Chủ động đối phó

Cập nhật: 20-12-2016 | 09:34:37

 Hiện nay đã vào cuối mùa mưa, nhưng thời tiết vẫn còn những diễn biến khó lường. Ở một số địa phương trong cả nước đang xảy ra tình trạng lũ lụt, gây ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống người dân. Riêng với hồ Dầu Tiếng, mỗi năm khi mùa mưa đến đều thực hiện xả lũ. Để điều tiết hạ thấp mực nước hồ Dầu Tiếng nhằm bảo đảm an toàn hồ đập, hôm qua (19-12), một lần nữa hồ Dầu Tiếng đã xả nước qua tràn xuống sông Sài Gòn với lưu lượng 150m3/giây. Việc xả lũ được thực hiện nhằmbảo đảm an toàn hồ đập, cũng như tính mạng con người, tài sản của nhân dân phía hạ du. Và thời gian qua, việc xả lũ đã trở thành hoạt động bình thường trong mùa mưa, khi việc tích nước vượt quá mức cho phép. Riêng năm 2016, đơn vị chức năng đã vài lần tiến hành xả lũ. Việc xả lũ được ngành chức năng tính toán kỹ lưỡng, bảo đảm an toàn đến mức có thể.

Những năm qua, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Bình Dương, Công ty Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng đã thực hiện tốt việc này, nên không để xảy ra thiệt hại cho nhân dân ven sông Sài Gòn khi xả lũ. Tuy nhiên, xả lũ nước sẽ dâng, dù tỉnh, các địa phương, người dân có sự chuẩn bị nhưng ít nhiều cũng sẽ ảnh hưởng đến bà con vùng trũng. Thời điểm này đang cuối mùa mưa, theo dự báo của đài khí tượng thủy văn vẫn còn vài cây mưa lớn trước khi kết thúc mùa mưa. Do đó, việc xả lũ kết hợp với mưa to có thể để lại hậu quả khó lường. Vì thế, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai- Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh đã cảnh báo các địa phương ven sông Sài Gòn phải chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện để đối phó với tình huống bất lợi.

Trong đợt xả lũ lần này, Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh đề nghị Ban chỉ huy PCTT-TKCN huyện Dầu Tiếng, TX.Bến Cát, TX.Thuận An, TP.Thủ Dầu Một triển khai các phương án phòng tránh, ứng phó; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để chủ động khắc phục kịp thời khi xảy ra các tình huống gây ngập lụt các vùng trũng thấp ven sông Sài Gòn; kiểm tra các tuyến đê bao, bờ bao, bờ rạch… và thực hiện ngay việc gia cố, cơi nới các đoạn có khả năng bị vỡ, bị tràn, không để xảy ra ngập úng ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của nhân dân; tổ chức trực ban theo dõi tình hình mưa, mực nước sông Sài Gòn để kịp thời thông báo cho người dân ở các vùng trũng thấp nhằm chủ động triển khai các biện pháp phòng tránh ngập lụt.

Việc xả lũ là để bảo vệ hồ Dầu Tiếng. Vì thế, bên cạnh thực hiện tốt các phương án phòng tránh, ứng phó nói trên, từng người dân, đặc biệt là người dân sống ven sông, vùng trũng cũng cần chủ động có những biện pháp ứng phó với nguy cơ ngập úng có thể xảy ra, chủ động cơi nới, củng cố bờ bao... Sự cộng đồng trách nhiệm giữa Nhà nước và nhân dân trong việc chủ động phòng tránh ngập lụt là nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra, đặc biệt là bảo đảm tuyệt đối an toàn cho nhân dân.

VĂN HIỆP

Chia sẻ bài viết
Tags
lũ lụt

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên