Chuyện một thầy thuốc quân y

Cập nhật: 07-02-2015 | 08:52:17

Ông là một thầy thuốc trưởng thành từ chiến trường. Hòa bình lập lại, ông tập trung cho công tác chuyên môn, luôn chân tình cùng đồng đội và hết lòng với bệnh nhân. Ngoài thành đạt trong công tác, ông có một gia đình hạnh phúc mà ai từng biết cũng ngưỡng mộ…

Bác sĩ Phạm Khắc Triệu tặng quà cho người nghèo trong một chuyến khám bệnh từ thiện

Từ nỗi đau của đồng đội

“Chiến tranh với sự khốc liệt, tàn bạo của nó không thể hình dung hết được qua những câu chuyện kể, qua văn chương dù bạn giỏi tưởng tượng cỡ nào. Phải trực tiếp chứng kiến mới cảm nhận tận cùng nỗi đau. Tôi từng ngồi lặng trên đồi khi chiều xuống, chứng kiến đồng đội mình ra đi hay bị tàn tật vĩnh viễn vì bom đạn. Một trong những buổi chiều như thế, tôi quyết tâm phải làm bác sĩ (BS) để cứu đồng đội mình và cứu giúp mọi người”… Đưa tôi đi thăm các khu khám bệnh, điều trị của Bệnh viện 4 (BV 4) - Quân đoàn 4, Đại tá - BS. Phạm Khắc Triệu, Chính ủy BV 4 - Quân đoàn 4 tâm sự như thế khi nói về cơ duyên đưa ông đến với ngành y.

Ông sinh năm 1961, quê ở xã Yên Phúc, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Lớn lên ông nhập ngũ và cuộc sống ở chiến trường làm cho ông trưởng thành nhiều hơn. Ông kể: “Ngày đó, chiến sự ác liệt lắm và các trạm xá dã chiến quá thô sơ. Anh em bị thương chuyển về không đủ thuốc men, dụng cụ y tế nên họ phải chịu đau đớn thật nhiều. Có những ca bị thương nặng không cứu được nên đồng đội phải gạt nước mắt nhìn bạn mình ra đi. Tôi quyết tâm phải làm một việc gì đó để giúp anh em chứ nhìn mãi cảnh này đau lòng lắm. Những cái chết đến tức tưởi khi đồng đội mới mười chín đôi mươi, người còn sống cũng cụt tay, chân khiến tôi càng quyết tâm hơn. Tôi đã tiếp tục học để thi vào Học viện Quân y khóa 18 (1983-1989). Ngày đó tôi mới 22 tuổi…”.

Sau khi tốt nghiệp ở Học viện Quân y, ông tiếp tục vừa học vừa làm và hiện nay là BS chuyên khoa nội 1. Công việc và những bệnh nhân - đồng đội cứ cuốn ông ngày một gắn bó hơn với sự nghiệp cứu người. Ông được điều chuyển về Sư đoàn 7 và từng có thời gian công tác tại nước bạn Campuchia. Ngoài phục vụ cho quân đội Việt Nam, ông còn khám, điều trị cho người dân Campuchia và được mọi người yêu quý bởi sự nhiệt tình, chất phác.

Trọng y đức và làm gương cho người thân

Đó là cách mà BS Triệu tự đề ra cho mình trong cuộc sống, trong công việc. Là một lãnh đạo, rất bận rộn với công tác ở đơn vị nhưng ông luôn đồng hành với đồng nghiệp trong các chuyến khám bệnh từ thiện. Anh Nguyễn Văn Hà, cán bộ Ban Chính trị của BV 4 - Quân đoàn 4 cho biết, được sự quan tâm, hỗ trợ của lãnh đạo đơn vị mà cụ thể từ đồng chí Chính ủy, từ năm 2011 đến nay, BV đã chủ động liên hệ, phối hợp với các đơn vị kết nghĩa tổ chức được 61 đoàn y, BS khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho các gia đình chính sách, khó khăn tại các tỉnh Quảng Trị, Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Cà Mau... với 17.950 lượt người, trị giá tiền thuốc và quà hơn 1 tỷ đồng. Trong đó, BS Triệu trực tiếp tham gia 40 đoàn, khám bệnh, cấp thuốc miễn phí được 11.770 lượt người. Cùng với việc thực hiện tốt công tác khám bệnh, cấp thuốc miễn phí tại các địa phương, ông còn thường xuyên quan tâm đề xuất Đảng ủy - Ban Giám đốc chỉ đạo các cấp thực hiện tốt công tác thăm hỏi gia đình chính sách trên địa bàn và các địa phương. Sự nỗ lực, cố gắng của ông cùng đội ngũ cán bộ, nhân viên tham gia khám bệnh từ thiện ở các địa phương đã nhận được những lời ngợi khen của chính quyền và nhân dân, làm sáng ngời thêm phẩm chất truyền thống tốt đẹp của người chiến sĩ quân y cách mạng trong giai đoạn hiện nay, tăng thêm sự gắn bó đoàn kết chặt chẽ quân dân.

Là người khá khiêm tốn nên ông ít nói về thành tích của mình nhưng khi nói về gia đình, ánh mắt ông ngời lên niềm vui. Điều khiến ông tự hào là gia đình hạnh phúc của ông có đến 3 người thân yêu đi theo con đường “y nghiệp”. “Có được những thành công hôm nay, có được cuộc sống sung túc, đủ đầy như thế này là cả sự cố gắng rất lớn của bản thân tôi cùng người bạn đời của mình. Các con tôi cũng noi gương ba mẹ nên học rất tốt và các cháu đều theo ngành y”, BS Triệu chia sẻ. Vợ ông - cô Vũ Kim Oanh trước đây là giáo viên, từng có thời gian công tác tại Hớn Quản, Bình Phước và đối mặt với những cơn sốt rét rừng... Để tiện chăm sóc gia đình, cô xin nghỉ dạy và tiếp tục ôn thi, “theo ngành y của chồng để sau này phụ chồng một tay”. Con trai đầu của BS Triệu là anh Phạm Vũ Trường cũng theo nghề ba mẹ, hiện đang là BS chuyên khoa Tai mũi họng thuộc BV 4 - Quân đoàn 4. Con gái út của BS Triệu là Phạm Thị Kim Anh cũng tiếp tục theo ngành của ba mẹ và anh trai. Cô con gái này hiện đang theo học tại trường Đại học Y dược TP.HCM.

Quá trình phấn đấu, tận tụy của BS Triệu được ghi nhận qua rất nhiều thành tích do Cục Hậu cần, Bộ Tư lệnh Quân đoàn, Bộ Y tế và UBND tỉnh Bình Dương khen tặng. Nói về mình, điều mà ông hạnh phúc nhất là cả 4 thành viên trong gia đình đều theo nghề y nên “rất hiểu và thông cảm cho nhau”. Cuộc sống gia đình hạnh phúc, sự nghiệp vững vàng là những thành quả mà một BS quân y tận tụy đã gặt hái được.

Tháng 1-2007, BS Triệu được chuyển công tác về BV 4 - Quân đoàn 4. Từ đó đến nay, ông góp phần rất lớn cho việc xây dựng và phát triển đơn vị. Hiện nay, đội ngũ y, BS, nhân viên của đơn vị lên đến hơn 400 người, trong đó có 60 BS. BV có quy mô ban đầu là 120 giường, nhưng có khi thực kê gần 400 giường, công suất sử dụng giường bệnh đạt 80 - 85%. VẤN THẨM

 

QUỲNH NHƯ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên