Chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm

Cập nhật: 27-02-2017 | 08:55:01

 Những ngày gần đây, trước thông tin về tình hình dịch cúm gia cầm xảy ra tại một số tỉnh trong cả nước đã gây tâm lý lo lắng cho cả người tiêu dùng và người chăn nuôi. Tại Bình Dương, đến thời điểm này tuy chưa phát hiện trường hợp nhiễm cúm gia cầm nhưng các ngành chức năng cũng đang vào cuộc quyết liệt chủ động phòng ngừa từ xa.

 Giá gà ổn định

Ghi nhận tại Siêu thị Co.opmart Bình Dương I (TP. Thủ Dầu Một) cho thấy, giá các sản phẩm gia cầm bán ra thời điểm này không có nhiều biến động. Cụ thể, gà ta thảo mộc giá 128.000 đồng/kg, gà thả vườn 62.000 đồng/kg, vịt 65.000 đồng/kg, trứng gà Ba Huân 14.400 đồng/6 trứng/ hộp… Tại một số chợ trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một, gà Tam Hoàng làm sẵn nguyên con giá 60.000 - 75.000 đồng/kg, gà ta còn sống 110.000 đồng/kg, gà trắng làm sẵn 30.000 - 33.000 đồng/kg.

Khách hàng chọn mua gà làm sẵn tại chợ Thủ Dầu Một.
Ảnh: QUỲNH NHIÊN

Chị Phạm Thị Phương Nga, chủ sạp kinh doanh sản phẩm gia cầm tại chợ Thủ Dầu Một cho biết, tuy sản phẩm thịt gà được bán ra tại quầy đều có dấu kiểm dịch của cơ quan thú y nhưng trước thông tin về dịch cúm gia cầm, số lượng sản phẩm bán ra tại tiệm của chị 2 ngày qua đã có xu hướng giảm. Chị Hương, ở phường Chánh Nghĩa, TP.Thủ Dầu Một chia sẻ, mấy ngày qua nghe thông tin dịch cúm gia cầm bùng phát ở Trung Quốc và xuất hiện tại một số địa phương trong nước chị cũng thấy e ngại, để bảo đảm an toàn sức khỏe cho gia đình chị quyết định chuyển sang mua các món ăn khác.

Ông Cao Xuân Binh, thành viên Tổ kiểm tra vệ sinh thực phẩm, Trạm Thú y TP.Thủ Dầu Một cho biết, nhằm bảo đảm việc mua bán gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh thực hiện theo đúng quy định, ngành thú y đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc mua bán các mặt hàng này. Riêng đối với trạm thú y cơ sở, hàng ngày cán bộ thú y đều tiến hành kiểm tra dấu kiểm dịch đối với các quầy bán sản phẩm gia cầm tại các chợ trên địa bàn, cùng với đó tăng cường kiểm tra vận chuyển và xử lý nghiêm những trường hợp vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm trái phép.

Không chủ quan

Theo kết quả giám sát lưu hành virus cúm gia cầm tại các chợ gia cầm sống của Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO) thực hiện trong năm 2016 tại 32 tỉnh, thành phố trong cả nước cho thấy, tỷ lệ phát hiện virus trên gà đối với cúm A/ H5N6 là 1,89% và A/H5N1 là 0,94%; trên đàn vịt, đối với cúm A/H5N6 là 6,7% và A/H5N1 là 1,63%. Tỷ lệ phát hiện virus cúm trong các mẫu môi trường đối với cúm A/H5N6 là 2,97% và A/ H5N1 là 2,07%. Đây chính là nguồn lây lan virus cúm thông qua các hoạt động mua bán, vận chuyển gia cầm. Ngoài ra, virus cúm A/ H5N6 và A/H5N1 còn tồn lưu trong môi trường, đàn chim hoang dã, chim di trú cũng như việc nhập lậu gia cầm qua biên giới gây nguy cơ phát sinh dịch bệnh. Do vậy, biện pháp ngăn chặn triệt để gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu và tiêu độc, khử trùng để chủ động tiêu diệt virus cúm gia cầm là những biện pháp ưu tiên hiện nay.

Dịch cúm gia cầm đang lànỗi lo lớn của người chăn nuôi gia cầm. Bà Nguyễn Thị Thanh, ở xã Tân Long, huyện Phú Giáo, đang nuôi hơn 200 con gà Đông Tảo cho hay, nhờ chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch và kinh nghiệm chăn nuôi vốn có, hiện tại trang trại chăn nuôi của gia đình bà vẫn được kiểm soát chặt chẽ. Công tác vệ sinh môi trường chăn nuôi được gia đình bà duy trì thường xuyên, đồng thời thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cần thiết. Tuy nhu cầu thịt gà Đông Tảo hiện giảm so với dịp Tết Nguyên đán nhưng giá xuất bán vẫn tương đối ổn định, cụ thể gà thịt thương phẩm giá 300.000 đồng/kg, gà giống trên 1 tuần tuổi giá 80.000 - 100.000 đồng/con.

Theo ông Nguyễn Quang Minh, chủ trang trại gà hơn 7.000 con ở xã An Lập, huyện Dầu Tiếng, thời điểm này dù giá gà có giảm chút ít so với trước tết nhưng vẫn ổn định. Cụ thể, gà trắng được gia đình ông xuất bán đợt gần đây giá 16.000 - 17.000 đồng/kg. Mức giá này giảm so với dịp Tết Nguyên đán, do nhu cầu của thị trường dịp tết tăng cao. Trước tình hình một số tỉnh trong cả nước xảy ra dịch cúm gia cầm, ông Minh cho rằng cũng không quá lo vì gia đình ông đang nuôi gà trại lạnh theo hình thức gia công. Mô hình này tạo ra được môi trường chăn nuôi bảo đảm an toàn dịch bệnh do chuồng trại được cách ly tốt với môi trường tự nhiên bên ngoài.

Nhằm chủ động ngăn chặn dịch bệnh gia súc, gia cầm phát sinh và lây lan, ngăn ngừa bệnh lây truyền cho người, góp phần bảo đảm an toàn thực phẩm, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai Tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng đợt I năm 2017, kéo dài từ 27-2 đến hết 27-3-2017. Ông Trần Phú Cường, Chi cục trưởng cho biết, mục đích của kế hoạch là chủ động ngăn chặn sự phát sinh và lây lan các chủng virus gây bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm bằng biện pháp cắt đứt đường truyền lây của virus trên quần thể gia súc, gia cầm và trong môi trường. Theo đó, đối với những cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh, cần tiến hành phát quang cây cỏ xung quanh chuồng nuôi; tiến hành tiêu độc khử trùng toàn bộ khu chuồng trại, khu vực chăn nuôi và vùng phụ cận định kỳ mỗi tuần một lần; vệ sinh, tiêu độc khử trùng các phương tiện vận chuyển gia súc, gia cầm, thức ăn… trước khi ra vào cơ sở. Đối với các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, trước khi nhập và sau khi động vật được đưa đi giết mổ, toàn bộ khu vực nhốt gia cầm, nơi giết mổ phải được vệ sinh, tiêu độc khử trùng; phương tiện vận chuyển sản phẩm gia cầm phải được vệ sinh, tiêu độc khử trùng khi ra vào khỏi cơ sở giết mổ.

Ngoài ra, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh cũng đề nghị UBND cấp xã trong tỉnh tùy điều kiện cụ thể tổ chức phun thuốc sát trùng hoặc cấp phát thuốc sát trùng cho các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chợ buôn bán động vật sống ở nông thôn, nơi công cộng, khu nhốt giữ động vật… Việc phun khử trùng chỉ được thực hiện khi đã được vệ sinh cơ giới như quét dọn, rửa sạch.

 Người bệnh cúm A/H7N9 có triệu chứng viêm đường hô hấp cấp tiến triển nhanh với các triệu chứng: sốt, ho, khó thở, viêm phổi nặng và suy hô hấp. Hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh này. Để phòng, chống bệnh cúm A/H7N9 ở người, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp: Thường xuyên rửa tay với xà phòng, không sử dụng gia cầm không rõ nguồn gốc. Khi phát hiện có gia cầm chết phải báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn. Nếu có các biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.

 

QUỲNH NHIÊN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên