Chú trọng đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số

Cập nhật: 12-11-2015 | 09:30:32

Với mục tiêu sau khi đào tạo, đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) có thể có việc làm ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống, những năm qua, Bình Dương luôn chú trọng công tác tư vấn, đào tạo nghề cho ĐBDTTS. Có công ăn việc làm ổn định, đời sống của ĐBDTTS dần “khởi sắc”, họ đã cùng địa phương xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn an ninh trật tự…

 Anh Lò Văn Phương Bình chăm sóc vườn sứ kiểng của gia đình. Ảnh: T.LÝ

Học nghề để ổn định cuộc sống

Trong căn nhà ông Kim Ngọc Sơn (SN 1958, dân tộc Khmer, khu phố 6, phường Uyên Hưng, TX.Tân Uyên), luôn tràn ngập niềm vui, hạnh phúc khi cuộc sống đầy đủ, ấm no, con cháu học hành thành đạt. Để có được như ngày hôm nay, gia đình ông Sơn đã nỗ lực làm kinh tế, cùng với việc tích cực tham dự các lớp khuyến nông do địa phương tổ chức. Ông Sơn kể lại, trước đây cuộc sống gia đình khá khó khăn. Ông đã vay vốn để cải tạo vườn trồng bưởi da xanh và cao su. Ban đầu do không nắm bắt kỹ thuật, vườn bưởi cho thu hoạch kém. Sau đó, ông đi học lớp trồng chăm sóc bưởi do Hội Nông dân phường tổ chức. Với kiến thức được học, cộng với tinh thần cần cù, học hỏi nắm bắt kỹ thuật mới áp dụng vào vườn cây, đến nay vườn bưởi, cao su của gia đình ông đã cho thu hoạch khoảng 250 triệu đồng/năm.

Không giấu được niềm vui khi được nhận bằng khen của UBND tỉnh về điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi năm 2014, anh Lò Văn Phương Bình (dân tộc Thái, phường Chánh Nghĩa, TP.Thủ Dầu Một) vui mừng, cho biết năm 1990, anh lấy vợ, do gia đình hai bên đều nghèo nên vợ chồng phải lập nghiệp bằng hai bàn tay trắng. Năm 1991, gia đình được cán bộ phường Chánh Nghĩa tư vấn nuôi heo, trồng một số loại hoa sứ kiểng để bán. Ngoài ra, anh còn được học lớp chăn nuôi và chăm sóc, tạo dáng cây cảnh do Hội Nông dân phường tổ chức. Sau khi học xong, anh áp dụng kiến thức vào trồng trọt, chăn nuôi đạt hiệu quả. Đến nay, thu nhập gia đình khoảng 100 triệu đồng/năm. Có cuộc sống ổn định, con cái được học hành đàng hoàng, đó là niềm vui của gia đình anh.

Ngoài ngành nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các địa phương cũng đã chú trọng việc đào tạo nghề cho ĐBDTTS ở một số ngành như sửa chữa, lắp ráp xe gắn máy, điện dân dụng, sửa chữa máy nông nghiệp...

Tiếp tục phát huy

Với những trường hợp trên, việc được học nghề, áp dụng vào sản xuất đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Do đó, tỉnh đã chú trọng mở các lớp dạy nghề như cạo mủ cao su, nấu ăn, chăm sóc cây kiểng, cắt - uốn tóc; các lớp tập huấn khuyến nông, hướng dẫn kỹ thuật nông nghiệp, giới thiệu mô hình trồng cây, nuôi gia súc, gia cầm; khuyến cáo chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để đạt hiệu quả kinh tế cao; hỗ trợ vật tư - kỹ thuật để đồng bào chủ động phòng ngừa dịch bệnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho ĐBDTTS phát triển sản xuất nông nghiệp ổn định, bền vững; từng bước chuyển đổi nghề cho phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Chỉ tính riêng trong 5 năm (2010-2014), thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, Ban chỉ đạo thực hiện đề án đã tổ chức dạy nghề cho 7.734 người, trong đó có đối tượng là ĐBDTTS tham gia các lớp học.

Ông Phan Ngọc Của, Phó trưởng phòng Dân tộc Văn phòng UBND tỉnh, cho biết bên cạnh những kết quả đạt được, việc đào tạo nghề cho lao động là ĐBDTTS vẫn còn có những vướng mắc nhất định. Trong đó, trình độ dân trí của ĐBDTTS còn hạn chế nên quá trình tiếp thu ngành nghề còn gặp khó khăn, nhiều lao động sau khi học nghề chưa tìm được việc làm mới. Cùng với đó, công tác tuyên truyền để ĐBDTTS hiểu ý nghĩa của việc học nghề còn hạn chế. Để tiếp tục dạy nghề, tạo điều kiện cho ĐBDTTS vươn lên ổn định cuộc sống, tỉnh sẽ chú trọng vào việc khảo sát nhu cầu học nghề của lao động ĐBDTTS, nghiên cứu triển khai các mô hình dạy nghề gắn với việc làm có hiệu quả tại địa phương, giúp họ có thêm nhiều lựa chọn. Tỉnh cũng chỉ đạo các sở, ban ngành, đoàn thể có liên quan, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của ĐBDTTS về vai trò quan trọng của việc học nghề đối với việc giảm nghèo, phát triển kinh tế gia đình.

Song song với việc hỗ trợ học nghề, tỉnh còn đầu tư các dự án, chương trình hỗ trợ sản xuất như các công trình thủy lợi, đường giao thông vùng nông thôn, hệ thống điện lưới, bưu chính viễn thông đến tận xã, ấp… Do đó, đời sống của ĐBDTTS trong tỉnh tương đối ổn định.

Bình Dương hiện có 20 dân tộc thiểu số với khoảng 4.500 hộ, gần 20.000 người, nhiều nhất là dân tộc Hoa, Khmer và ít nhất là dân tộc Mạ với 1 hộ 1 người. ĐBDTTS hầu hết sống đan xen với người Kinh trên khắp địa bàn tỉnh, riêng 2 dân tộc có một số địa bàn sống tương đối tập trung là người Chăm tại ấp Hòa Lộc, xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng và người Hoa sống tại TP.Thủ Dầu Một, TX.Thuận An và huyện Dầu Tiếng. Trên cơ sở phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, UBND tỉnh đã vận dụng để giải quyết cho các hộ dân tộc thiểu số thuộc diện nghèo, cận nghèo ở các xã khó khăn của tỉnh được hưởng một số chính sách của Trung ương quy định cho ĐBDTTS tại vùng đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đang thực hiện một số chương trình mục tiêu quốc gia như xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, giải quyết việc làm… và các chương trình cho vay phát triển sản xuất, cho vay để học tập đối với học sinh, sinh viên là đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ khó khăn.

 
T.LÝ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên