Chủ tịch nước tiếp đoàn Giáo sư đoạt giải Nobel dự "Gặp gỡ Việt Nam"

Cập nhật: 09-07-2016 | 19:14:19

Chủ tịch nước Trần Đại Quang với các giáo sư từng đạt gải Nobel. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)

Chiều 9-7, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có buổi gặp mặt Đoàn các giáo sư đoạt giải Nobel và các nhà khoa học quốc tế tham dự Hội nghị quốc tế “Khoa học cơ bản và xã hội.”

Cùng dự buổi gặp mặt có Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh.

Hội nghị quốc tế “Khoa học cơ bản và xã hội” là một trong những hoạt động lớn nhất của chuỗi các sự kiện trong Chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ XII năm 2016.

Hội thảo do Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định, Bộ Khoa học và Công nghệ và Hội Gặp gỡ Việt Nam... đồng tổ chức; Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) bảo trợ.

Hội nghị quốc tế “Khoa học cơ bản và xã hội” đề xuất những vấn đề liên quan tới khoa học cơ bản và xã hội ở các nước châu Á nói chung, đặc biệt ở các nước đang phát triển xung quanh Việt Nam, với những chủ đề đặc thù của các nước này; tạo cơ hội để các nhà khoa học trao đổi với các nhà hoạch định chính sách và đại diện của khu vực kinh tế tư nhân về tầm quan trọng của khoa học đối với sự phát triển của xã hội.

Hội nghị năm nay quy tụ nhiều nhà khoa học tên tuổi thế giới như: David Gross (Nobel Vật lý 2004); Carlo Rubbia (Nobel Vật lý 1984); Jerome Fiedman (Nobel Vật lý 1990); Kurt Wuthrich (Nobel Hóa học 2002); Finn Kydland (Nobel Kinh tế 2004) và Jean Jouzel (Nobel Hòa bình 2007)…

Hội nghị có các chủ đề chính như Tầm quan trọng của theo đuổi khoa học cơ bản ở các nước mới nổi; chuyên đề khoa học cơ bản và sự phát triển bền vững; nghiên cứu cơ bản và hòa bình; nghiên cứu cơ bản và khí hậu; nghiên cứu cơ bản và sức khỏe; nghiên cứu cơ bản và sự giáo dục cơ bản toàn cầu, kiến thức và công nghệ; chuyên đề nghiên cứu cơ bản, mở cửa đổi mới và hợp tác quốc tế… Các chuyên đề tại hội nghị đều do các giáo sư đoạt giải thưởng Nobel và các nhà khoa học danh tiếng trên thế giới điều hành.

Chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ XII năm 2016 là một trong những hoạt động của Hội Gặp gỡ Việt Nam nhằm tham gia vào chương trình phát triển khoa học và giáo dục quốc gia.

Tại buổi gặp mặt, giáo sư Trần Thanh Vân, một số nhà khoa học quốc tế đã nêu ý kiến gợi mở, đóng góp với Nhà nước Việt Nam về việc tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp phát triển khoa học​-công nghệ, thực sự coi đây là quốc sách hàng đầu.

Phát biểu với các nhà khoa học quốc tế, Chủ tịch nước Trần Đại Quang thông báo, sau 30 năm đổi mới, Việt Nam đã giành được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử: Kinh tế tăng trưởng khá; văn hóa​-xã hội có bước phát triển; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện; chính trị-xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được tăng cường; quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao...

Chủ tịch nước khẳng định, trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn dành cho khoa học​-công nghệ sự quan tâm đặc biệt, là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế-xã hội...

Những thành tựu của Việt Nam thời gian qua có sự đóng góp tích cực của khoa học-công nghệ, trong đó có khoa học cơ bản.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng nêu rõ, trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, khoa học-công nghệ Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng. Khoa học cơ bản của Việt Nam đã đạt được vị trí trong tốp đầu của các nước ASEAN.

Năm 2015, Trung tâm Vật lý quốc tế và Trung tâm quốc tế về đào tạo và nghiên cứu toán học của Việt Nam đã trở thành 2 trong 66 cơ sở nghiên cứu khoa học tự nhiên được UNESCO công nhận và bảo trợ.

Đặc biệt, từ năm 1974 đến nay, các đoàn học sinh thi toán quốc tế Olympic của Việt Nam luôn đạt giải cao và nằm trong số 10 nước đứng đầu thế giới.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá cao và trân trọng cảm ơn những đóng góp đầy tâm huyết từ nhiều năm nay của giáo sư Trần Thanh Vân và phu nhân-giáo sư Lê Kim Ngọc trong việc tổ chức các chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định) để thiết lập mạng lưới kết nối các nhà khoa học quốc tế với cộng đồng các nhà khoa học Việt Nam.

Chủ tịch nước cho rằng, các hội nghị khoa học quốc tế và các chuỗi sự kiện của Chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” là cơ hội để các nhà khoa học Việt Nam trực tiếp trao đổi, học hỏi các nhà khoa học quốc tế, tiếp thu những tri thức mới nhất, thiết lập quan hệ hợp tác lâu dài và ngày càng hội nhập sâu rộng với khoa học thế giới.

Thay mặt Nhà nước Việt Nam, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cảm ơn sự ủng hộ, giúp đỡ của các tổ chức khoa học, các nhà khoa học quốc tế đã dành cho đất nước, nền khoa học của Việt Nam.

Chủ tịch nước nhấn mạnh, sự hợp tác, giúp đỡ của các tổ chức khoa học, các nhà khoa học quốc tế đóng vai trò hết sức quan trọng giúp Việt Nam đạt được những thành tựu trong lĩnh vực khoa học-công nghệ, nhất là trong các lĩnh vực nghiên cứu mới mà Việt Nam còn thiếu nhân lực, kinh nghiệm.

Chủ tịch nước mong muốn và đề nghị các giáo sư, nhà khoa học quốc tế tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đào tạo nhân lực khoa học, kết nối với cộng đồng khoa học trên thế giới; giới thiệu các nhà khoa học quốc tế đến với Việt Nam, cũng như với nền khoa học Việt Nam (Xem toàn văn bài phát biểu của Chủ tịch nước tại đây)./.  

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên