Chung tay vì người khuyết tật

Cập nhật: 17-09-2014 | 09:36:01

Dạy nghề sản xuất kiềng, máng cao su cho người khuyết tật (NKT) và hơn thế, sản phẩm làm ra được Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa tiêu thụ hết… đây là niềm vui không chỉ mang lại cho những NKT ở các huyện Phú Giáo, Dầu Tiếng và hai TX.Tân Uyên, Bến Cát mà còn là của tập thể cơ sở dạy nghề sản xuất kiềng, máng cao su cho NKT Phước Hòa, Hội Bảo trợ NKT - Trẻ mồ côi và Bệnh nhân nghèo (NKT-TMC&BNN) tỉnh và huyện Phú Giáo…

Ông Nguyễn Văn Nam (bìa trái), Chủ tịch Hội Bảo trợ NKT - Trẻ mồ côi và Bệnh nhân nghèo tỉnh đến thăm hỏi các hội viên trong lớp học. Ảnh: T.VY

Điều ngạc nhiên khi đến với lớp học nghề sản xuất kiềng, máng cao su cho NKT, đó là học viên ở nhiều dạng tật: Tàn tật vận động, thiểu năng trí tuệ, bệnh down… Dù vậy, mỗi học viên vẫn được ngồi trên máy làm những bài tập thực hành làm kiềng, máng. Gặp chúng tôi, Nguyễn Thiện Thực, NKT ở ấp 6, xã An Linh (Phú Giáo), tâm sự lần đầu tiên đến lớp, Thực rất tự ti vì thấy học nghề này sao khó quá. Tuy nhiên, được sự giúp đỡ tận tình của các thầy cô, qua thời gian học nghề, đến nay Thực đã thành thạo công việc và tự tin sản phẩm của mình làm ra. Thấy Thực cần mẫn, cơ sở dạy nghề và tạo việc làm thuộc Hội Bảo trợ NKT huyện Phú Giáo đã tiếp nhận Thực vào làm nghề bẻ kiềng với thu nhập 2,5 triệu đồng/tháng. Cũng như Thực, Lê Xuân Long, NKT ở ấp 1B, xã Phước Hòa (Phú Giáo) thông qua lớp học, đến nay đã có tay nghề vững vàng, được cơ sở dạy nghề và tạo việc làm thuộc Hội Bảo trợ NKT huyện Phú Giáo nhận vào làm cũng với mức lương 2,5 triệu đồng/ tháng.

Lớp học nghề sản xuất kiềng, máng cao su có 19 học viên là NKT được đào tạo tại Cơ sở dạy nghề cho NKT-TMC&BNN huyện Phú Giáo. Trong 45 ngày, học viên được hướng dẫn kỹ thuật sản xuất kiềng, máng cao su (máng sắt, máng mủ) hoàn toàn trên dây chuyền sản xuất công nghiệp; được hỗ trợ toàn bộ kinh phí học nghề như ăn, ở, đi lại. Vì học viên 100% là NKT tập trung về đây học nghề, nên mỗi học viên đều thể hiện quyết tâm vượt lên chính mình mà trước giờ chưa có cơ hội. Sản phẩm do chính tay hội viên làm ra được bù đắp xứng đáng từ thành quả lao động của mình.

Ông Nguyễn Văn Nam, Chủ tịch Hội Bảo trợ NKT-TMC&BNN tỉnh, cho biết năm 2013, Tỉnh hội Bình Dương phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã hướng dẫn và ủy quyền cho Huyện hội Phú Giáo xây dựng dự án và tổ chức dạy nghề sản xuất kiềng, máng cao su cho NKT tại cơ sở dạy nghề và sản xuất kiềng, máng cao su NKT Phước Hòa. Với chức năng của mình, cơ sở này đã giúp cho NKT có kiến thức hành nghề phù hợp với khả năng lao động, có thể tự tạo việc làm hoặc tìm được việc làm có thu nhập, ổn định cuộc sống. Sau khóa học, Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa đã hợp đồng đặt hàng, giám sát kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm đầu ra của cơ sở. Nhờ đó, học viên sau khóa học đều có việc làm và thu nhập ổn định.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đào tạo nghề sản xuất kiềng, máng cao su, Tỉnh hội vẫn gặp một số khó khăn, như đối tượng học nghề chủ yếu là NKT vận động, đi lại gặp nhiều khó khăn. Một số người còn mặc cảm, phương tiện đi lại chưa thuận lợi nên không muốn tham gia học nghề tại địa bàn xa nơi cư trú. Sản xuất kiềng, máng cao su vẫn là một nghề cầm tay chỉ việc, phải cần thao tác thực hành nhiều lần mới thuần thục. Trong khi hiện nay, trung tâm dạy nghề của tỉnh chưa có giáo án dạy nghề sản xuất kiềng, máng cao su mà chỉ có giáo án dạy nghề cạo mủ cao su, nên rất khó khăn trong việc đào tạo, dạy nghề này cho NKT.

Để phù hợp với độ tuổi và sức khỏe của NKT thì nghề sản xuất kiềng, máng cao su là phù hợp. Ông Nam cho biết thêm trong thời gian tới, Tỉnh hội Bình Dương sẽ tiếp tục nghiên cứu, phát triển nghề này để dạy, truyền nghề cho NKT.

 TƯỜNG VY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên