Chương trình giảm nghèo bền vững ở Bình Dương: Bước đột phá ngoạn mục

Cập nhật: 30-04-2015 | 09:14:00

Thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo, trong thời gian qua, Bình Dương là một trong những địa phương điển hình của cả nước thành công về công tác giảm nghèo. Chương trình giảm nghèo ở Bình Dương đã thực sự đi vào lòng dân, nhiều hộ nghèo (HN) đã được thụ hưởng từ các chủ trương chính sách mới của tỉnh và sự giúp đỡ của cộng đồng xã hội. Đây là thành quả quan trọng, quyết định thành công chương trình giảm nghèo để Bình Dương tiếp tục thực hiện tốt chương trình giảm nghèo bền vững trong những năm tiếp theo.

 Ông Võ Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao học bổng P&G cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn học giỏi Ảnh: TƯỜNG VY

Giảm nghèo nhanh, bền vững

Ông Ninh Quốc Bình, Nguyên Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, nhớ lại từ sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, một số địa phương, nhất là ở các huyện phía bắc của tỉnh còn nhiều khó khăn, ở địa phương nào cũng có HN đói, hoặc thiếu ăn. Sau khi tái lập tỉnh (năm 1997), dưới ánh sáng nghị quyết của Tỉnh Đảng bộ, Ban chủ nhiệm giảm nghèo chỉ đạo các sở, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến huyện, thị xã, phường, thị trấn đã quyết tâm thực hiện chương trình giảm nghèo và đạt được kết quả đáng khích lệ. Theo tiêu chí HN của Trung ương, nếu trước năm 1997, toàn tỉnh có 14.662 HN, chiếm tỷ lệ 12,18%; đến cuối năm 2005, Bình Dương đã cơ bản không còn HN theo chuẩn nghèo của Trung ương và hoàn thành chỉ tiêu trước thời hạn 2 năm so với kế hoạch Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND đề ra giai đoạn 2001-2005. Như vậy, Bình Dương đã cơ bản thoát nghèo với mức HN dưới 200.000 đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và 250.000 đồng/ người/tháng ở khu vực thành thị. Đạt được kết quả như vậy, từ năm 1997 đến năm 2005, tổng các nguồn vốn đầu tư cho chương trình giảm nghèo của tỉnh hơn 600 tỷ đồng, đã cho hàng chục lượt HN vay vốn. Nhiều nguồn vốn không lấy lãi của các đoàn thể như: Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ… đã hỗ trợ kịp thời cho chương trình giảm nghèo. Bình Dương xây mới hơn 3.000 căn nhà tình thương, mua bảo hiểm cho người nghèo…

Thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2006- 2010, với phương châm: “Bằng nguồn lực của Nhà nước và toàn xã hội, tăng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cho vay vốn, trợ giúp đào tạo nghề…”, Bình Dương đã tiếp tục tạo bước đột phá trong công tác giảm nghèo. Đầu năm 2006, UBND tỉnh đã ban hành chuẩn nghèo mới giai đoạn 2006-2010: Vùng nông thôn thu nhập bình quân đầu người dưới 400.000 đồng/tháng (4.800.000 đồng/người/năm). Vùng thành thị thu nhập bình quân đầu người dưới 500.000 đồng/tháng (6.000.000 đồng/người/năm). Như vậy đầu giai đoạn 2006, toàn tỉnh có 15.760 HN, chiếm tỷ lệ 8,78%. Sau 3 năm thực hiện (2006-2008), đã có 6/7 huyện, thị xã và 82/89 xã, phường, thị trấn cơ bản thoát nghèo. HN toàn tỉnh còn 1.950 hộ, tỷ lệ 0,99%. Như vậy, Bình Dương đã cơ bản thoát nghèo trước thời hạn 2 năm. Do yêu cầu giảm nghèo cơ bản, đến đầu năm 2009, Bình Dương tiếp tục nâng chuẩn nghèo áp dụng cho giai đoạn 2009-2010 như sau: Hộ có mức thu nhập bình quân đầu người dưới 780.000 đồng/người/tháng đối với khu vực thành thị và hộ có mức thu nhập bình quân đầu người dưới 600.000 đồng/người/tháng đối với khu vực nông thôn, theo chuẩn nghèo mới đến cuối năm 2009, toàn tỉnh còn lại 7.417 HN, chiếm tỷ lệ 3,45%. Như vậy, mức tiêu chí HN ở Bình Dương cao gấp 3 lần so với tiêu chí HN của quốc gia. Với chuẩn nghèo như vậy, cuối năm 2010, Bình Dương giảm tỷ lệ HN còn dưới 1,5%, hoàn thành kế hoạch đề ra theo chuẩn nghèo mới của tỉnh giai đoạn 2009-2010 (trong khi tỷ lệ HN bình quân chung của cả nước 10%). Như vậy, Bình Dương là một trong những tỉnh, thành trong cả nước có tỷ lệ HN thấp nhất.

Tại kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa VIII đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn quy định chuẩn HN, hộ cận nghèo và chính sách bảo lưu đối với hộ vừa thoát nghèo tỉnh giai đoạn 2014-2015. Theo đó, HN ở nông thôn là hộ có mức thu nhập bình quân từ 1.000.000 đồng/người/tháng trở xuống; HN ở thành thị là hộ có mức thu nhập bình quân từ 1.100.000 đồng/người/tháng trở xuống. Nghị quyết này cũng quy định, thực hiện bảo lưu các chính sách như HN trong thời gian 2 năm đối với hộ vừa thoát nghèo kể từ khi được công nhận thoát nghèo. Thực hiện chương trình giảm nghèo giai đoạn mới, tính đến cuối năm 2014, toàn tỉnh còn 3.197 HN (tỷ lệ 1,12%) và 4.286 hộ cận nghèo (tỷ lệ 1,50%).

Những chính sách riêng

Đặc biệt, chính sách cứu trợ thường xuyên tại cộng đồng cho các nhóm đối tượng yếu thế; phong trào “Lá lành đùm lá rách”, “An cư lạc nghiệp” là một trong những thế mạnh mà Bình Dương đã thực hiện để giúp người nghèo nhanh chóng thoát nghèo bền vững. Đây được xem là một trong những chính sách “đặc trưng” của Bình Dương không dùng kinh phí Nhà nước mà chỉ sử dụng kinh phí từ “Quỹ vì người nghèo” ở các cấp để xây tặng nhà đại đoàn kết cho HN.

Ông Ninh Quốc Bình cho biết, ngay từ ngày đầu thực hiện, nhiều chủ trương mới đã được ban hành kịp thời tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế thực hiện chương trình như cho vay vượt định mức, cho vay mua đất sản xuất. Các chương trình hỗ trợ, nhiều nguồn vốn lồng ghép và tín dụng đều tập trung phục vụ chương trình giảm nghèo. Các chính sách này đã tác động chương trình một cách sâu sắc và toàn diện, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh và hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch được giao.

Như vậy, Bình Dương là một trong những tỉnh, thành trong cả nước có tỷ lệ HN giảm thấp nhất. Do điều kiện kinh tế phát triển tác động quyết định đến các giải pháp an sinh xã hội và chương trình mục tiêu giảm nghèo, xã hội hóa mạnh mẽ, sự quan tâm đầu tư đồng bộ nhiều chính sách thiết thực giúp HN vươn lên thoát nghèo bền vững. Đạt được kết quả như trên, Bình Dương có những chính sách đột phá riêng để áp dụng cho chương trình mục tiêu giảm nghèo phù hợp với môi trường phát triển về kinh tế, xã hội, giáo dục, y tế của từng địa phương.

Trong những chính sách đột phá đó thì có thể kể đến những chính sách thực hiện hiệu quả như: Trong thời gian qua, Bình Dương đã cấp kinh phí hàng tỷ đồng để đào tạo và giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn, bộ đội xuất ngũ, lao động nằm trong vùng quy hoạch. Ban chỉ đạo chương trình mục tiêu giảm nghèo ở Bình Dương đã phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên đi sâu sát với từng HN để kịp thời có giải pháp giúp đối tượng thoát nghèo. Nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách và các đoàn thể đã phát huy được tác dụng. Những đối tượng HN, học sinh, sinh viên được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất ưu đãi. Một số chính sách an sinh xã hội như: Cấp thẻ BHYT cho 100% HN, hỗ trợ kinh phí mua thẻ BHYT cho hộ cận nghèo...

Đi đôi với sự hỗ trợ của Nhà nước thì công tác giảm nghèo ở Bình Dương đã được xã hội hóa bằng nhiều hình thức phong phú nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho những HN, cận nghèo khắc phục khó khăn, vươn lên ổn định cuộc sống. Chương trình mục tiêu giảm nghèo đã góp phần thực hiện tốt chương trình an sinh xã hội và phát triển kinh tế bền vững, giúp Bình Dương tiến nhanh, tiến mạnh trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng thành phố Bình Dương trong tương lai.

 

 T.LÝ

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên