Chủ động phòng chống dịch cúm gia cầm

Cập nhật: 09-02-2012 | 00:00:00

* Người nuôi heo được hỗ trợ 38.000 đồng/kg heo hơi

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Diệp Kỉnh Tần vừa có Công điện số 04/CĐBNN-TY gửi tất cả các UBND tỉnh, thành trên toàn quốc, về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống dịch  cúm gia cầm (PCDCGC).

Nội dung công điện nêu rõ, từ đầu năm đến nay, dịch cúm GC đã phát sinh tại 4 xã của 4 huyện thuộc các tỉnh Quảng Trị, Thanh Hóa, Sóc Trăng làm 1.683 con GC mắc bệnh và chết (gồm 1.591 con vịt, 92 con gà); số GC buộc phải tiêu hủy là 4.032 con (trong đó 3.610 con vịt, 422 con gà). Ngoài ra, một số địa phương như Nghệ An, Bạc Liêu, Kiên Giang, Thái Nguyên, Hà Nội bắt đầu có hiện tượng GC mắc bệnh, chết nghi do cúm GC. Mặt khác, theo thông báo của Bộ Y tế, trong tháng 1-2012 vừa qua cũng đã có 2 bệnh nhân tại Kiên Giang và Sóc Trăng bị nhiễm vi rút cúm GC và tử vong.

 Cán bộ thú y tỉnh tịch thu, tiêu hủy gia cầm chưa qua kiểm dịch bày bán tại các điểm đông dân cư

Trước diễn biến ngày càng phức tạp của dịch cúm GC, kết hợp với điều kiện thời tiết bất lợi, các hoạt động vận chuyển, giết mổ GC và di chuyển của người dân trong dịp Tết Nguyên đán tăng cao, nhiều địa phương chưa có vắc-xin phù hợp để tiêm phòng cho đàn GC... Bộ NN-PTNT nhận định sẽ có một đợt bùng phát dịch mới trên phạm vi rộng. Để chủ động dập tắt các ổ dịch hiện nay, hạn chế tới mức thấp nhất các ổ dịch phát sinh và ngăn ngừa dịch lây lan rộng tại các địa phương khác, bảo vệ sức khỏe nhân dân và ổn định sản xuất, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT - Trưởng ban chỉ đạo quốc gia PCDCGC đề nghị các bộ, ngành thành viên Ban chỉ đạo Quốc gia PCDCGC, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện cấp bách một số nội dung nhằm chủ động PCDCGC...

Thực hiện công điện của Bộ NN-PTNT, Chi cục Thú y Bình Dương đã tăng cường thực hiện các biện pháp nhằm chủ động phòng chống dịch. Ông Tạ Trọng Khang - Chi cục phó Chi cục Thú y Bình Dương, cho biết chi cục đã thông báo cho mạng lưới thú y cơ sở thực hiện khảo sát lại tình hình dịch đàn GC của các địa phương để có báo cáo chính xác về chi cục; Trạm Thú y các huyện chuẩn bị tốt vật tư, nhân lực cho công tác tiêm phòng trong thời gian tới; rà soát lại tình hình chăn nuôi tại các trại chăn nuôi và yêu cầu các chủ trại chăn nuôi phải đăng ký vắc-xin phòng cúm GC với chi cục. Song song đó, Chi cục Thú y tỉnh cũng đã có kế hoạch lấy mẫu huyết thanh cúm GC tại một số địa phương; giám sát lại các ổ dịch cũ; tăng cường hoạt động của các chốt kiểm dịch cũng như đẩy mạnh tuyên truyền cho các hộ chăn nuôi GC nhỏ lẻ nâng cao cảnh giác với loại dịch bệnh này. 

* Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Nam vừa ký Quyết định số 62/QĐ-UBND về việc ban hành định mức kinh phí hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh gia súc (GS), GC trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đối tượng được hưởng hỗ trợ trong quyết định này bao gồm các chủ chăn nuôi có GS, GC phải tiêu hủy bắt buộc do mắc dịch bệnh hoặc trong vùng có dịch bắt buộc phải tiêu hủy để tránh lây lan; cán bộ thú y và những người trực tiếp tham gia nhiệm vụ phòng, chống dịch để thực hiện tiêu hủy GS, GC (kể cả GS, GC, sản phẩm GS, GC do các lực lượng phòng, chống buôn lậu, trạm kiểm dịch động vật bắt buộc phải tiêu hủy).

Đối với GS, hỗ trợ cho các chủ chăn nuôi có GS phải tiêu hủy với mức tương đương 70% giá trị GS, GC thương phẩm của người sản xuất bán trên thị trường. Cụ thể, hỗ trợ 38.000 đồng/kg hơi đối với heo; hỗ trợ 45.000 đồng/kg đối với trâu, bò, dê, cừu, hươu, nai. Đối với GC, sản phẩm GC bị tiêu hủy tùy theo từng loại mà có mức hỗ trợ từ 1.500 đồng đến 35.000 đồng. Hỗ trợ cho người trực tiếp tham gia tiêm phòng vắc-xin với mức bình quân cho một lần tiêm: 2.000 đồng/con heo; 4.000 đồng/con trâu, bò; 200 đồng/con GC. Trường hợp mức bồi dưỡng

theo lần tiêm dưới 100.000 đồng/người/ngày thì được thanh toán bằng mức 100.000 đồng/người/ngày. Hỗ trợ cho cán bộ thú y và những người trực tiếp tham gia nhiệm vụ phòng, chống dịch để thực hiện tiêu hủy GS, GC; phun hóa chất khử trùng tiêu độc và phục vụ tại các chốt kiểm dịch. Mức chi tối đa 100.000 đồng/người/ngày đối với ngày làm việc và 200.000 đồng/người/ngày đối với ngày nghỉ, ngày lễ...

Đ.BÌNH - N.CAO

Nội dung công điện của Bộ NN-PTNT về bệnh cúm gia cầm

1. UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo kiện toàn Ban chỉ đạo PCDCGC các cấp; thực hiện chế độ họp giao ban định kỳ; giao trách nhiệm cụ thể cho các thành viên trong việc triển khai các biện pháp đồng bộ PCDCGC. Chỉ đạo các cơ quan thú y địa phương phân công lãnh đạo, cán bộ trực chống dịch trong các ngày nghỉ cuối tuần, công khai số điện thoại liên hệ để tiếp nhận thông tin dịch. Thành lập các đoàn đi kiểm tra, đôn đốc công tác PCDCGC tại các địa bàn có nguy cơ cao. Chỉ đạo Sở NN-PTNT, Sở Y tế xây dựng kế hoạch PCDCGC của địa phương bao gồm cả kế hoạch kinh phí, nhân lực và vật tư phòng chống dịch.

Chỉ đạo hệ thống thú y địa phương phối hợp với cơ quan y tế, chính quyền cơ sở và các tổ chức đoàn thể của địa phương tăng cường công tác giám sát đến tận trại, hộ chăn nuôi GC, tổ chức quản lý đàn vịt chạy đồng, lò ấp, cơ sở kinh doanh, chợ buôn bán, giết mổ GC trên địa bàn nhằm phát hiện nhanh các trường hợp GC mắc bệnh, chết nghi do cúm GC để xử lý kịp thời. Tổ chức ngay việc tiêm phòng bổ sung cho những đàn GC hết miễn dịch, đàn nuôi mới trên các địa bàn thuộc chương trình tiêm phòng cúm GC. Chỉ đạo chính quyền cơ sở tổ chức lực lượng thường trực, bố trí sẵn sàng nhân lực, vật tư, kinh phí để chủ động ứng phó khi có dịch, không để dịch lây lan ra diện rộng. Riêng các địa bàn có ổ dịch cúm, phải tổ chức quản lý chặt ổ dịch, không để người dân bán chạy GC làm lây lan dịch, đồng thời không cho phép di chuyển đàn vịt chạy đồng ra khỏi địa bàn.

2. Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí từ Trung ương tới địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ cho công tác phòng chống dịch. Nội dung tuyên truyền cần nhấn mạnh các nội dung sau: Tuyên truyền người dân không ăn GC mắc bệnh, không ăn tiết canh GC và các sản phẩm GC chưa nấu chín, khi tiếp xúc với GC phải có bảo hộ cá nhân, rửa tay bằng nước sạch và xà phòng sau khi tiếp xúc, chế biến GC. Tuyên truyền, vận động người chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển, giết mổ GC, sản phẩm GC cảnh giác với dịch cúm GC, tích cực thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, chủ động khai báo khi phát hiện GC có biểu hiện nghi mắc bệnh cúm. Thường xuyên tổ chức vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi, cơ sở giết mổ GC tập trung, khu vực buôn bán GC và sản phẩm GC, vùng có nguy cơ cao.

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên