Chủ động triển khai an toàn phòng, chống cháy nổ

Cập nhật: 27-04-2019 | 10:38:41

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh liên tiếp xảy ra nhiều vụ hỏa hoạn tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhà dân… Qua đó cho thấy tình hình cháy, nổ đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường.

Doanh nghiệp cần chấp hành nghiêm

Theo cơ quan Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) tỉnh, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh chấp hành nghiêm về quy định an toàn cháy nổ thì vẫn còn một số doanh nghiệp lại chưa thực sự quan tâm và thực hiện nghiêm các biện pháp PCCC nên vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ gây cháy, nổ cao. Một số hạn chế trong công tác PCCC mà các doanh nghiệp thường gặp đó là bố trí, sắp xếp tài sản, vật liệu trong nhà kho, nhà xưởng không bảo đảm an toàn. Cụ thể, nhiều nơi còn để hàng hóa gần nơi có nguồn nhiệt. Hàng hóa sắp xếp không gọn gàng, cản trở lối thoát nạn, cản trở phương tiện chữa cháy. Hệ thống điện đấu mắc, sử dụng không an toàn, rất dễ gây sự cố chập cháy, nhất là tại những công trình xây dựng lâu năm.

Vụ cháy tại Công ty Pan Pacific, Khu Công nghiệp Sóng thần 2, TX.Dĩ An, Bình Dương

Hiện nay, thời tiết khu vực Đông Nam bộ và Bình Dương đang vào kỳ nắng nóng cao, nguy cơ cháy nổ cao nhất là ở một số khu công nghiệp, cụm công nghiệp nhiều nhà máy, xí nghiệp sản xuất giày da, bao bì, chế biến gỗ, thức ăn gia súc, dệt nhuộm... có chứa nhiều nguyên liệu, vật liệu, hóa chất dễ cháy, nổ. Qua tìm hiểu của chúng tôi, phần lớn các vụ cháy gần đây xảy ra ở các cơ sở sản xuất là do tình trạng bị chập thiết bị điện, các cơ sở bị cháy đều sản xuất, kinh doanh các vật liệu dễ cháy như: gỗ, mút xốp, sơn, bao bì, hạt nhựa... Và thực tế khi các vụ cháy xảy ra, tài sản của doanh nghiệp và người dân đều khó có thể cứu vãn. Bên cạnh đó, các vụ cháy còn đe dọa tính mạng và tài sản của hàng ngàn doanh nghiệp, nhà dân lân cận. Mới đây, chiều 23-4-2019, vụ cháy nghiêm trọng đã xảy ra tại một kho chứa thành phẩm của Công ty TNHH White Feathers International, nằm trên đường NA7, Khu công nghiệp Mỹ Phước 2 (phường Mỹ Phước, TX.Bến Cát, Bình Dương). Thông tin ban đầu, đây là công ty có vốn đầu tư của Malaysia chuyên sản xuất ghế nệm sofa xuất khẩu, do khu vực bên trong nhà xưởng chứa nhiều vật liệu dễ cháy nên bắt lửa và bùng phát dữ dội.

Theo ông Nguyễn Văn Dành, Giám đốc Sở Công thương Bình Dương, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh phải chủ động triển khai các biện pháp phòng chống cháy, nổ nhằm hạn chế tối đa các vụ cháy, nổ và giảm thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do cháy, nổ gây ra. Đồng thời, ông Dành cũng đề nghị lãnh đạo doanh nghiệp tiếp tục tăng cường tuyên truyền công tác PCCC đến người lao động của đơn vị, tăng cường công tác tự kiểm tra, duy tu, bảo dưỡng các thiết bị PCCC, có cơ chế phối hợp với các đơn vị liên quan nhằm phòng ngừa các nguy cơ cháy nổ. Đặc biệt đối với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất với chất liệu “nhạy cảm”, nhiều máy móc, thiết bị tiêu thụ điện công suất lớn…, công tác bảo đảm an toàn về PCCC, thoát hiểm, thoát nạn cần được lãnh đạo các doanh nghiệp quan tâm, chỉ đạo sâu sát. Thời gian tới, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cần tập trung thực hiện nghiêm túc công tác PCCC, trong đó lắp đặt hoàn chỉnh các thiết bị PCCC, hệ thống cảnh báo cháy, thành lập đội PCCC tại cơ sở và phối hợp với các ngành chức năng xây dựng phương án PCCC cụ thể theo đúng quy định, nhằm phòng ngừa, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản của doanh nghiệp và người lao động khi có hỏa hoạn xảy ra. Các doanh nghiệp phải phối hợp với đơn vị chức năng kiểm tra hệ thống nhà xưởng; hệ thống an toàn điện theo quy định.

Tăng cường công tác PCCC tại các chợ, khu trọ

Công tác bảo đảm an toàn PCCC tại các khu nhà trọ, các chợ tuy không còn là chủ đề mới, song luôn dành được sự quan tâm của dư luận, người dân và cơ quan Cảnh sát PCCC. Tại các khu nhà trọ và các chợ truyền thống, nguy cơ cháy nổ rất cao nhưng các tiểu thương, chủ trọ và cả người thuê trọ chưa ý thức được công tác an toàn cháy nổ. Nhìn lại các chợ, nhất là chợ truyền thống mới thấy nhiều nơi đầy nguy cơ tiềm ẩn, trở thành con mồi của “bà hỏa”...

Thời gian qua, trên cả nước đã xảy ra nhiều vụ cháy chợ truyền thống gây thiệt hại lớn về tài sản và ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự xã hội. Trao đổi với chúng tôi, nhiều tiểu thương khu vực chợ Thủ Dầu Một đều thừa nhận hàng hóa nhiều và việc buôn bán quá bận rộn nên có lúc lơ là, sơ suất trong PCCC. Các tiểu thương chưa ý thức được nguy cơ cháy, nổ từ những điều ít ngờ tới như việc bố trí hàng hóa che khuất ổ điện, đè lên dây điện, đốt nhang... mà họ vẫn thực hiện hàng ngày. Ngoài ra, bà con tiểu thương ở nhiều chợ thường dùng loại cửa tôn cuốn che kín toàn bộ quầy sạp vào ban đêm khi nghỉ kinh doanh. Thực trạng này rất nguy hiểm, vì nếu xảy ra cháy bên trong, việc phát hiện kịp thời lúc mới xảy ra cháy là rất khó cho ban quản lý cũng như bảo vệ chợ. Đến khi đám cháy bùng phát lớn thì các quầy sạp được che kín bằng cửa tôn cuốn này cũng là những lá chắn đối với các vòi nước chữa cháy.

Điều đáng báo động trước thực trạng nguy hiểm tại các chợ là các lối thoát hiểm vừa thiếu lại vừa bị che chắn hoặc bị tận dụng vào việc buôn bán. Trong khi đó, đa số tiểu thương lại không quan tâm đến việc cần bỏ ra một khoản phí nhỏ để mua bảo hiểm cho chính tài sản của mình. Lý do mà các tiểu thương đưa ra là cả chợ không ai mua thì mình mua làm gì? Họ cũng chủ quan rằng, dễ gì chợ đã cháy mà phải mua bảo hiểm cho tốn tiền.

Ngoài ra, theo nhận định cơ quan chức năng, nguy cơ cháy, nổ trong mùa nắng nóng từ hàng ngàn khu nhà trọ trên địa bàn tỉnh, đặc biệt tại các khu đô thị đều có diện tích chật hẹp, chỉ có một lối thoát nạn, nguồn điện không bảo đảm an toàn, thường sử dụng bếp gas mini để nấu ăn khiến nguy cơ cháy, nổ luôn rình rập. Đối với nhà trọ, hộ gia đình kết hợp vừa sản xuất, kinh doanh tập trung kiểm tra an toàn PCCC đối với nơi đun nấu, thờ cúng, nơi có sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt, hệ thống điện, thiết bị sử dụng điện. Việc kiểm tra nhằm bảo đảm an toàn PCCC tại các kho hàng hóa, vật tư dễ cháy của các hộ gia đình vừa ở, vừa sản xuất, kinh doanh. Qua kiểm tra cho thấy việc sử dụng các nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt như sử dụng lửa, hút thuốc, nấu ăn, đốt nhang, đốt vàng mã, hàn cắt kim loại… chưa được chú ý về điều kiện an toàn PCCC. Đây chính là yếu tố dẫn đến các sự cố cháy, nổ khi con người bất cẩn trong quá trình sử dụng.

Ông Nguyễn Văn Dành cho biết: “Để khắc phục vấn đề này, trước hết phải tiếp tục nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm cho mọi người dân, người đứng đầu cơ sở; các cơ quan chức năng cần vào cuộc nâng cao nhận thức trách nhiệm, ý thức chấp hành pháp luật và hiểu biết về PCCC cho người dân. Thứ hai, các địa phương tiếp tục siết chặt công tác quản lý nhà nước về PCCC nói chung cũng như các yêu cầu liên quan nói riêng. Với các chợ, khu trọ không bảo đảm công tác phòng chống cháy nổ hoặc vi phạm nghiêm trọng công tác quản lý PCCC, đề nghị địa phương phối hợp với ngành chức năng có biện pháp xử lý mạnh theo quy định của pháp luật” .

TIỂU MY

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên