Chủ tịch Liên minh hợp tác xã Bình Dương Trần Văn Lực: Các HTX chủ động khắc phục khó khăn, nâng cao hiệu quả…

Cập nhật: 10-08-2013 | 00:00:00

Ngày 20-11-2012, tại kỳ họp Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Hợp tác xã (HTX) sửa đổi, bổ sung Luật HTX năm 2003, được Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 3-12-2012 và có hiệu lực từ ngày 1-7-2013. Để tìm hiểu về quá trình triển khai Luật HTX tại Bình Dương, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Trần Văn Lực, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Bình Dương.

- Thưa ông, về cơ bản, Luật HTX mới có những điểm nào nổi trội hơn so với luật cũ?

 - Điểm mới của Luật HTX (sửa đổi) là thể chế rõ bản chất của HTX. Trước hết, các thành viên phải có nhu cầu chung và nhu cầu hợp tác; làm rõ sự khác biệt HTX, liên hiệp HTX với doanh nghiệp ở mục tiêu thành lập, quan hệ sở hữu, quan hệ quản lý và quan hệ phân phối trong HTX. Luật HTX mới cũng nói rõ quan hệ giao dịch bắt buộc kinh tế về sản phẩm, dịch vụ, việc làm giữa HTX, Liên hiệp HTX và thành viên trên cơ sở hợp đồng dịch vụ nhằm tránh tình trạng HTX hoạt động theo hình thức công ty mang danh nghĩa HTX để được những ưu đãi của Nhà nước.

Luật cũng quy định rõ sự đóng góp của các thành viên về vốn và sức. Luật quy định, vốn góp tối đa của thành viên là 20% vốn điều lệ của HTX. Luật HTX mới cũng đề cập đến HTX là nhằm giải quyết nhu cầu việc làm của thành viên, tức HTX của những người lao động (NLĐ) trực tiếp. Họ vừa là chủ sở hữu, vừa là NLĐ. Ngoài tiền lương, họ còn có thu nhập từ giá trị dịch vụ thu được từ lãi chia trên vốn góp và các khoản phúc lợi, khen thưởng khác. Đối với chính sách ưu đãi, Luật HTX mới cũng mở rộng phạm vi ưu đãi hỗ trợ gắn với bản chất HTX, mang lại lợi ích cộng đồng, chú trọng thành viên là nông dân, NLĐ. Ngoài chính sách chung của HTX, luật cũng giao cho Chính phủ quy định chi tiết ưu tiên, hỗ trợ đối với HTX nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp như: đầu tư hạ tầng, giao đất, cho thuê đất, ưu đãi về tín dụng, vốn, giống khi gặp khó khăn thiên tai, dịch bệnh…

- Liên minh HTX tỉnh đã triển khai Luật HTX mới chưa, thưa ông?

- Tuy luật có hiệu lực từ ngày 1-7, nhân lực, nguồn kinh phí, tài liệu bố trí cho việc triển khai luật chúng tôi đã sẵn sàng nhưng nghị định hướng dẫn triển khai luật thì chưa có. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đã thực hiện triển khai lớp tập huấn về Luật HTX mới cho chủ nhiệm các HTX. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục mở các lớp tập huấn cho các đoàn thể, hướng dẫn thực hiện Luật HTX; sau đó sẽ làm việc với các huyện, tổ chức các lớp chuyên đề về Luật HTX mới. Chúng tôi cũng đã tổ chức các cuộc điều tra, đánh giá các HTX trên địa bàn tỉnh. Chủ yếu là nắm lại tình hình hoạt động và thực hiện Luật HTX. Nếu các HTX đã thực hiện đúng thì tiếp tục hướng dẫn làm theo trình tự thủ tục, HTX nào thực hiện chưa đúng thì hướng dẫn làm cho đúng. Còn HTX nào vi phạm nặng nề thì chúng tôi vận động chuyển sang hoạt động ở hình thức khác.

- Ông cho biết thêm về tình hình hoạt động của các HTX trên địa bàn tỉnh. Luật HTX mới sẽ có tác động như thế nào đến hoạt động của các HTX ở Bình Dương trong thời gian tới?

- Với tình hình kinh tế chung, hoạt động của các HTX tại Bình Dương có phần chịu ảnh hưởng, hàng bán ra chậm, từ đó doanh thu giảm. Trong 6 tháng đầu năm, doanh thu của các HTX ước đạt 621 tỷ đồng, đạt 40% so với kế hoạch 2013. Cũng có một số HTX ngưng hoạt động hoặc giải thể. Tuy nhiên các HTX đã chủ động tìm cách khắc phục các khó khăn như củng cố lại tổ chức, tìm thêm đầu ra cho sản phẩm, hạn chế chi phí sản xuất, nâng cao giá trị sản xuất.

Với việc triển khai luật mới, chúng tôi hy vọng các HTX ở Bình Dương sẽ có thêm lực để khắc phục khó khăn, tiếp tục phát triển sản xuất. Lợi thế của Bình Dương là hình thức hoạt động của các HTX khá đa dạng. Một lợi thế nữa là Bình Dương có các trang trại nông nghiệp lớn, trong đó phải kể đến một số lượng lớn các trang trại trồng cao su. Nếu các trang trại chịu hợp tác với nhau, thành lập các HTX thì sẽ phát triển mạnh vì họ có vốn và kinh nghiệm sản xuất, từ đó đầu ra của các HTX này sẽ rộng hơn vì tập hợp được các mối quan hệ trên thị trường. Từ đó có sự thống nhất, hạn chế được sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các trang trại. Hiện nay, tại các địa phương như Tân Uyên, Phú Giáo, Dầu Tiếng chúng tôi cũng đang tổ chức vận động thành lập các HTX như trên. Với luật mới, các quy định rộng hơn, các trang trại đã có tiềm lực, nếu tiếp tục nhận được hỗ trợ của Nhà nước thì chắc chắn sẽ phát triển tốt hơn.

Trong 6 tháng đầu năm 2013, Bình Dương đã phát triển thêm 8 HTX; nâng tổng số HTX của Bình Dương hiện nay lên con số 120 với trên 48.000 xã viên, vốn điều lệ trên 600 tỷ đồng. Ngoài ra toàn tỉnh hiện có trên 300 tổ hợp tác hoạt động trong các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, dịch vụ, vần đổi công.

 

CAO SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên