Chuyện những phóng viên đài phát thanh cơ sở

Cập nhật: 19-06-2017 | 08:15:19

Trong “làng báo”, chúng tôi vẫn thường bảo phóng viên Đài Truyền thanh huyện, thị, thành phố là những người đa năng. Hầu hết trong số họ đều có thể đảm đương được nhiều vai trò từ phóng viên, quay phim, dựng hình, phát thanh viên, biên tập đến trực kỹ thuật; đồng thời họ cũng luôn nhạy bén, sâu sát với cơ sở. Để có những bản tin, chương trình hấp dẫn cộng tác cùng Báo Bình Dương, trên sóng phát thanh, truyền hình, website của tỉnh, các phóng viên, biên tập viên đài huyện thị luôn phải nhạy bén với nguồn tin từ cơ sở...

 

 Phóng viên, biên tập viên Hồng Nga từng là một phát thanh viên quen thuộc của Đài Truyền thanh Dầu Tiếng

 Phóng viên “đa năng”

Có dịp trò chuyện với những phóng viên công tác tại một số đài truyền thanh ở cơ sở mới nhận ra sự tâm huyết cũng như những kinh nghiệm hết sức quý báu mà các anh chị chia sẻ. Họ là những phóng viên rất “đa năng”. “Cái tài” của đội ngũ phóng viên đài truyền thanh là hầu như việc gì cũng làm được. Khi đi tác nghiệp tại cơ sở chỉ một mình, vừa vác máy quay, cầm micro theo sát đoàn công tác để quay phim, phỏng vấn, vừa phải tập trung cao độ nắm bắt, thu thập thông tin tư liệu cần thiết cho hoạt động tác nghiệp.

Từ 4 năm nay, cùng chiếc máy quay phim, anh Nguyễn Trung Hiếu - Phóng viên Đài Truyền thanh TX.Bến Cát còn “xung trận” khắp các phường, xã để thực hiện những bản tin, bài viết về mọi mặt đời sống. Anh Hiếu chia sẻ: “Thực sự mà nói khi bước chân vào nghề tôi mới cảm nhận được sự đam mê của mình đối với nghề. Tôi nghĩ chỉ có đam mê con người ta mới có sức mạnh, dấn thân phục vụ cho nghề và cho đời”. Công việc chính của anh Hiếu hiện tại là quay phim, viết tin, bài rồi dựng phim, có khi, trong trường hợp kỹ thuật thu dựng chương trình phát thanh có việc bận thì anh sẽ trở thành cán bộ kỹ thuật thu và dựng chương trình thời sự. Anh thường xuyên gửi tin, bài cộng tác với Đài Phát thanh-Truyền hình Bình Dương và Báo Bình Dương một cách nhanh chóng và chính xác.

Còn đối với phóng viên Hồng Nga, chị vừa là tổ trưởng tổ phóng viên, biên tập viên và từng là phát thanh viên trước đó của Đài truyền thanh huyện Dầu Tiếng. Trò chuyện với chúng tôi, chị cho biết nghề nào cũng có đặc thù riêng, nhưng với chị, đôi khi sự mệt mỏi đến tận cùng ấy đem lại những hạnh phúc lớn lao. Chị khẳng định rằng, phải yêu nghề, tâm huyết với nghề thì mới có thể làm tốt được công việc. Quả thực, nghề báo ngoài những kỹ năng chuyên môn còn đòi hỏi ở mỗi phóng viên một thể lực tốt, dẻo dai, năng động, sự nhạy bén, tinh tường… Đó cũng là những tiêu chí “hơn người” để họ có thể đương đầu với thử thách, dấn thân vào môi trường nhiều áp lực. Chị mong rằng, sẽ có được nhiều buổi tập huấn hay cơ hội giao lưu, học hỏi với các đồng nghiệp khác để nâng cao kiến thức nghiệp vụ của mình.

Đối với tất cả nghề nói chung và nghề báo nói riêng đều có sự thăng hoa, thú vị và vất vả riêng, quan trọng là chúng ta có thích ứng được hay không. Với họ, được làm nhiều việc khác nhau lại là điều thú vị vì tạo cho mình được sự năng động và tìm hiểu được nhiều kiến thức từ nhiều đối tượng và ngành nghề mà mình tiếp xúc. Phóng viên trẻ Hoàng Tú, Đài Truyền thanh huyện Bàu Bàng cũng vậy. Tú là một phóng viên viết tin, bài kiêm luôn kỹ thuật viên xử lý hình ảnh, quay phim và dựng phim. Tú cũng mong sẽ được cống hiến hết mình, mong được học hỏi các anh chị đồng nghiệp để ngày càng tiến bộ hơn.

Những kỷ niệm…

Vị trí, vai trò của đài phát thanh cơ sở ngày càng được nâng cao. Đây là điều kiện thuận lợi cho anh em phóng viên ở cơ sở có cơ hội thể hiện sự năng động, nhạy bén trong tác nghiệp, để đưa thông tin, hình ảnh lên sóng phát thanh - truyền hình và cộng tác với báo, đài ở các cấp. Và chuyện nghề của những phóng viên “đa năng” quả thật có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ. “Ở đài, tôi được phân công phụ trách khối Đảng. Trong suốt quãng thời gian vào nghề, điều đọng lại mà làm tôi phải suy nghĩ nhiều nhất đó là những lần đi tác nghiệp tại các chương trình phát quà cho trẻ em nghèo. Những ánh mắt của những em bé như xoáy sâu vào tâm trí, thôi thúc tôi phải quay lại làm một điều gì đó để giúp đỡ họ. 13 năm công tác trong nghề, cứ những ngày hội hè, lễ tết, lúc mọi người được nghỉ ngơi vui chơi thì tôi và đồng nghiệp phải làm việc cật lực, có năm giao thừa vẫn đang ở ngoài đường”, chị Hồng Nga tâm sự.

Anh Trung Hiếu nhớ lại: “Chuyện nghề của những người vác máy quay như chúng tôi có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Trong chuỗi những kỷ niệm đó, tôi nhớ nhất là những ngày đầu mới đi làm, cầm máy quay phim mà người cứ run lên không dám đứng trước mặt đại biểu, chỉ dám quay sau lưng, đến khi đổ hình ảnh ra chỉ có sau lưng không thấy mặt đại biểu đâu”. Gần đây nhất, anh cùng với đoàn lãnh đạo TX.Bến Cát đi thăm tân binh tại vùng 4 Hải quân, tại Cam Ranh, Khánh Hòa. “Đây là lần đầu tiên tôi được đến đó để tác nghiệp, nhìn thấy các em với quân phục màu trắng hải quân tôi cảm thấy rất xúc động và thiêng liêng, nên tôi đã quay hình ảnh từng chiến sỹ để gửi đến những người thân của họ tại quê nhà TX.Bến Cát, để họ được an lòng khi con mình khỏe mạnh, rắn chắc và kiên cường đang ngày đêm bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”, anh Hiếu cười khi nhắc đến những kỷ niệm trong nghề của mình.

Không quản ngại khó khăn, vất vả, hàng ngày, hàng giờ, đội ngũ cán bộ, nhân viên ở các đài huyện, thị, thành phố vẫn luôn cần mẫn, nỗ lực đưa thông tin tuyên truyền mọi đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, sự phát triển cũng như các hoạt động của từng địa phương đến với mọi người dân. Chính họ đã góp phần dệt nên những bức tranh đa màu của cuộc sống.

 HUỲNH THỦY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên