Tâm, Giám đốc Hợp tác xã Bưởi Bạch Đằng, TX.Tân Uyên, cho biết để tránh nắng nóng, ông tranh thủ làm vườn từ sáng sớm và chiều muộn. Do nhiệt độ tăng cao nên các hộ trồng bưởi ở địa phương phải tưới cho vườn cây nhiều hơn. Đối với những hộ còn bưởi bán sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi phải tiến hành che chắn trái để không bị rám nắng trong đợt nắng nóng này.

Theo ông Tống Văn Hướng, Giám đốc Hợp tác xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng, thời tiết nắng nóng làm thay đổi thời gian người lao động làm việc, người dân phải tưới nhiều hơn và thay đổi giờ tưới để cây không bị ảnh hưởng. Riêng đối với cây cam, bưởi, người trồng cần che chắn để trái cây khỏi bị rám nắng.

Đến nay, nhiều hộ sản xuất trồng trọt tại các địa phương trong tỉnh đều đã đầu tư hệ thống tưới tự động, nên phần lớn đều an tâm trong điều kiện thời tiết nắng nóng. Bên cạnh đó, hầu hết các hộ nông dân, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đều canh tác theo quy trình kỹ thuật nên hạn chế được những thiệt hại trong mùa vụ do thời tiết gây ra.

Theo lãnh đạo Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam -Chi nhánh Bình Dương, đầu mùa nắng nóng năm nay, công ty đã kiểm tra hệ thống làm mát, quạt phun sương để ứng phó với thời tiết nắng nóng. Những ngày nhiệt độ cao như thời điểm này, hệ thống làm mát tại các trang trại chăn nuôi khép kín của công ty hoạt động hết công suất. Tuy nhiên, điều mà doanh nghiệp lo lắng là nguồn dịch bệnh từ bên ngoài lan vào hệ thống chăn nuôi của công ty. Hiện công ty đã tăng cường giải pháp an toàn sinh học, sát trùng và kiểm tra các nhân tố có thể gây truyền nhiễm cho gia súc, gia cầm khi dịch bệnh bên ngoài bùng phát.

Tích cực thực hiện các giải pháp phòng, tránh

Các chuyên gia khuyến cáo, nếu nắng nóng kéo dài sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến ngành chăn nuôi nhỏ lẻ trong nước, nhất là những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và chăn thả. Việc tăng cường chống nắng, dịch bệnh cho gia súc, gia cầm mùa nắng là rất quan trọng. Các gia đình chăn nuôi cần giữ cho chuồng trại thoáng mát, vệ sinh; thường xuyên tắm cho đàn heo để giảm nhiệt; tiêm đầy đủ các loại vắc-xin cho gia súc, gia cầm để tăng cường khả năng miễn dịch. Những người chăn nuôi, định kỳ cần tẩy giun, sán cho vật nuôi, phun thuốc sát trùng để diệt ve, mòng, ruồi, muỗi, bọ mạt… vốn là những tác nhân truyền và gây bệnh…

Tại TX.Thuận An, hiện các hộ chăn nuôi bò sữa nhỏ lẻ khá lo lắng vì bò sữa rất nhạy cảm với thời tiết nắng nóng. Cụ thể, nắng nóng kéo dài sẽ làm giảm sản lượng sữa, dễ phát sinh các bệnh cảm nắng, cảm nóng, ký sinh trùng đường máu và các bệnh truyền nhiễm khác, gây thiệt hại lớn về kinh tế, thậm chí gây chết bò sữa nếu không có biện pháp xử lý kịp thời.

Các chuyên gia lĩnh vực nông nghiệp cũng lưu ý, những ngày khô hạn, người chăn nuôi cần thực hiện chế độ chuyển bữa ăn, thức ăn tinh, thức ăn hỗn hợp thường chuyển sang cho ăn vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát; tăng cường khẩu phần ăn xanh như rau, cỏ tươi, củ, quả và các loại vitamin... để tăng cường khẩu phần đạm, giảm tinh bột, mỡ, đường trong khẩu phần đối với từng loại gia súc, gia cầm. Đồng thời, những người chăn nuôi cần bảo đảm thường xuyên có đủ nước cho gia súc, gia cầm uống, không làm ẩm ướt nền chuồng và khống chế lượng nước uống cho đàn gia súc, gia cầm vừa đủ để tránh lãng phí. Đối với chuồng kín, người chăn nuôi cần cải tạo cho thông thoáng hoặc đặt quạt hút gió để tăng cường đối lưu không khí, giảm nhiệt độ và khí độc trong chuồng; đối với trang trại chăn nuôi lớn ở vùng khô hạn, có thể áp dụng hệ thống tái sử dụng nước tuần hoàn trong trại để tiết kiệm nước.

Theo lãnh đạo Chi cục Thú y, khi diễn biến thời tiết thất thường sẽ làm giảm sức đề kháng của đàn gia súc, gia cầm, vì thế các hộ chăn nuôi cần tăng cường vệ sinh phòng bệnh, vệ sinh tẩy uế chuồng trại và các dụng cụ chăn nuôi; tiêm đầy đủ các loại vắc-xin cho gia súc, gia cầm để tăng cường khả năng miễn dịch... Chi cục cũng khuyến cáo các địa phương, doanh nghiệp, hộ sản xuất cần theo dõi phát hiện sớm các gia súc, gia cầm bị ốm, bị bệnh để cách ly, điều trị, xử lý kịp thời tránh để bệnh lây lan rộng; cần quan tâm đến các bệnh đường ruột và tiêu hóa của gia súc, gia cầm bằng cách chủ động cho gia súc ăn, uống thuốc ở liều phòng bệnh...

Lường trước được diễn biến của thời tiết trong năm 2019, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh tích cực thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm; chủ động phát hiện sớm không để lây lan dịch bệnh nhằm bảo đảm phát triển chăn nuôi bền vững.

Cung cấp đầy đủ nước tưới cho sản xuất nông nghiệp

Ông Nguyễn Ngọc Mạnh, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, cho biết Bình Dương bảo đảm lượng nước tưới cho nông nghiệp đạt 100%. Trong đợt nắng nóng đang diễn ra, chi cục đã theo dõi, đôn đốc các đơn vị quản lý khai thác thực hiện đúng quy định về quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; theo dõi tình hình điều tiết nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp, chống hạn trong mùa khô và tình hình sửa chữa các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh. Đến thời điểm này, 100% diện tích lúa và cây ngắn ngày trong toàn tỉnh được cung cấp đủ nước tưới. Trong thời gian tới, chi cục tiếp tục theo dõi, đôn đốc các đơn vị quản lý khai thác thực hiện đúng các quy định về quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; phối hợp với địa phương kiểm tra thực tế tình hình khô hạn, theo dõi tình hình điều tiết nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp và tình hình sửa chữa các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh.

 

TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên