Chữa bệnh tự kỷ, cần sự kiên nhẫn và yêu thương

Cập nhật: 06-06-2013 | 00:00:00
Bệnh tự kỷ (TK) ở trẻ em hiện vẫn chưa xác định được nguyên nhân tại sao bị rối loạn phát triển não bộ so với trẻ bình thường. Có khi được giải thích do bào thai bị nhiễm độc, ô nhiễm môi trường, do thụ tinh trong ống nghiệm… và quá trình phát triển thai nhi không bình thường… Cần sự kiên nhẫn và yêu thương dành cho trẻ TK.

  Con cái khỏe mạnh là niềm vui của cha mẹ

 Tại hội nghị chuyên đề trẻ TK ở giáo dục mầm non được tổ chức tại Bình Dương, bác sĩ (BS) Huỳnh Tấn Mẫm, Chủ tịch HĐQT trường chuyên biệt Khai Trí (TP.HCM) đã báo cáo tình hình bệnh TK ở trẻ em, về nguyên nhân, cách điều trị, việc phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Theo đó, phụ huynh cần phát hiện và can thiệp sớm trong điều trị cho trẻ TK (giai đoạn vàng từ 2 đến 5 tuổi hoặc có thể sớm hơn). Cần điều trị theo hướng chú trọng đến dinh dưỡng, giúp trẻ thay đổi hành vi, yêu thương trẻ...

Một giáo viên cũng là người trong gia đình có trẻ bị bệnh TK cho biết, khi khách đến nhà chơi, thằng bé sợ hãi đứng nấp sau tủ, sau ghế salon. Nhưng khi đối mặt với những nguy hiểm khác như lửa, nước, độ cao từ lan can sân thượng… nó lại tỉnh bơ! Thắp nến sinh nhật mừng cháu được 4 tuổi, thay vì chúm chím miệng thổi thì thằng bé đưa tay “bắt lửa tắt”! Có khi, nó ngồi yên kiểu “ruồi đậu không thèm đuổi” cả buổi như thế.

Số liệu thống kê về bệnh TK cho thấy cứ 88 trẻ em sẽ có 1 trẻ mắc bệnh TK. Khi có con bị bệnh TK, cha mẹ sẽ rất căng thẳng vì luôn trong tình trạng phải “đối phó” với những trò khác người của con. Ở trường, nếu trẻ bị TK thường bị cô lập, không ai chơi thì càng khó khăn hơn trong việc điều trị. Trẻ TK cũng muốn giao tiếp nhưng không biết cách nên càng bị đẩy ra khỏi nhóm. Thế nên, nếu thấy con có dấu hiệu đầu tiên như gọi không quay đầu lại, sự vật một hướng chỉ một nẻo, năng động hơn so với trẻ khác hay “im lặng đáng sợ”, chạy trốn khi có người đến nhà chơi… là cần phải can thiệp sớm để bệnh chóng khỏi.

Cũng theo BS Huỳnh Tấn Mẫm, khi không may có con mắc bệnh TK, cần áp dụng nguyên tắc 5 không với trẻ. Đó là không đánh, không mắng, không dọa (đốt lửa, trấn nước… ), không hứa và không chiều. Phụ huynh và giáo viên cần nhớ trẻ TK không biết sợ lửa, nước, độ cao… như trẻ bình thường. Nghĩa là chúng không lường được nguy hiểm nên đừng mong dọa nạt mà đem lại kết quả! Thương con nhưng phải nghiêm khắc, cứng rắn và trên hết là sự kiên nhẫn để cùng con đi qua từng chặng đường khó khăn…

Với trẻ TK quá hiếu động, chạy nhảy suốt, không chịu ngồi yên, cần can thiệp để tránh tăng động nơi trẻ. Cần chú trọng tới chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi cho trẻ. Phụ huynh cũng có thể hướng trẻ vào những trò chơi như vẽ tranh, xếp hình mà trẻ thích. Bơi lội, đọc sách cũng là những việc nên làm để giúp trẻ TK dần dần lấy lại sự… quân bình cho bản thân.

 QUỲNH NHƯ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên