Chú trọng phát triển nông nghiệp kỹ thuật cao

Cập nhật: 24-12-2019 | 07:42:20

Hiện nay, nông nghiệp chỉ chiếm 0,4% trong cơ cấu kinh tế của thị xã nhưng vẫn đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế chung của thị xã. Để phù hợp với điều kiện mới, thị xã đã và đang chú trọng phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng kỹ thuật cao. Nhờ sự hỗ trợ thiết thực của các cấp, các ngành, đến nay trên địa bàn đã xuất nhiều mô hình nông nghiệp đô thị hiệu quả cao.

 

Lãnh đạo thị xã (phải) khảo sát mô hình Tổ hợp tác hoa lan ở xã An Điền. Ảnh: PHƯƠNG AN

 Hiệu quả kinh tế cao

Đến nay, trên địa bàn thị xã có nhiều nông hộ, trang trại ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp như: Canh tác trong nhà lưới, áp dụng các hệ thống tưới tự động, mô hình trồng chuối công nghệ khép kín từ trồng đến sơ chế, tiêu thụ sản phẩm, mô hình lan phát triển từ nông hộ sang hình thức liên kết thành tổ hợp tác, hợp tác xã… Việc các nhà nông, trang trại… trên địa bàn thị xã mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp đã góp phần giảm chi phí công lao động, đáp ứng nhu cầu nước và dinh dưỡng của cây trồng cho từng giai đoạn sinh trưởng.

Mô hình trồng lan Mokara cắt cành của hộ ông Nguyễn Văn Khoảnh, ở ấp Tân Lập, xã An Điền là một điển hình. Mô hình này đã tạo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình, bảo đảm môi trường sống ngày càng tốt hơn và làm tăng mỹ quan đô thị. Vốn xuất thân từ gia đình nhà nông cộng với niềm đam mê cây cảnh, năm 2012 ông Khoảnh đã đầu tư 200 triệu đồng để trồng 2.000 gốc lan.

Trong những ngày đầu trồng lan, do kỹ thuật, kinh nghiệm còn ít nên ông gặp rất nhiều khó khăn. Nhờ chịu khó tìm tòi học hỏi nên ông dần khắc phục những hạn chế của mình. Năm 2013, ông trồng thêm 10.000 gốc lan với số vốn đầu tư hơn 1 tỷ đồng. Đến nay, ông có trên 22.000 gốc lan với tổng diện tích gần 5.000m2. Hiện tại trung bình mỗi tuần ông thu hoạch một lần, giá bán 8.000- 10.000 đồng/cành. Bình quân một năm gia đình ông thu lãi gần 300 triệu đồng từ việc bán hoa lan và cây giống.

Ngoài mô hình trồng hoa lan, trên địa bàn thị xã hiện có 4,650 ha trồng các loại nấm, 1.210m2 mầm giá. Đây là những mô hình nông nghiệp có diện tích canh tác nhỏ nhưng mang lại giá trị trên đơn vị diện tích cao, phù hợp với nền nông nghiệp đô thị. Điển hình như mô hình trồng nấm của Tổ hợp tác Phú An với hơn 10 thành viên, tổng diện tích khoảng 7.000m2; thu nhập mỗi tổ viên từ 5 - 30 triệu đồng/tháng; Hợp tác xã nấm sạch Bình Dương tại phường Thới Hòa có tổng diện tích 6.000m2, mang lại thu nhập bình quân 100 triệu đồng/tháng... Các mô hình trồng nấm này áp dụng hệ thống tưới bán tự động, điều chỉnh nhiệt độ, ẩm độ đã tạo điều kiện thuận lợi nhất để cây trồng phát triển tối ưu.

Phát triển bền vững

Việc phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng kỹ thuật cao trên địa bàn thị xã thời gian qua đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, người dân thị xã đang có xu hướng tiếp cận và ứng dụng ngày càng nhiều những kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp như trồng rau thủy canh, tưới nhỏ giọt, tưới - bón phân tự động...

Tuy nhiên, ghi nhận cho thấy hiện diện tích sản xuất trồng trọt và chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thị xã còn thấp; các mô hình còn mang tính tự phát, chưa được đầu tư đúng mức, chưa mang lại hiệu quả cao và tạo động lực mạnh mẽ trong việc cải thiện nền nông nghiệp địa phương. Trong khi đó, theo đánh giá, mặc dù tỉnh, thị xã đã có chủ trương khuyến khích phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng kỹ thuật cao nhưng việc hình thành các chuỗi giá trị từ khâu sản xuất, tiêu thụ nông sản sạch, nông sản công nghệ cao với nòng cốt là các hợp tác xã, tổ hợp tác vẫn chưa cho thấy tính bền vững.

Ông Nguyễn Hoàng Thông, Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Bến Cát, khẳng định sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị là hết sức cần thiết và là cách phát triển nông nghiệp bền vững trong bối cảnh diện tích đất phục vụ cho nông nghiệp tại địa phương giảm, nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng đối với sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, an toàn. Chính vì vậy, các cấp, các ngành liên quan của thị xã cần bám sát quy hoạch chung và quy hoạch ngành trồng trọt của thị xã đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025 để thực hiện sản xuất nông nghiệp theo hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp; chú trọng phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp kỹ thuật cao gắn với hình thành các khu du lịch sinh thái ven sông, đi đôi với việc đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Bên cạnh đó, các cấp, các ngành, đơn vị liên quan cần xây dựng và phát triển các tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp mở rộng theo chuỗi giá trị gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản đáp ứng nhu cầu thị trường; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật, tích cực chuyển giao công nghệ. Các địa phương cần nghiên cứu những mô hình hiệu quả để thí điểm và nhân rộng toàn thị xã; chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực...

 Nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng kỹ thuật cao tại thị xã đang phát triển mạnh. Toàn thị xã hiện có trên 170 ha trồng rau màu, trong đó có 44 ha ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất; có 4 trại heo và 7 trại gà chăn nuôi theo phương pháp sinh học, bảo đảm an toàn thực phẩm. Ngoài ra, địa phương đã xây dựng chuỗi kiểm soát thực phẩm an toàn với 3 ha (3 hộ) có chứng nhận VietGAP và 144 hộ cam kết sản xuất sản phẩm rau, quả an toàn.

 THOẠI PHƯƠNG - DUY TRẦN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên