Chuyển giao công nghệ qua doanh nghiệp FDI: Cơ hội tốt để tiếp cận công nghệ sản xuất mới

Cập nhật: 30-08-2017 | 08:12:26

 Đến nay, tỉnh Bình Dương có 2.939 doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký 27,43 tỷ USD. Đây được coi là kênh thuận lợi trong việc chuyển giao công nghệ (CGCN) thông qua việc cấp phép, nhượng quyền, mua bán… hoặc đào tạo lao động. Tuy nhiên, hiện nay việc CGCN qua DN FDI còn gặp nhiều khó khăn.

 Tiềm năng về công nghệ hiện đại

Theo các chuyên gia, nhà khoa học, hiện nay công nghệ đã trở thành động lực quan trọng nhất trong phát triển kinh tế. Thực tế cho thấy, kết quả tăng trưởng kinh tế đến từ việc tăng cường các yếu tố sản xuất hoặc cải tiến công nghệ hoặc sự kết hợp của cả hai là rất lớn. Các nước phát triển đã tiến hành phần lớn các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) để tạo ra những công nghệ và cải tiến mới. Việc CGCN thông qua DN FDI đã trở thành kênh chiếm ưu thế, nhất là trong quá trình toàn cầu hóa như hiện nay.

Việc CGCN thông qua DN FDI phải có sự phối hợp giữa DN FDI và địa phương, cũng như cần sự thông thoáng trong chính sách hỗ trợ. Trong ảnh: Sản xuất bánh snack tại Công ty TNHH thực phẩm PepsiCo Việt Nam (KCN Sóng Thần III, TP.Thủ Dầu Một). Ảnh: HOÀNG PHẠM

Ông Nguyễn Quốc Cường, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cho biết, với chính sách “trải thảm đỏ mời gọi đầu tư” của tỉnh trong thời gian qua đã thu hút được nhiều DN FDI đến đầu tư, trong đó có các tập đoàn lớn, có trình độ công nghệ hiện đại. Đây là tiềm năng để nâng cao trình độ công nghệ sản xuất của tỉnh, cũng như tạo điều kiện cho các DN được tiếp cận những công nghệ mới thông qua việc CGCN, đào tạo nguồn nhân lực… Ông Cường cho biết thêm, Sở KH&CN đã tiếp nhận danh sách xác nhận hợp đồng CGCN từ nước ngoài cho các DN đang hoạt động tại Bình Dương, như Rohto Pharmaceutical Co.,Ltd chuyển giao cho Công ty TNHH Rohto Việt Nam công nghệ sản xuất thuốc chữa bệnh về mắt và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe với giá trị hợp đồng gần 61.000 USD; Công ty SV Probe Inc chuyển giao cho Công ty TNHH SV Probe Việt Nam công nghệ sản xuất thẻ dò bán dẫn công nghệ blade với giá trị hợp đồng 850.000 USD …

Theo ông Nguyễn Thành Nhân, Phó Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh, hiện nay DN FDI hoạt động tại các KCN trên địa bàn tỉnh được đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, công nghệ cao, điển hình là các DN cơ khí, sản xuất sơn... Gần đây, một số DN hoạt động trong lĩnh vực dệt, nhuộm cũng đầu tư công nghệ hiện đại như nhuộm khô, dây chuyền dệt tự động… Đây là điều kiện thuận lợi để DN trong nước tiếp cận nhanh với công nghệ hiện đại của thế giới.

Sớm xóa bỏ rào cản

Rõ ràng, tiềm năng trong việc tiếp cận, CGCN thông qua DN FDI hiện nay là rất lớn. Tuy nhiên, vẫn còn một số rào cản, có thể kể đến đó là chính sách CGCN còn phức tạp, sự hợp tác của các DN FDI và địa phương trong việc CGCN chưa tốt… Chẳng hạn, theo các quy định về CGCC thì hồ sơ dự án đầu tư DN phải giải trình về công nghệ, đưa ra các phương án lựa chọn công nghệ… Tuy nhiên, hiện nay Luật Đầu tư mới lại không có yêu cầu cụ thể này.

Ông Nguyễn Thành Trung, Phó trưởng Ban quản lý KCN Việt Nam - Singapore (VSIP) cho biết, tại KCN VSIP các DN CGCN chủ yếu là DN FDI, tập trung vào những ngành công nghệ cao, công nghệ mới. Tuy nhiên, việc thẩm định và được cấp giấy chứng nhận để được hưởng ưu đãi dành cho DN KHCN còn mất nhiều thời gian để hoàn tất và thời hạn giấy chứng nhận chỉ có 5 năm. Do đó DN cũng không mặn mà với việc CGCN.

Bên cạnh đó, CGCN từ nước ngoài vào trong nước còn liên quan đến việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Cùng với đó, việc xử phạt hành vi vi phạm chưa đủ sức răn đe, cụ thể như theo Nghị định 99 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, mức xử phạt cao nhất chỉ đến 250 triệu đồng đối với cá nhân và 500 triệu đồng đối với tổ chức; Nghị định 64 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động KHCN, CGCN tối đa 50 triệu đồng đối với cá nhân, 100 triệu đồng đối với tổ chức. Các mức xử phạt hành chính này không có cơ chế bồi thường thiệt hại, vì vậy bên vi phạm sẵn sàng nộp phạt hành chính.

Theo Sở KH&CN, để đẩy mạnh việc CGCN nói chung và CGCN qua DN FDI nói riêng, trong thời gian tới tỉnh sẽ đẩy mạnh việc CGCN thông qua các mối liên kết, trong đó thực hiện các chương trình liên kết giữa công ty nước ngoài và nhà cung ứng trong nước, bao gồm tư vấn chuyên sâu, đào tạo và chuyển giao công nghệ để thúc đẩy cải tiến quy trình và chuyên môn hóa cao. Đồng thời, tỉnh sẽ tăng cường năng lực hấp thụ công nghệ của các DN thông qua việc đào tạo lực lượng lao động có tay nghề và sự tương tác của DN với các tổ chức giáo dục, đơn vị đào tạo; tăng cường hoạt động R&D về công nghệ ở địa phương… Bình Dương cũng kiến nghị Trung ương rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành để sửa đổi, bổ sung kịp thời nhằm bảo đảm tính thực thi đối với hoạt động CGCN; điều chỉnh, sửa đổi các chính sách hỗ trợ trong hoạt động CGCN…

 Tính từ năm 2005 đến tháng 4-2017, Sở KH&CN đã xác nhận 24 hợp đồng CGCN từ nước ngoài, trong đó có 18 hợp đồng CGCN thuộc các ngành công nghiệp hỗ trợ, 6 hợp đồng thuộc ngành cơ khí chế tạo và 1 hợp đồng CGCN trong nước.

 

 HOÀNG PHẠM

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên