Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Trần Văn Em: “Chúng tôi cùng nhau tìm con đường sáng!”

Cập nhật: 28-01-2015 | 09:06:51

Cùng vượt qua nghịch cảnh để hướng tới hòa nhập cộng đồng, tìm một con đường tươi sáng hơn cho bản thân mình chứ không làm gánh nặng cho xã hội. 30 năm qua (29.1.1985 -29.1.2015), họ đã làm được như thế và hôm nay vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng ba, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Ông Trần Văn Em, Chủ tịch Hội Người mù (HNM) Bình Dương đã nói về những cố gắng của họ…

Các tổ chức từ thiện tặng quà cho HV Hội Người mù tỉnh. Ảnh: Q.NHƯ

- Xin ông cho biết quá trình thành lập và phát triển của hội?

- Thực hiện lời dạy “tàn nhưng không phế” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những thương binh, bệnh binh bị mù đã có nguyện vọng thành lập một tổ chức của người mù để sinh hoạt, tiếp tục phấn đấu vươn lên trở thành người có ích cho gia đình và xã hội. Được sự quan tâm, tạo điều kiện của Tỉnh ủy - UBND tỉnh, ngày 29- 1-1985, HNM tỉnh Sông Bé được thành lập (nay là HNM tỉnh Bình Dương). Khi mới thành lập, chỉ có HNM Thủ Dầu Một, Bến Cát và Thuận An với hơn 100 hội viên (HV). Hoạt động của hội gặp muôn vàn khó khăn: không có người sáng giúp hội, cơ sở vật chất, điều kiện phương tiện làm việc thiếu thốn, địa bàn tỉnh Sông Bé thì rộng, đường sá đi lại rất khó khăn, người mù sống phân tán, hầu hết không biết chữ, không có việc làm, đời sống vật chất, văn hóa tinh thần nghèo nàn lạc hậu… Hội đã xây dựng chương trình công tác, phối hợp với các Phòng Lao động - Thương binh & Xã hội điều tra, khảo sát lập danh sách người mù, tích cực phát triển tổ chức, phát triển HV, mở các lớp dạy chữ, dạy nghề, tổ chức mô hình sản xuất tập trung để giải quyết việc làm cho HV và người mù. Đến nay, Bình Dương có 7/9 huyện, thị xã, thành phố có HNM, thành lập 54 chi HNM xã, phường, thị trấn với 708 HV. 2 huyện Bàu Bàng và Bắc Tân Uyên mới chia tách nên chưa thành lập HNM.

- Hội đã làm gì để giúp người mù sống tốt hơn, thưa ông?

- Giáo dục là cơ bản nhất và đó cũng là việc chúng tôi luôn quan tâm để khai sáng cho người mù. Bởi, không có kiến thức, chúng tôi sẽ... mù thêm một lần nữa! Hội rất chú trọng văn hóa và giáo dục. Hội đã mở hàng chục lớp xóa mù chữ Braille (chữ nổi) cho người mù trong tỉnh. Các em có điều kiện tiếp tục học hòa nhập tại trường như học sinh bình thường. Chúng tôi cũng dạy vi tính cho người mù để tiếp cận công nghệ thông tin.

Bên cạnh đó là công tác lao động sản xuất tạo việc làm cho HV. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của hội. Từ năm 1992, hội đã thực hiện chương trình cho người mù vay vốn giải quyết việc làm thí điểm cho 56 người mù vay 50 triệu đồng để phát triển kinh tế gia đình. Từ đó, hàng năm hội đề nghị Trung ương hội hoặc UBND tỉnh phân bổ chỉ tiêu vốn vay để giải quyết việc làm cho người mù. Tính đến nay, hội đã lập 320 dự án giải quyết cho 2.906 lượt HV, người mù và các cơ sở sản xuất, kinh doanh tập trung của hội vay với tổng số tiền xoay vòng gần 14,5 tỷ đồng. 100% HV vay đều sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, hoàn trả vốn lãi cho nhà nước đúng hạn, không có nợ quá hạn, không có vốn tồn đọng tại ngân hàng, được Ngân hàng Chính sách xã hội đánh giá cao.

Một việc nữa là công tác đào tạo nghề, truyền nghề cho người mù cũng được hội rất quan tâm. Hội tranh thủ Hiệp hội sản xuất, kinh doanh của Người tàn tật Việt Nam; tổ chức V-Heart (Nhật Bản) và vận động xã hội hỗ trợ kinh phí trên 200 triệu đồng tổ chức 26 lớp dạy nghề, truyền nghề làm chổi, xoa bóp cho 186 HV. Hội tổ chức và quản lý 1 cơ sở sản xuất chổi, 1 sản xuất kinh doanh tăm tre và 4 cơ sở xoa bóp, 1 tổ sản xuất chổi tàu cau, giải quyết việc làm ổn định cho người mù, tổng doanh thu của các cơ sở đạt gần 28 tỷ đồng trong thời gian qua.

- Và sự hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân thưa ông?

- Đúng rồi, tôi xin được gửi lời cảm ơn chân tình và sâu sắc đến lãnh đạo tỉnh, những người hảo tâm. Chúng tôi có được như hôm nay là nhờ sự quan tâm giúp đỡ của lãnh đạo tỉnh, các ban ngành, đoàn thể và nhiều người tốt trong xã hội. Có 169 nhà tình thương, nhà Đại đoàn kết đã được tặng cho người mù; sửa chữa 40 nhà cho HV và người mù khó khăn về nhà ở với tổng số tiền hơn 2,2 tỷ đồng. HNM tỉnh Bình Dương cơ bản không có người mù khó khăn về nhà ở; HV khó khăn còn được tặng 139 sổ tiết kiệm cho người mù với số tiền hơn 76 triệu đồng.

- Xin cảm ơn ông!

QUỲNH NHƯ (thực hiện) 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên