Chủ động ứng phó với xâm nhập mặn

Cập nhật: 23-04-2016 | 09:08:46

Theo nhận định của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, hiện tượng El Nino tiếp tục ảnh hưởng đến thời tiết, khí hậu cả nước. Do vậy, tình trạng hạn hán, thiếu nước sẽ xảy ra gay gắt và kéo dài đến vụ Hè - Thu 2016. Bình Dương ít chịu ảnh hưởng của hạn hán so với các tỉnh, thành khác trong cả nước, tuy nhiên hiện tượng xâm nhập mặn trên sông Sài Gòn cũng đã xảy ra, ít nhiều ảnh hưởng đến các vườn cây ăn trái dọc con sông này.

 Do ảnh hưởng của thời tiết và hiện tượng xâm nhập mặn, ông Nguyễn Văn Dội (phường Hưng Định, TX.Thuận An) đang lo năm nay thất thu mùa măng cụt Ảnh: QUỲNH NHIÊN

 Nguy cơ mất mùa măng cụt

TX.Thuận An nằm dọc theo sông Sài Gòn, hiện có hơn 1.100 ha cây ăn trái đặc sản với 6 loại cây gồm sầu riêng, măng cụt, bòn bon, mít tố nữ, dâu và chôm chôm. Hiện tượng El Nino khiến thời tiết nắng nóng bất thường đã ảnh hưởng đến năng suất của các loại cây trồng này; trong đó bị ảnh hưởng nặng nề nhất là cây măng cụt. Nếu trong những năm trước mỗi ha măng cụt cho năng suất trên 320kg/ năm, thì dự báo năm nay sản lượng măng cụt sẽ giảm mạnh.

 Trung tâm Khí tượng Thủy văn tỉnh Bình Dương khuyến cáo nông dân cần theo dõi các dự báo tình hình khí tượng thủy văn, cập nhật thường xuyên độ mặn trên sông Sài Gòn để kịp thời ứng phó với diễn biến nguồn nước và xâm nhập mặn nhằm bảo vệ cây trồng.

Dẫn chúng tôi xem vườn măng cụt của mình, ông Nguyễn Văn Dội, ở phường Hưng Định, TX.Thuận An, nói: “Mùa này chắc không thu được gì, vì cây măng cứ ra hoa rồi rụng, tỷ lệ đậu trái cũng rất thấp, lại xuất hiện hiện tượng cháy lá. Mấy chục năm chuyên canh cây ăn trái nhưng chưa bao giờ tôi gặp tình trạng xâm nhập mặn sớm như năm nay”. Ông Dội cho biết thêm hiện mực nước ngoài hệ thống kênh rạch thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái khoảng 20 - 30cm. Những ngày qua, ông phải tranh thủ khui bọng dẫn nước ngọt vào đầy mương để dự trữ lại và thường xuyên kiểm tra nắp bọng trong, ngoài vườn để tránh thất thoát nước.

Ông Phạm Quốc Việt, Chủ tịch Hội Nông dân phường An Thạnh, cho biết do ảnh hưởng của El Nino nên năm nay vườn trái cây của nông dân trong phường, nhất là măng cụt, bị mất mùa nặng. Vào tháng 2 đến tháng 3 hàng năm là giai đoạn cây ra hoa, nhưng năm nay do thời tiết nắng nóng cũng như ảnh hưởng của hiện tượng xâm nhập mặn trên sông Sài Gòn, hoa măng cụt đã rụng gần hết, tỷ lệ đậu trái còn lại rất thấp. Thời tiết bất lợi khiến năng suất trái cây ở địa phương trong vụ mùa năm nay dự kiến giảm từ 15 - 30% so với vụ trước.

Lãnh đạo Chi cục Thủy lợi tỉnh cho biết do thời tiết khô hạn kéo dài nên tình hình xâm nhập mặn trên sông Sài Gòn và sông Đồng Nai vẫn đang diễn ra. Theo đợt khảo sát gần nhất, vào ngày 12-4 tại Cầu Ngang độ mặn đạt 2,8‰, tại Bà Lụa độ mặn đạt 1,7‰, độ mặn cao nhất tại điểm khảo sát ở Lái Thiêu là 3,2‰. Độ mặn tại thời điểm khảo sát mới nhất đang tăng so với cùng thời điểm tháng trước và đã ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt và một số loại cây trồng chịu mặn kém. Nếu người dân thường xuyên sử dụng nguồn nước trực tiếp từ sông để tưới cho cây ăn trái ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến quá trình ra hoa, kết trái và năng suất của vườn cây. Riêng đối với một số cây trồng mẫn cảm với độ mặn như sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, người dân nên hạn chế tưới nước cho cây khi độ mặn vượt 2%0.

Sử dụng đồng thời các biện pháp

Ông Nguyễn Minh Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), khuyến cáo bà con nông dân nên lưu ý sử dụng tất cả biện pháp giúp cho cây trồng vượt qua giai đoạn này. Cụ thể, cần giữ ẩm ủ gốc cho cây, tỉa cành tạo tán để chống hiện tượng bốc, thoát hơi nước. Tuyệt đối không rải vụ và không xử lý ra hoa trong giai đoạn này. Đối với vùng đất trũng, có khả năng xuất hiện hiện tượng xâm nhập mặn, nông dân cần hạn chế tưới cho cây khi nồng độ mặn vượt 2%0. Bà con cần củng cố hệ thống đê bao trong vườn để tránh nước xâm nhập mặn, đồng thời tiến hành dự trữ nước ngọt trong mương để tưới cho cây; sử dụng các biện pháp tổng hợp để ủ gốc, tưới nước tiết kiệm theo phương pháp nhỏ giọt đối với cây ăn trái…

Theo như dự báo, hạn và mặn năm nay còn kéo dài đến tháng 7, đang tạo ra một áp lực rất lớn cho ngành chức năng, địa phương và người dân. Ngành chức năng khuyến cáo, các địa phương cần chuẩn bị những giải pháp chống hạn mặn thích hợp. Đối với bà con nông dân, nếu nước ngọt đến sớm thì phải lấy nước vào để cung cấp cho vườn cây, cũng như tích trữ lại nước để sử dụng cho thời gian tiếp theo. Những cây thuộc nhóm mẫn cảm với mặn như sầu riêng, đu đủ và bòn bon, nồng độ muối nằm trong khoảng 0,5‰ - 1‰ cây có thể chịu đựng được, nhưng nếu vượt qua ngưỡng này thì cây sẽ bị sốc, phản ứng lại. Riêng cây sầu riêng, trong thời kỳ ra bông, ra trái, người dân cần tỉa bớt lá non, hoa và trái. Người trồng cây ăn trái cũng có thể kết hợp các biện pháp tủ gốc để giữ ẩm cho cây, tủ bằng rơm rạ và xác bã thực vật; cùng với đó tăng cường bón phân kali cho cây, có thể bón phân hữu cơ để giúp đất tơi xốp tăng khả năng rễ hấp thu chất dinh dưỡng…

 QUỲNH NHIÊN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên