Chủ động trong phòng, chống dịch bệnh…

Cập nhật: 11-06-2019 | 08:56:11

Bệnh dịch tả heo châu Phi đang có chiều hướng lây lan ở phạm vi rộng. Dù đã có sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị nhưng đến nay bệnh dịch đã lây lan ở 55/63 tỉnh, thành trong cả nước. Số lượng tiêu hủy heo bị nhiễm bệnh đến nay khoảng 2,3 triệu con, chiếm hơn 5% tổng đàn heo. Nếu không làm tốt công tác phòng, chống thì bệnh dịch tả heo châu Phi sẽ tiếp tục lây lan, có thể “phủ kín” địa bàn các tỉnh, thành trong cả nước, thậm chí những nơi hết bệnh dịch vẫn có khả năng tái diễn.

 Ở Bình Dương, đến nay đã xảy ra bệnh dịch tả heo châu Phi ở 28 hộ/trại chăn nuôi tại 9 xã, phường, thị trấn ở 4 huyện, thị trong tỉnh với tổng số heo chết và buộc phải tiêu hủy là gần 3.500 con. Theo ngành chức năng của tỉnh, khả năng phát tán, lây lan bệnh dịch tả heo châu Phi trên diện rộng trong thời gian tới là rất cao, nhất là đối với các cơ sở chăn nuôi không bảo đảm an toàn sinh học và nếu không quan tâm và đề cao công tác phòng, chống.

Quan tâm đối với các cơ sở, hộ gia đình chăn nuôi heo bị thiệt hại do bệnh dịch tả heo châu Phi, UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt mức hỗ trợ. Theo đó, theo mức thiệt hại thực tế, tỉnh hỗ trợ phù hợp với thực tế. Cụ thể: Heo con theo mẹ (dưới 7kg): 300.000 đồng/con; heo con cai sữa đến dưới 2 tháng tuổi: 500.000 đồng/con; heo thịt từ 2 đến dưới 3 tháng tuổi: 1.000.000 đồng/con; heo thịt từ 2 đến dưới 3 tháng tuổi: 1.400.000 đồng/ con; heo thịt từ 3 đến dưới 4 tháng tuổi: 2.000.000 đồng/con; heo thịt, heo giống hậu bị từ 4 tháng tuổi: 3.000.000 đồng/con; heo nái, heo đực giống đang khai thác: 4.500.000 đồng/con. Đồng thời, tỉnh cũng quy định mức hỗ trợ cho người không hưởng lương từ ngân sách Nhà nước trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tiêu hủy…

Kể từ khi phát hiện dịch bệnh tới nay, việc các địa phương đã chủ động, quyết liệt phòng, chống để dập dịch và xử lý ngăn chặn đà lây lan cùng với việc chủ động đề ra mức hỗ trợ kịp thời cho các hộ dân có heo bị tiêu hủy và chi phí cho tiêu hủy cũng là một trong những giải pháp để ngăn chặn đà lây lan của bệnh dịch. Trong thời gian tới, chủ trương phòng, chống dịch tả heo châu Phi cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, trong đó tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu với phương châm phòng là chính, cơ sở là chính, người dân là chính. Các cơ sở, địa phương không đợi có dịch rồi mới chống.

Riêng về phía người tiêu dùng, phải ý thức là không quay lưng lại với thịt heo sạch, thịt heo không nhiễm bệnh. Song song đó, phải có biện pháp phát triển các loại thực phẩm khác để bảo đảm cung cấp cho thị trường thực phẩm, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho ngành nông nghiệp, cho người tiêu dùng trong thời điểm hiện tại là rất cần thiết…

NHẬT HUY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên