Chủ động thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống thiên tai mùa mưa bão

Cập nhật: 26-05-2018 | 10:53:45

Để chủ động phòng, chống và ứng phó với mọi tình huống, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, ngay trước mùa mưa bão năm nay, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh đã yêu cầu các địa phương và các đơn vị quản lý công trình tổ chức kiểm tra các công trình thủy lợi trước, trong và sau mùa mưa lũ nhằm kịp thời phát hiện hư hỏng, đề xuất giải pháp xử lý để bảo đảm hiệu quả công trình.

Bảo đảm an toàn công trình thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa

Hệ thống công trình thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa được đưa vào quản lý vận hành khai thác đến nay đã được hơn 30 năm. Công trình đã phát huy hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giảm lũ cho hạ du. Kết quả kiểm định an toàn đập hồ Dầu Tiếng trước mùa mưa lũ năm 2018 vừa qua cho thấy, toàn bộ công trình đầu mối gồm đập chính, đập phụ, tràn xả lũ, cống dẫn dòng, cống lấy nước số 1, số 2 và số 3 ổn định, hoạt động bình thường. Tuy nhiên, phần đập chính, lớp đất trồng cỏ bảo vệ mái đập bị xói mòn do mưa làm cỏ chết; đá xây rãnh tiêu, thoát nước mặt một số đoạn bị bong tróc và sụt lún; phần kênh dẫn Phước Hòa - Dầu Tiếng có chiều dài 40,4km, ở mặt đường bờ kênh tại một số vị trí xuất hiện nhiều “ổ gà” gây ứ đọng nước do xe cơ giới đi lại thường xuyên...

Kênh thoát nước Bình Hòa (TX.Thuận An). Ảnh: Q.NHIÊN

Ông Mai Hùng Dũng (bên phải), Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, khảo sát thực địa kênh thoát nước Bình Hòa (TX.Thuận An). Ảnh: QUỲNH NHIÊN

Trong thời gian tới, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa sẽ tiến hành làm mới nhà bảo vệ, nhà bán vé cổng chính, bổ sung phần đất trồng cỏ bảo vệ mái hạ lưu bảo đảm mặt cắt thiết kế. Công ty cũng sửa chữa lại rãnh tiêu, thoát nước mặt một số đoạn bị bong tróc; sửa chữa mặt bờ kênh một số đoạn ổ gà, ứ đọng nước… Ông Bùi Xuân Đại, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa, cho biết để bảo đảm an toàn tuyệt đối công trình trong mùa mưa lũ năm 2018, tới đây lãnh đạo công ty sẽ tiếp tục phối hợp với Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ cập nhật tình hình khí tượng thủy văn để xây dựng kế hoạch vận hành hồ trong mùa mưa lũ; tiếp tục rà soát, kiểm tra, theo dõi, đánh giá, sửa chữa kịp thời các hạng mục công trình đã được lên kế hoạch sửa chữa. Công ty cũng sẽ xây dựng phương án phòng lũ bảo đảm an toàn công trình và vùng hạ du theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ) để chuẩn bị sẵn sàng ứng phó trong mọi tình huống thiên tai có thể xảy ra trong mùa mưa lũ năm nay.

Thực hiện tốt phương án phòng, chống thiên tai

Để bảo đảm an toàn công trình hồ, đập chứa nước do tỉnh quản lý, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã phối hợp tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng toàn bộ các công trình thủy lợi trên địa bàn. Việc thanh tra, kiểm tra này nhằm giúp các chủ hồ đập thực hiện tốt phương án phòng, chống bão lũ, bảo đảm an toàn cho các hồ, đập, tính mạng người dân và các công trình cơ sở hạ tầng nằm dưới lưu vực các công trình.

Qua kiểm tra cho thấy, hệ thống thủy lợi hồ Cần Nôm, hồ Suối Giai, hồ Từ Vân I, II hoạt động bình thường. Tuy nhiên, tại hồ Từ Vân I, trong các đợt xả điều tiết năm 2017 phần đuôi tràn đã bị bong tróc rọ đá gia cố đáy với kích thước dài 15m; bờ trái đuôi tràn bị sạt lở hàm ếch một số đoạn. Khắc phục sự cố này, Trung tâm Đầu tư, khai thác thủy lợi và nước sạch nông thôn đã lập hồ sơ sửa chữa trình cấp có thẩm quyền thẩm định. Tại hệ thống kênh tiêu nước Bình Hòa, lượng nước tập trung về kênh lớn hơn thiết kế, kênh bị quá tải nên thường xuyên bị tràn khi mưa lớn; một số đoạn bờ kênh bị xuống cấp, nhiều “ổ gà” gây khó khăn trong công tác kiểm tra, quản lý công trình và đi lại của người dân trong khu vực. Trung tâm Đầu tư, khai thác thủy lợi và nước sạch nông thôn đang lập hồ sơ sửa chữa tạm thời nhằm hạn chế hư hỏng trong thời gian chờ Ban quản lý dự án ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn thực hiện dự án sửa chữa và nâng cấp kênh thoát nước Bình Hòa.

Đối với hệ thống đê bao An Sơn - Lái Thiêu, Tân An - Chánh Mỹ, An Tây - Phú An, hiện vẫn hoạt động bình thường, phát huy tốt khả năng ngăn triều, chống ngập úng cho khu vực. Tuy nhiên, tuyến đê bao An Sơn - Lái Thiêu mặt đê bao lồi lõm, nhiều đoạn bị lún thấp, hình thành “ổ gà” đọng nước khi trời mưa, gây khó khăn cho việc đi lại của người dân ở một số khu vực.

Khắc phục những vấn đề nói trên, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh yêu cầu các địa phương và đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi khẩn trương sửa chữa các hư hỏng của công trình được phân cấp quản lý; thường xuyên kiểm tra, xử lý kịp thời các vi phạm, không để xảy ra lấn chiếm hành lan bảo vệ công trình; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra những vị trí xung yếu của công trình nhằm phát hiện, sửa chữa kịp thời các hư hỏng. Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy cũng yêu cầu UBND TX.Tân Uyên, UBND huyện Bắc Tân Uyên chỉ đạo trạm thủy nông sử dụng hệ thống pa lăng đã được trang bị tại các trạm bơm để nâng máy bơm trong mùa mưa lũ phục vụ chống ngập nước, hạn chế hư hỏng động cơ máy bơm.

Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, yêu cầu ban chỉ huy các cấp cần tập trung rà soát, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, triển khai các công trình tiêu thoát nước trọng điểm; thực hiện thu, quản lý, sử dụng hiệu quả Quỹ phòng, chống thiên tai theo đúng quy định; tham mưu UBND tỉnh mua sắm trang thiết bị, vật tư cần thiết và sử dụng hiệu quả phục vụ công tác PCTT&TKCN. Ông cũng yêu cầu ban chỉ huy các cấp tổ chức tập huấn, diễn tập nâng cao nhận thức và năng lực hoạt động của lực lượng phòng chống thiên tai tại chỗ...

 Từ đầu năm đến nay, thiên tai xảy ra trên địa bàn tỉnh đã gây nhiều thiệt hại, tính đến ngày 18-5 có 2 người chết, 3 người bị thương, sập 1 nhà tạm, 10 căn nhà và 32 phòng trọ bị tốc mái, 345 nhà bị ngập. Về giao thông, thủy lợi, thiên tai đã làm bể 3m bờ rạch, 3m bờ bao, gây ngập 1.180m đường giao thông. Tổng thiệt hại về tài sản khoảng 412 triệu đồng.

Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn Bình Dương, đầu năm 2018, bão đã xuất hiện trên biển Đông; trong thời gian tới tình hình thời tiết, thủy văn còn diễn biến phức tạp. Các địa phương, trong đó có Bình Dương, cần chủ động phòng tránh nhằm giảm thiểu thiệt hại do các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa to trong thời gian ngắn, dông mạnh kèm theo tố, lốc, sét và mưa đá, bão lũ, triều cường gây ra.

 

QUỲNH NHIÊN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên