Chung tay chăm sóc, bảo vệ trẻ em

Cập nhật: 13-11-2020 | 07:45:31

Hiện nay toàn tỉnh có khoảng 478.000 trẻ em, chiếm khoảng 19,4% dân số trong tỉnh. Trong những năm qua, các chương trình, kế hoạch hành động để bảo vệ trẻ em của tỉnh đã làm giảm tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và nhóm trẻ em bị tổn thương có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt xuống còn 1,9%; 100% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, chăm sóc thường xuyên để có cơ hội hòa nhập cộng đồng và phát triển.

 Ông Nguyễn Lộc Hà (thứ 6 từ phải qua), Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao giấy khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em giai đoạn 2013-2020

 Nỗ lực tuyên truyền

Ông Nguyễn Lộc Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết những năm qua, việc triển khai thực hiện các chương trình hành động vì trẻ em luôn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Tỉnh triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời, đầy đủ các giải pháp, chính sách bảo vệ, chăm sóc trẻ em đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần ổn định an sinh xã hội của tỉnh. Các chương trình trọng tâm đã được tỉnh đẩy mạnh thực hiện, như: Bảo vệ trẻ em tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016-2020; chương trình thúc đẩy quyền tham gia trẻ em vào các vấn đề trẻ em tỉnh Bình Dương 2016-2020; chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em Bình Dương 2017-2020. Bên cạnh đó là kế hoạch phòng, chống đuối nước trẻ em Bình Dương giai đoạn 2018-2020; kế hoạch hành động vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS 2014- 2020… được thực hiện tốt.

Những năm gần đây, ngành lao động - thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các cấp triển khai thực hiện các hoạt động công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em như tổ chức tháng hành động vì trẻ em nhằm tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, gia đình; tạo điều kiện để trẻ em được nói lên tiếng nói của mình. Qua đó, tỉnh tổ chức hơn 900 lễ phát động tháng hành động vì trẻ em và ra quân chiến dịch truyền thông bảo vệ trẻ em; ngăn ngừa, phòng, chống trẻ em bị bạo lực, xâm hại, bị ngược đãi tại các xã, phường, thu hút khoảng 45.000 lượt người tham dự…

Từ năm 2012 đến nay, ngành LĐ-TB&XH duy trì và tổ chức sinh hoạt hàng trăm Câu lạc bộ (CLB) quyền tham gia của trẻ em, trẻ em với phòng chống tai nạn thương tích, CLB phòng chống HIV/AIDS. Mỗi CLB có khoảng 30 em sinh hoạt, đối tượng là trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em bán vé số. Việc duy trì sinh hoạt cũng như tiếp tục phát triển các CLB ở các xã, phường được người dân địa phương quan tâm hơn trong việc nuôi dạy, đối xử với trẻ mỗi ngày.

Cần nâng cao năng lực quản lý

Để bảo vệ trẻ em không bị xâm hại, bên cạnh việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, các bậc phụ huynh thì công tác giáo dục, quản lý trẻ ở cơ sở, các trung tâm nuôi dạy trẻ phải được thực hiện tốt, đồng bộ. Cán bộ chuyên trách ở các xã, phường phải thường xuyên cập nhật số trẻ, đặc biệt trẻ ở độ tuổi đến trường. Bên cạnh đó, việc tạo sân chơi cho trẻ phải được quan tâm.

Thời gian qua, ngành LĐ- TB&XH đã tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho trên 150.000 lượt cán bộ phụ trách công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em cấp xã và cộng tác viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ ở khu, ấp, người chăm sóc trẻ, quản lý giáo dục, giáo viên, bảo mẫu. Bên cạnh đó, ngành còn tổ chức 50 lớp tập huấn trợ giúp nâng cao năng lực cho các bậc cha mẹ người chăm sóc trẻ, giáo viên về phòng, chống bạo lực, Luật Trẻ em với hơn 5.000 lượt người tham dự; hỗ trợ dạy bơi miễn phí cho gần 10.000 lượt trẻ với kinh phí trên 4 tỷ đồng… Ngành LĐ-TB&XH phối hợp với ngành văn hóa, thể thao và du lịch, ngành giáo dục - đào tạo, y tế, công an, Tỉnh đoàn thường xuyên tổ chức các chương trình, kế hoạch trong việc giáo dục, tạo sân chơi, bảo vệ trẻ như tổ chức hội thao hè cho trẻ về hoạt động thể dục thể thao; thực hiện các mục tiêu về dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe cho trẻ.

Bà Nguyễn Ngọc Hằng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, cho biết thời gian qua bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn vẫn còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc cần khắc phục. Đó là sự phối hợp của các sở, ngành trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ đôi lúc chưa được thường xuyên, chưa cụ thể; các địa phương đều xây dựng kế hoạch, chương trình hành động bảo vệ trẻ nhưng còn chung chung, thiếu cụ thể và không chủ động bố trí kinh phí thực hiện, còn trông chờ kinh phí cấp trên phân bổ. Cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em cấp huyện, xã đều hoạt động kiêm nhiệm và thay đổi thường xuyên…

 Để thực hiện tốt chương trình hành động vì trẻ em giai đoạn 2021-2025, ông Nguyễn Lộc Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Ban Chỉ đạo các cấp, các ngành và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp; tiếp tục tăng cường công tác truyền thông với những hình thức phong phú, tiếp cận cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự chuyển đổi về hành vi và trách nhiệm của mọi người đối với vấn đề bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chủ trương xã hội hóa trong lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc trẻ em, huy động nhiều nguồn lực để thực hiện hiệu quả công tác này.

 QUANG TÁM

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên