Chủ động phòng chống bệnh dịch tả heo châu Phi

Cập nhật: 26-02-2019 | 09:08:51

 Tỉnh Bình Dương là địa phương có số lượng đàn heo lớn, gần 644.000 con. Hiện các ngành chức năng và địa phương trong tỉnh đang tích cực triển khai thực hiện kế hoạch hành động ứng phó với bệnh dịch tả heo châu Phi của UBND tỉnh.

 

Lực lượng Chi cục Chăn nuôi, thú y và thủy sản tỉnh đang tiêm ngừa cho đàn heo tại một cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Ảnh: T.MY

Tích cực phòng chống dịch

Ngày 19-2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chính thức thông báo phát hiện các ổ dịch tả heo châu Phi tại 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Bình và hiện dịch bệnh đã xuất hiện tại Hải Phòng.

Tại Bình Dương, trước đó, vào ngày 17-12-2018, khi có những thông tin về dịch bệnh này bùng phát ở Trung Quốc, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 6089/KH-UBND về hành động ứng phó bệnh dịch tả heo châu Phi (gọi tắt là Kế hoạch số 6089/ KH-UBND) nhằm đồng bộ các biện pháp phòng chống, ứng phó nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả heo châu Phi vào địa bàn tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị, thành phố thực hiện kế hoạch này .

“Người dân không nên quá hoang mang lo lắng vì bệnh dịch tả heo châu Phi chỉ lây lan trên đàn heo, thịt heo nhiễm dịch tả hiện không gây hại trên người. Tuy nhiên, người dân nên mua thịt có nguồn gốc rõ ràng, có giấy kiểm soát giết mổ... để báo đảm sức khỏe bản thân và gia đình”.

(Ông Trần Phú Cường, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, thú y và thủy sản tỉnh)

Theo ông Trần Phú Cường, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, thú y và thủy sản tỉnh, mục tiêu của Kế hoạch số 6089/KH-UBND nhằm chủ động ngăn chặn, giám sát phát hiện sớm, sẵn sàng ứng phó kịp thời và hiệu quả với nguy cơ xảy ra bệnh dịch tả heo châu Phi, đồng thời xử lý triệt để, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng. Kế hoạch nêu rõ: Khi chưa phát hiện bệnh dịch tả heo châu Phi, UBND các huyện, thị, thành phố chuẩn bị các điều kiện cần thiết để ứng phó dịch bệnh, như: Xây dựng kế hoạch hành động ứng phó của địa phương; chuẩn bị vật tư, hóa chất, phương tiện, nhân lực và các phương án cụ thể trong mỗi tình huống ứng phó dịch; chủ động dự trù nơi tiêu hủy; rà soát, thu gom heo, sản phẩm thịt heo không rõ nguồn gốc; định kỳ triển khai vệ sinh, tiêu độc khử trùng trên địa bàn những khu vực có nguy cơ cao…

Trong trường hợp phát hiện ổ dịch bệnh dịch tả heo châu Phi, UBND các cấp và các cơ quan chức năng tích cực, khẩn trương phối hợp và tổ chức xử lý ổ dịch, chống dịch theo các quy định của Luật Thú y, theo nội dung Công điện số 1194/CĐ-TTg ngày 12-9-2018 của Thủ tướng Chính phủ, Công điện khẩn số 6741/CĐ-BNN-TY và Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đối với cơ sở chăn nuôi đã được chứng nhận an toàn dịch bệnh động vật, vùng bị dịch uy hiếp, vùng giám sát, việc kiểm soát vận chuyển heo và sản phẩm của heo căn cứ tình trạng và nguy cơ dịch bệnh thực tế tại địa phương, căn cứ kết quả xét nghiệm hoặc hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triến nông thôn, hướng dẫn của Cục Thú y. Cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành thú y phối hợp UBND các cấp tại địa phương phát hiện bệnh dịch tả heo châu Phi tổ chức tiêu hủy toàn bộ đàn heo bị bệnh trong vòng 24 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm khẳng định dương tính với bệnh dịch tả heo châu Phi. Về kỹ thuật, phương pháp tiêu hủy heo bị bệnh và sản phẩm của heo bị bệnh cần thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Thú y.

Ông Cường cho biết hiện Chi cục Chăn nuôi, thú y và thủy sản tỉnh đang ráo riết thực hiện các biện pháp nghiệp vụ nhằm kiểm soát dịch bệnh xâm nhập vào tỉnh. Đồng thời, chi cục cũng chỉ đạo đơn vị chức năng tăng cường công tác kiểm tra, tuyên truyền các hộ chăn nuôi phòng chống, hướng dẫn an toàn sinh học chăn nuôi, biểu hiện heo bị dịch bệnh cho từng hộ chăn nuôi.

Người dân không nên hoang mang

Bình Dương là địa phương có số lượng đàn heo lớn ở Đông Nam bộ. Trên địa bàn tỉnh có quốc lộ 13 đi qua, giáp ranh với TP.Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai - nơi có ngành thương mại - du lịch phát triển mạnh, hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ heo và sản phẩm của heo diễn ra nhộn nhịp. Chính vì vậy, nguy cơ bệnh dịch tả heo châu Phi từ từ miền Bắc xâm nhiễm vào Bình Dương thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ heo và sản phẩm của heo nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc là rất cao. Theo ông Cường, hiện chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị được bệnh dịch tả heo châu Phi, vì vậy các địa phương thực hiện biện pháp phòng bệnh là chính.

Lãnh đạo chi nhánh Công ty CP tại Bình Dương cho hay, từ khi có dịch tả heo châu Phi, công ty đã tăng cường khâu an toàn sinh học. Theo đó, mọi vật dụng có nguy cơ mang mầm bệnh cho heo từ bên ngoài đều được công ty kiểm soát rất kỹ. Công ty đã chỉ đạo việc khử trùng các xe chuyên chở, máng ăn và cách ly mọi nguồn có nguy cơ lây nhiễm cho đàn heo.

Ông Nguyễn Văn Nam, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ở huyện Bắc Tân Uyên, cho biết: “Tôi được biết bệnh dịch tả heo châu Phi chưa có vắc xin đặc trị, heo nhiễm bệnh thì tỷ lệ chết gần như tuyệt đối. Do đó, việc dịch bệnh này đã xuất hiện trong nước khiến những người nuôi heo như tôi rất lo lắng. Gia đình tôi đã tăng cường các biện pháp nâng cao sức đề kháng cho đàn heo, khử trùng chuồng trại theo hướng dẫn của các ngành chức năng nhằm bảo đảm dịch bệnh không lây đến đàn heo của gia đình” .

Đối với người tiêu dùng, thông tin dịch bệnh tả heo châu Phi xuất hiện tại nước ta cũng khiến nhiều người e ngại. Bà Trần Lan Anh, ở phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một, chia sẻ: “Bình thường tôi thường mua thịt ngoài chợ về chế biến cho bữa ăn gia đình. Mấy ngày nay, thấy trên tivi đưa tin dịch bệnh này nên tôi cũng rất đắn đó khi mua thịt heo về dùng” .

Để dịch tả heo châu Phi không ảnh hưởng đến đàn heo trên địa bàn tỉnh, ông Cường cho biết các cơ quan chức năng đang ráo riết thực hiện các biện pháp phòng dịch bệnh; đồng thời cho rằng, người dân không nên quá hoang mang lo lắng vì bệnh dịch tả heo châu Phi chỉ lây lan trên đàn heo, thịt heo nhiễm dịch tả hiện không gây hại trên người. Tuy nhiên, người dân nên mua thịt có nguồn gốc rõ ràng, có giấy kiểm soát giết mổ... để báo đảm sức khỏe bản thân và gia đình.

Ông Cường cũng khuyến cáo các hộ chăn nuôi, bệnh dịch tả heo châu Phi có thể lây lan gián tiếp thông qua thức ăn thừa dùng để chăn nuôi, lây qua phương tiện, dụng cụ chăn nuôi, quần áo có chứa chất mang vi rút. Vì vậy, các hộ chăn nuôi không nên cho heo ăn thức ăn thừa, vì vi rút gây bệnh dịch tả heo châu Phi có sức đề kháng cao trong môi trường, có thể tồn tại trong cơ quan bài tiết của heo, tồn tại trong thịt heo và các sản phẩm từ thịt heo như xúc xích, dăm bông. Các cơ sở, hộ chăn nuôi phải thường xuyên thực hiện vệ sinh, phun thuốc sát trùng tiêu diệt các loại mầm bệnh. Khi phát hiện heo bệnh, heo nghi bị bệnh, người chăn nuôi không bán tháo heo bệnh, không giết mổ, không vứt xác heo chết ra môi trường; kịp thời báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc đơn vị chức năng gần nhất. Đối với người dân, không tham gia mua bán, vận chuyển, tiêu thụ bất kỳ con heo bệnh, heo nghi bị bệnh, các loại sản phẩm thịt heo bệnh.

Một điều mà các ngành chức năng đang trăn trở là hiện nay giá heo ở miền Nam đang cao hơn các tỉnh phía Bắc, nên khả năng heo được vận chuyển từ Bắc vào Nam sẽ tăng lên trong những ngày tới. Chính vì chênh lệch giá khá lớn giữa các địa phương dẫn đến tình trạng vận chuyển heo hơi từ các tỉnh phía Bắc vào Nam nhiều hơn, càng làm nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Trước diễn biến phức tạp của bệnh dịch tả heo châu Phi, ngày 20-2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ra Chỉ thị số 04/CT-TTg về việc triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch này. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung các nguồn lực của địa phương để tổ chức xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới; tổ chức xử lý tiêu hủy động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh, chết; tổng vệ sinh, phun thuốc khử trùng, tiêu độc (bằng vôi bột, hóa chất...); kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm theo quy định các trường hợp buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật làm lây lan dịch bệnh...

TIỂU MY

 

Chia sẻ bài viết
Tags
châu Phi

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên