Chữ tình trong hòa giải

Cập nhật: 13-03-2017 | 10:49:54

Xác định công tác hòa giải ở cơ sở là tháo gỡ những vướng mắc của người dân; giải quyết những vụ việc có liên quan đến tranh chấp, khiếu nại, góp phần hàn gắn tình làng nghĩa xóm tại địa phương, thời gian qua, cả hệ thống chính trị xã An Lập, huyện Dầu Tiếng đặc biệt quan tâm đến công tác này.

Củng cố đội ngũ hòa giải viên

An Lập là xã thuần nông, thuộc xã vùng xa của huyện Dầu Tiếng. Phần lớn người dân ở địa phương làm nông nên những vụ việc xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp của người dân ở địa phương này có liên quan đến đất đai. Để làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở, thời gian qua, Đảng ủy, UBND xã An Lập chú trọng đến việc củng cố, xây dựng đội ngũ hòa giải viên ở 7 tổ hòa giải/7 ấp. Để công tác hòa giải đạt hiệu quả cao, ngoài việc bí thư chi bộ, trưởng ban điều hành các ấp tham gia vào công tác hòa giải, Đảng bộ, chính quyền xã An Lập đã vận động những người có uy tín ở địa phương tích cực tham gia vào công tác này.

Một tuyến đường mới hình thành giữa lô cao su, ông Võ Văn Tài (ảnh), Phó Trưởng ban hòa giải xã An Lập, cho biết nhờ việc phân giải thấu tình, đạt lý nên ông Q. đã đồng ý mở đường qua đất mình đang canh tác để giữ vẹn tình làng nghĩa xóm

Ông Võ Văn Tài, Phó Trưởng ban hòa giải xã An Lập cho biết: “Để tháo gỡ những vướng mắc, hàn gắn tình làng nghĩa xóm, ổn định về tình hình an ninh trật tự và giảm việc người dân gửi đơn lên cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết, địa phương đã tăng cường công tác xây dựng đội ngũ hòa giải. Hiện nay, An Lập có 7 tổ hòa giải ở 7 ấp, mỗi tổ có gần 10 tổ viên. Để tổ viên làm đúng theo các quy trình tổ chức hòa giải, cán bộ Phòng Tư pháp huyện Dầu Tiếng thường xuyên tổ chức tập huấn về kiến thức, nghiệp vụ và chia sẻ về kỹ năng hòa giải. Qua những buổi tập huấn này, các tổ viên nắm vững kiến thức để áp dụng vào từng vụ việc xảy ra.

Ông Trần Văn Siêng, Trưởng ban điều hành ấp Hàng Nù, tổ trưởng tổ hòa giải ấp chia sẻ: “Từ những vụ việc hòa giải thành công ở ấp, chúng tôi rút ra được nhiều kinh nghiệm, ngoài những kiến thức về pháp lý, hiểu rõ được bản chất của vấn đề, những người tham gia tổ hòa giải còn tìm hiểu về tính cách của bị đơn và nguyên đơn trong vụ việc. Đối với những vụ việc tranh chấp có tính phức tạp, chúng tôi đã tốn nhiều công sức mới hòa giải thành công. Nếu cho rằng tham gia vào công tác này để hưởng quyền lợi thì tôi cho rằng sẽ không làm được, tất cả chỉ vì giữ tinh thần đoàn kết, găn bó, yêu thương giúp đỡ nhau ở khu dân cư mà thôi”.

Chữ tình trong hòa giải!

Năm 2016, trên địa bàn xã An Lập đã xảy ra 17 vụ việc tranh chấp được người dân gửi đơn đến chính quyền địa phương nhờ can thiệp và Ban hòa giải đã tổ chức hòa giải thành, trong đó chữ tình là yếu tố quyết định để hòa giải thành.

Đơn cử như vụ việc hòa giải mâu thuẫn giữa các con ông Nguyễn Văn T. và ông Nguyễn Văn Q. (cùng ngụ ấp Chót Đồng, xã An Lập) về việc mở đường để vận chuyển nông sản đến nơi tiêu thụ. Giữa năm 2016, Ban hòa giải xã đã tổ chức hòa giải, vận động ông Q. tình nguyện hiến 200m2 đất để mở đường. Sau nhiều lần được thuyết phục, ông Q. đồng ý dành đất mở đường để giữ vẹn tình làng nghĩa xóm.

Tương tự, cuối năm 2016, bà Nguyễn Thị Minh T. (ngụ TX.Dĩ An) cho bà Nguyễn Thị Bích Đ. (ngụ xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng) mượn 8 ha đất nông nghiệp ở ấp Đồng Chót để canh tác. Vì diện tích quá lớn, ngoài khả năng canh tác nên bà Đ. đã hợp tác với ông Nguyễn Thành T. (ngụ xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng) để trồng khoai mì. Theo thỏa thuận ban đầu, sau khi bán khoai mì, trừ mọi chi phí, bà Đ. và ông T. sẽ chia nhau số tiền lãi. Tuy nhiên, sau ngày trồng xong mì, ông T. phó mặc cho bà Đ. chăm sóc. Đến ngày thu hoạch thì ông T. đến nhổ mì đem đi bán thì bị bà Đ. phát hiện. Bất chấp việc bà Đ. can ngăn, ông T. vẫn chở khoai đi bán. Bức xúc, bà Đ. đã làm đơn gửi đến chính quyền xã An Lập nhờ can thiệp. Sau thời gian vào cuộc phân giải, ông T. đã chấp nhận đền bù cho bà Đ. 40 triệu đồng về giá trị tài sản và tiền công chăm sóc khoai mì. Bà Đ. đồng ý.

“Với hai vụ việc này, chúng tôi đều dùng chữ tình để thuyết phục các đương sự liên quan. Sau khi nghe phân giải thiệt, hơn, những người trong cuộc đều vui vẻ thực hiện theo cam kết. Đó chính là niềm vui của những người làm công tác hòa giải như chúng tôi”, ông Võ Văn Tài, Phó Trưởng ban hòa giải xã An Lập nói.

THANH QUANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên