Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương Huỳnh Quang Thanh: Giá điện tăng bất ngờ, doanh nghiệp đã khó lại càng khó!

Cập nhật: 22-08-2013 | 00:00:00

Giá điện tăng sẽ ảnh hưởng thế nào đến các doanh nghiệp (DN), đặc biệt là trong bối cảnh các DN vẫn đang gặp phải nhiều khó khăn. Trao đổi với phóng viên Báo Bình Dương, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương Huỳnh Quang Thanh cho biết, việc tăng giá điện bất ngờ đã khiến các DN ngành gỗ bối rối trong hạch toán chi phí đầu vào và tất nhiên sẽ chịu thiệt hại khá lớn khi chi phí đầu vào tăng thêm từ 1 - 1,5%...

- Ông bình luận gì về sự kiện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) quyết định điều chỉnh tăng giá điện thêm 5% vừa qua?

- Tất nhiên, khi EVN quyết định tăng giá điện, họ cũng đưa ra những lý do. Những lý do này đã được dư luận phân tích, đánh giá và bình luận, tôi không nhắc lại nữa. Còn với các DN, cụ thể là các DN chế biến gỗ, giá điện tăng đương nhiên DN sẽ gặp thêm những khó khăn, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới vẫn còn nhiều khó khăn.

Giá điện tăng bất ngờ khiến các doanh nghiệp không kịp “trở tay”. Trong ảnh: Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu tại Công ty Minh Phương

- Ông có thể cho biết DN chế biến gỗ tại Bình Dương sẽ gặp khó khăn thế nào khi giá điện tăng?

- Trước hết, tăng giá điện một cách đột xuất khiến DN phải chấp nhận việc tăng giá một cách thụ động. Trong sản xuất công nghiệp, thông thường hàng hóa sản xuất ra, đơn giao hàng có khối lượng lớn và trong một khoảng thời gian được xác định cụ thể. Các hợp đồng thường được ký kết trong một khoảng thời gian dài. Chính vì vậy giá thỏa thuận các đơn hàng cũng thường có tính ổn định trong khoảng 1 năm. Do vậy, để hạch toán đầu vào, qua đó đưa ra mức giá để ký kết các hợp đồng, DN cần một mức chi phí đầu vào ổn định. Vậy nên, khi có biến động tăng giá điện đột xuất, DN chắc chắn sẽ bị thiệt hại trong các đơn hàng đã ký và lợi nhuận của DN tất nhiên sẽ bị giảm sút. Đó là chưa nói đến những trường hợp trong bối cảnh khó khăn, DN phải ký các hợp đồng ít hoặc lợi nhuận thấp nhằm sản xuất cầm chừng để duy trì hoạt động và giữ các đối tác. Với những DN này, mức độ thiệt hại và khó khăn còn lớn hơn.

- Giá điện tăng, chi phí đầu vào của các DN chế biến gỗ sẽ tăng theo cụ thể như thế nào, thưa ông?

- Giá điện mới theo EVN thông báo sẽ tăng bình quân 5%. Với mức tăng này, chi phí đầu vào của các DN chế biến gỗ sẽ tăng thêm từ 1 - 1,5%. Đây là mức tăng khá cao bởi với các DN ngành gỗ thường sử dụng các thiết bị tiêu hao điện năng lớn trong quá trình sản xuất. Vì vậy, việc tăng thêm chi phí đầu vào tại các DN gỗ do giá điện tăng là điều rất dễ nhận thấy.

- Trong khi các chính sách hỗ trợ DN vượt qua khó khăn đang mang lại tác dụng, nhiều DN, trong đó có DN ngành gỗ cũng đang có dấu hiệu hồi phục tích cực, việc tăng giá điện có làm giảm đi tính hiệu quả của các chính sách hỗ trợ nay không?

- Tôi đánh giá cao những chính sách hỗ trợ DN của Chính phủ trong thời gian vừa qua nhằm giúp DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa tìm cách vượt qua giai đoạn khó khăn. Tuy vậy, ở từng ngành, từng trường hợp cụ thể, đôi khi lại không chú trọng để các chính sách này phát huy tác dụng tốt hơn. Việc tăng giá điện trong bối cảnh hiện nay là một ví dụ. Không những thế, tăng giá điện một cách bất ngờ càng gây khó khăn hơn cho DN. Nếu như giá điện được điều chỉnh tăng vào dịp cuối năm thì DN dễ chấp nhận hơn. Như tôi đã nói, các DN thường có kế hoạch sản xuất, kinh doanh cho cả năm. Cuối năm, DN thường xây dựng kế hoạch. Khi đó, giá điện có tăng, họ cũng sẽ tính toán được chi phí đầu vào chính xác, qua đó đưa ra những đơn giá chào hàng cho các đối tác. Còn việc tăng giá ngay vào dịp giữa năm thế này, DN chắc chắn chỉ còn biết “nhăn” mặt!

- Trên thực tế thông tư điều chính giá điện của Bộ Công Thương vừa ban hành, EVN đã lập tức tuyên bố tăng giá. Ông có thấy “sốc” khi việc tăng giá điện vừa qua?

- Tôi cho rằng cách làm như vậy không thể hiện được sự phối hợp và thống nhất. Hôm trước DN còn nghe Chính phủ yêu cầu lấy ý kiến người dân, DN, hôm sau EVN đã tăng giá điện khiến DN rất phân vân. DN rất ngán ngại sự phối hợp không nhịp nhàng giữa các cơ quan, dẫn đến tính trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, gây khó khăn cho DN.

- Nói gì thì nói, giá điện vẫn cứ tăng. Để giảm thiểu thiệt hại, vượt qua khó khăn, DN cần đối phó như thế nào, thưa ông?

- Để giảm bớt thiệt hại do việc tăng giá điện, các DN buộc phải thực hiện tiết kiệm điện tối đa để giảm chi phí đầu vào. DN phải tìm mọi cách để hạn chế tiêu thụ điện. Chẳng hạn, đối với các DN có các động cơ sử dụng điện lớn chạy liên tục, sẽ phải tính toán gắn thêm các bộ cảm biến để khi có tải, động cơ chạy đúng công suất, khi không có tải, động cơ chạy chậm lại nhằm tiết kiệm điện năng. Các DN cũng sẽ tìm đến sử dụng các loại bóng đèn tiết kiệm điện…

- Xin cám ơn ông!

THÀNH SƠN (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên