Chương trình điện khí hóa nông thôn: Đầu tư lớn, hiệu quả cao

Cập nhật: 26-09-2014 | 08:08:37

 Thời gian qua, Bình Dương đã thực hiện nhiều chương trình phát triển toàn diện vùng nông thôn, trong đó có chương trình điện khí hóa. Giai đoạn 1998-2013, chương trình này đã mang lại lợi ích rất lớn cho người dân trong sinh hoạt, sản xuất và thúc đẩy vùng nông thôn phát triển.

 Đầu tư bài bản

Ông Thạch Sung, người dân ở ấp Nước Vàng, xã An Bình, huyện Phú Giáo cho biết, trước năm 2000 một số khu vực ở ấp Nước Vàng vẫn chưa có điện chiếu sáng, nhiều hộ dân sử dụng đèn chiếu sáng tự chế, đèn dầu… Sau đó, được Nhà nước đầu tư hệ thống lưới điện đến tận nhà dân, ai cũng phấn khởi. “Việc đầu tư xây dựng đường điện đến từng hộ dân của các cấp chính quyền đã tạo ra sự thay đổi rõ nét tại khu vực này. Đời sống người dân từng bước khởi sắc, rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn với thành thị”, ông Sung cho biết.

 Người dân nông thôn trong tỉnh được hưởng nhiều lợi ích từ chương trình điện khí hóa Ảnh: H.ÚT

Từ năm 1998 đến nay, thực hiện chương trình điện khí hóa nông thôn, cuộc sống của người dân ở các xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh đã được cải thiện rõ nét, đặc biệt là khu vực có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Từ khi có điện, người dân đã sử dụng các thiết bị điện trong sản xuất nhằm giải phóng sức lao động. Nhiều nhà máy, xí nghiệp mọc lên, sản phẩm từ điện cũng nhiều hơn giúp người dân nông thôn từng bước rút ngắn khoảng cách cuộc sống với người dân thành thị.

Ông Võ Văn Cư, Giám đốc Sở Công thương cho biết, chương trình điện khíhóa nông thôn của tỉnh được đầu tư bài bản bằng nguồn vốn từ ngân sách tỉnh và được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Việc làm này đã thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh và các cấp, các ngành trong việc phát triển khu vực nông thôn. Riêng đối với ngành điện đã đầu tư bảo đảm chất lượng nguồn điện cung cấp đến từng hộ dân.

Phát triển toàn diện lưới điện

Trong giai đoạn 1998-2013, Bình Dương đã thực hiện các chương trình về “xóa ấp trắng” (ấp chưa có điện) và xóa điện kế tổng. Để thực hiện chương trình “xóa ấp trắng” thành công, tỉnh đã đầu tư 12 công trình điện với tổng vốn đầu tư 25 tỷ 681 triệu đồng. Trong đó, đầu tư đường dây trung thế với tổng chiều dài 146,224km, hạ thế 173,855km; 133 trạm biến áp với tổng công suất 4.188kVA. Riêng trong giai đoạn 2001-2010, đầu tư 33 công trình với tổng vốn trên 118 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách để thực hiện chương trình xóa điện kế tổng. Giai đoạn 2010-2013, bằng nguồn vốn ngân sách, giao Công ty Điện lực tỉnh làm chủ đầu tư 13 công trình xóa điện kế tổng - cụm trên địa bàn các huyện, thị, thành phố.

Nhìn chung, chương trình điện khí hóa nông thôn ở Bình Dương đã đạt kết quả tốt. Nhiều dự án đã được triển khai thực hiện hiệu quả, qua đó tạo điều kiện cho các vùng nông thôn phát triển toàn diện. Tính đến nay, số hộ dân trong tỉnh sử dụng điện đạt tỷ lệ 99,93%; trong đó số hộ ở nông thôn có điện đạt tỷ lệ 99,77%.

Theo lãnh đạo Công ty Điện lực tỉnh, để nâng cao số hộ có điện tại khu vực nông thôn, công ty đã cải tạo nâng cấp lưới điện để cung cấp điện cho nhân dân. Với nhiều chương trình, dự án triển khai trong giai đoạn 1998-2013 và 9 tháng đầu năm 2014, lưới điện của tỉnh đã phủ kín đến từng xã, ấp vùng sâu, vùng xa. Ngành điện đã bán điện trực tiếp đến từng hộ dân, cùng với đó nâng cao chất lượng điện cung cấp cho người dân, còn giá bán điện thực hiện theo quy định của Nhà nước.

Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2020, nhu cầu đầu tư cho chương trình điện khí hóa trên địa bàn tỉnh khoảng 1.984 tỷ đồng. Từ việc đầu tư toàn diện của ngành điện đến vùng sâu, vùng xa của tỉnh sẽ góp phần tạo ra diện mạo nông thôn mới khởi sắc, phát triển đồng đều và toàn diện.


 SÔNG TRÀ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên