Chung tay cải thiện đời sống công nhân

Cập nhật: 02-05-2012 | 00:00:00

Bình Dương là địa phương tập trung đông công nhân (CN) tại các khu công nghiệp. Những năm qua, Bình Dương đã thực hiện nhiều chương trình chăm lo, nâng cao chất lượng đời sống của CN, giúp họ cải thiện cuộc sống để gắn bó lâu dài với Bình Dương...

Doanh nghiệp cùng chia sẻ

Các doanh nghiệp (DN) đã có những hoạt động hỗ trợ thiết thực, chăm lo tốt đời sống CN để chia sẻ một phần khó khăn của người lao động (NLĐ) như: tăng lương, xây dựng nhà trọ, hỗ trợ bữa ăn sáng, tổ chức ăn trưa, chiều, hỗ trợ tiền thuê nhà trọ, tổ chức xe đưa rước... Sự quan tâm của DN giúp cho NLĐ yên tâm làm việc để gắn bó với DN. Đây cũng là những chính sách tốt đã được một số DN ở Bình Dương thực hiện trong thời gian qua mà chúng tôi ghi nhận được. Thực hiện mục tiêu phát triển công nghiệp, tỉnh đã quy hoạch các KCN gắn liền với quy hoạch khu dân cư, khu đô thị, tác động tích cực đến vấn đề giải quyết việc làm và thu hút lao động ngoài tỉnh đến làm việc và sinh sống tại Bình Dương. Với quan hệ lao động hiện tại, DN đã nhận thức được tầm quan trọng của NLĐ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ngoài tiền lương, DN còn thực hiện các chế độ phụ cấp, tiền ăn trưa, tiền nhà trọ, hiếu hỷ... nhằm thu hút, ổn định NLĐ, từ đó thu nhập của NLĐ được nâng cao góp phần ổn định cuộc sống, gắn bó với DN.  Bữa cơm công nhân luôn được doanh nghiệp quan tâm

Công nhân tiết kiệm

Mặc dù trong thời gian qua, các ngành các cấp và DN luôn quan tâm chia sẻ để nâng dần mức sống cho NLĐ, nhưng do giá cả thị trường luôn biến động tăng cao đã khiến cho đời sống của một bộ phận NLĐ gặp không ít khó khăn. Sống trong cơn “bão giá” ở Bình Dương hiện nay, có một số CN biết cách tiết kiệm chi tiêu trong sinh hoạt hàng ngày để bảo đảm cuộc sống của mình. Đây là những cách nghĩ, cách làm hay mà chúng tôi ghi nhận được. Hai cô bạn Trang và Thu quê ở miền Trung cùng làm công nhân ở KCN VSIP. Do hoàn cảnh Trang và Thu có em gái là sinh viên học ở Bình Dương nên họ cùng nhau mướn phòng ở TX.TDM để sinh sống. Trong lúc xăng chưa tăng giá, Trang và Thu đi xe gắn máy riêng của mình đến công ty làm việc mỗi ngày. Bước sang năm 2012, khi giá xăng tăng thì họ nghĩ ra cách tiết kiệm ghép xe lại để thay phiên chở nhau đi làm. Chúng tôi đến một số phòng trọ CN thuê, các bạn nữ cùng nhau đi chợ về nấu ăn nhưng trong những tháng gần đây thì lại khác hẳn. Không chỉ CN nữ mà nhiều nam CN trong phòng trọ cũng tổ chức đi chợ để nấu ăn. Tại một số khu nhà trọ có đông CN, cứ sau giờ tan ca chúng tôi thường bắt gặp hình ảnh của một phụ nữ trên tay ôm xấp báo cũ len lỏi vào các khu nhà trọ. Chỉ trong chốc lát chị quay trở ra thì chồng báo trên tay đã hết sạch. Tìm hiểu, chúng tôi được biết mỗi ngày người phụ nữ này thu gom vài kg báo đủ loại: Bình Dương, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Công An, tạp chí Thời Trang, Phụ Nữ... rồi mang đi bán cho các vựa ve chai giá chỉ 2.000 - 3.000 đồng/kg. Thấy tiếc quá chị đã nghĩ ra cách: Khi mua được những tờ báo, tạp chí chị liền xếp ngay ngắn. Sau mỗi buổi chiều tối, chị tranh thủ đến một số phòng trọ để bán lại giá rẻ cho CN với mức từ 500 - 1.000 đồng tùy theo từng loại báo, tạp chí. “Ban đầu một số CN chưa “mặn mà” với báo, tạp chí cũ nhưng giờ đây họ đã quen là xem chị như mối ruột. Mỗi khi trời mưa chưa đến kịp thì họ trông chờ”, chị bộc bạch. Còn đối với CN ở những phòng trọ, họ xem đọc báo cũ cũng là một cách tiết kiệm trong chi tiêu của mình.

Nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần

Việc tổ chức cho NLĐ ngoài tỉnh sinh hoạt văn hóa, văn nghệ là một trong những việc làm thường xuyên, thiết thực dù hoạt động này vẫn còn hạn chế; do số lượng lao động lớn, thời gian làm việc nghỉ ngơi của NLĐ cũng khác nhau nên khó tập trung. Tuy nhiên, các đoàn thể như Hội LHPN huyện, thị đã thành lập câu lạc bộ nữ chủ nhà trọ. Hàng tháng tổ chức sinh hoạt để triển khai tuyên truyền chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, kế hoạch hóa gia đình, vận động giúp nhau khi khó khăn và tham gia các phong trào của phụ nữ. Đoàn Thanh niên, Công đoàn cũng thường xuyên tổ chức các phong trào văn nghệ, thể thao, hội thi, hội thao góp phần làm phong phú hơn đời sống tinh thần của NLĐ. Điển hình: Đoàn Thanh niên có chương trình giúp vốn cho NLĐ nhập cư, có quỹ hỗ trợ cho lao động nhập cư gặp khó khăn, hoạn nạn tạo được sự gắn kết lao động trong các DN với các tổ chức công đoàn ở cơ sở. Đặc biệt một số DN đã chú ý đến việc đào tạo văn hóa, đào tạo chuyên môn kỹ thuật cho NLĐ... Nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012, đây là năm thứ 2 Bình Dương tổ chức đưa CN lao động là đoàn viên công đoàn về quê ăn tết. Hoạt động này góp phần thực hiện tốt chức năng chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho CNVCLĐ của tổ chức công đoàn, nhằm giúp CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn được về quê đón tết cùng gia đình. Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Bình Dương Nguyễn Tầm Dương chia sẻ: Năm 2011 do ảnh hưởng của lạm phát, giá cả hàng hóa tiêu dùng thiết yếu và dịch vụ tăng cao, đời sống của CNLĐ gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, một số DN hoạt động sản xuất, kinh doanh không có hiệu quả phải thu hẹp sản xuất hoặc giải thể dẫn đến việc làm, thu nhập của CNLĐ không được bảo đảm. Để động viên kịp thời NLĐ là cán bộ, đoàn viên công đoàn vượt qua khó khăn, gắn bó với DN, làm việc ổn định và lâu dài tại Bình Dương, bên cạnh các hoạt động chăm lo của DN, công đoàn cơ sở đối với CNLĐ tại đơn vị, Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức đưa một số đối tượng là cán bộ, đoàn viên công đoàn về quê ăn tết. Đây thể hiện sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, công đoàn đối với NLĐ và NLĐ sẽ xem Bình Dương là quê hương thứ hai để tiếp tục trở lại làm việc, gắn bó lâu dài hơn.

VĂN SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên