Chuyện về một người thầy

Cập nhật: 04-01-2019 | 14:37:37

“Mình vừa là thầy vừa là bạn thân, học trò mới tin tưởng. Khi học sinh (HS) đủ tin tưởng, các em sẽ chia sẻ những “rắc rối tuổi teen” với thầy. Bởi khi đó, thầy được HS coi là bạn...”. Đó là lời tâm sự của thầy Nguyễn Hữu Trí, giáo viên dạy nhạc, Tổng phụ trách Đội trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai (TP.Thủ Dầu Một).

Người thầy mẫn cán và thân thiện

Nhân dịp 20-11, ngày tri ân nhà giáo vừa qua, chúng tôi đến dự lễ ở trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai. Thấy tôi ngạc nhiên về thành tích của thầy Nguyễn Hữu Trí, một giáo viên ngồi gần bên nói: “Thầy Tổng phụ trách Đội của trường mình đó. Nhiều thành tích lắm nghe. Thầy cũng là một trong những giáo viên của trường mà HS tin tưởng để gửi gắm những câu chuyện của các em, từ đó cùng nhau giải quyết những rắc rối của tuổi mới lớn mà có khi phụ huynh cũng không biết để giúp các em”.


Thầy Nguyễn Hữu Trí
(thứ 2, từ phải qua) cùng đồng nghiệp nhận bằng khen trong ngày 20-11

Tìm hiểu thì được biết, thầy Nguyễn Hữu Trí (SN 1972, ở phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một) vui mừng và tự hào khi vừa được nhận 2 bằng khen xứng đáng: Đã có thành tích xuất sắc trong công tác Đội, đạt giải thưởng Cánh Én Hồng - 2018, được Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo và Bí thư Ban Chấp hành Trung ương đoàn ký tặng là Tổng phụ trách Đội tiêu biểu toàn quốc. Nhìn vào bề dày thành tích của thầy trong hơn 24 năm qua của một cuộc đời gắn bó với giáo dục thật đáng nể phục. “Từ cấp thành phố đến tỉnh, từ sở đến Bộ Giáo dục - Đào tạo, từ Tỉnh đoàn đến Trung ương đoàn thầy Trí đều đạt thành tích hết cả rồi”, một đồng nghiệp của thầy chia sẻ.

Thầy Nguyễn Hữu Trí tốt nghiệp ngành đào tạo sư phạm âm nhạc của Nhạc viện TP.Hồ Chí Minh. Từ đó, thầy vừa là giáo viên dạy nhạc vừa làm Tổng phụ trách Đội năng nổ, hoạt bát và nhiệt tình. Ngoài các mô hình chung của học đường như kế hoạch nhỏ, học tập và làm theo lời Bác, thầy Trí tập trung quan tâm đến các chủ đề khá nóng hiện nay như bạo lực học đường, kỹ năng sống, trong đó có kỹ năng giải quyết khi có xung đột xảy ra giữa các HS. “Ý nghĩa giáo dục là làm sao cho HS có hành vi về bạo lực học đường hiểu hơn về việc mình làm là đúng hay sai, giúp các em có tinh thần lạc quan hơn, có thái độ giao tiếp ứng xử đúng mực cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Từ đó có cái nhìn tổng quát hơn các mối nguy hiểm về thể xác cũng như tinh thần do bạo lực gây ra. Ngoài ra, nhà trường phải là nơi tạo nhiều sân chơi lành mạnh bổ ích cho HS nhằm ngăn chặn bạo lực xảy ra trong nhà trường”, thầy Trí cho biết. Thầy Trí cũng chia sẻ về việc xây dựng được cơ chế phối hợp chặt chẽ môi trường giáo dục: Gia đình - nhà trường - xã hội. Tổ chức nhiều hoạt động ở trường giúp các em HS giải tỏa được tâm lý. Về “Kỹ năng giải quyết xung đột tại Liên Đội trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai” lại là một mô hình sáng kiến của thầy Trí được công nhận. Ý nghĩa của mô hình này là rèn cho HS kỹ năng tự kiểm soát và kiềm chế của bản thân; tự tìm giải pháp để tránh xung đột...

Vui khi học sinh tin tưởng

Tôi để ý, không hề nghe thầy nói từ “HS cá biệt” mà thầy cho đó là các “HS đặc biệt”. Bởi các em đặc biệt khi có một hoàn cảnh khác với các em bình thường. Gia đình gặp sóng gió, cha mẹ ly hôn... đó là những khó khăn và khiến cho các em HS đang tuổi vô tư, hồn nhiên bị sốc nặng nề về suy nghĩ, tình cảm từ đó thay đổi luôn thái độ, hành vi. Đặc biệt, có khi nhiều bạn nữ không đằm thắm, nhu mì như một số bạn bè cùng trang lứa. Các em có sự phản kháng, “ưa nổi loạn” cũng để thể hiện bản thân mình. Khi đó, giáo viên phải là người biết nhìn sâu vào trong tâm hồn các em mới thấy được những sóng gió, để giúp các em bình tâm trở lại. “Em K. là một HS bỗng dưng bỏ học, không muốn học hành gì nữa. Đến lớp cũng lặng lẽ. Nếu ai chọc giận, em ấy sẽ “ăn thua đủ” với bạn ngay. Sau một thời gian dài như thế, gia đình hầu như không còn cách nào để cho con mình bình thường trở lại thì họ cũng bỏ bê luôn. Việc học của em gần như bế tắc. Biết được điều này, thầy Trí đã ân cần thăm hỏi động viên cùng em giải quyết từng rắc rối từ chuyện gia đình đến học hành và giúp em vui tươi trở lại. Em không còn chống đối với người thân, không còn phản kháng với việc học. Em K. đã nghe lời thầy Trí, đã tâm sự với thầy mọi chuyện để học hành đến nơi đến chốn. Hiện tại em đang học đại học và thỉnh thoảng thầy trò vẫn gặp nhau hoặc trao đổi thông tin qua mạng xã hội. Đó là một trong những “ca khó” mà thầy Trí đã “điều trị” thành công...”, thầy Trí kể.

Giáo dục kỹ năng sống cũng là điều mà thầy Trí luôn chú tâm thực hiện. Với thầy, những HS đặc biệt luôn cần phải được gần lắng nghe và chia sẻ. Tự kỷ, trầm cảm... là những điều mà HS ở lứa tuổi này thường mắc phải nếu các em gặp một sự cố nào đó về tình cảm gia đình, bạn bè. Thầy Trí cũng kể nhiều em hầu như không chuyện trò với ai, sống khép kín thu mình và không muốn giao du với ai cả. Thế là trong giờ dạy nhạc, thầy đã mời em đó lên hát. Dù đúng hay sai thì thầy cũng khen và bảo rằng “em bản lĩnh lắm khi em chiến thắng sự sợ hãi trước đám đông”. Tự tin để nói lên, hát lên trước cả lớp đã là một thành công của em HS đó. Cứ thế, từ những lời khích lệ động viên, thầy đã làm cho em học trò này tự tin hơn về bản thân mình. Từ một em HS đến lớp không chơi với ai thì nay em đã linh hoạt hơn, vui chơi cùng bạn bè trong những buổi sinh hoạt chi đội, liên đội, sinh hoạt lớp... Thầy Trí cũng chú ý đến em và động viên khuyến khích em tham gia các trò chơi tập thể, trò chơi vận động để em tránh suy nghĩ, hành động tiêu cực.

Trong lúc mà xã hội đang xôn xao về những chuyện không hay về giáo dục, đạo đức học đường gần như là một hồi chuông báo động, bạo lực học đường làm phiền lòng giáo viên, phụ huynh... thì những người thầy như thầy Nguyễn Hữu Trí thật đáng trân trọng. Bởi từ những việc làm tưởng như nhỏ bé âm thầm này nhưng đã dần dần xây dựng những nhân cách tốt đẹp. Thầy đã ươm những hạt mầm thiện lương cho HS để từ đó, các em vươn lên sống tốt hơn, có trách nhiệm hơn với bản thân, gia đình và xã hội.

Một số thành tích của thầy Nguyễn Hữu Trí:

Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giáo dục - 2014; Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh nhiều năm liền; bằng chứng nhận của Bộ Giáo dục - Đào tạo “Là giáo viên làm Tổng phụ trách Đội giỏi tiêu biểu cấp Quốc gia” - 2015; bằng khen của Trung ương đoàn TNCS HCM “Đã có thành tích xuất sắc trong công tác Đội và phong trào thiếu nhi” nhiều năm liền; bằng khen Chủ tịch UBND tỉnh “Đã có thành tích xuất sắc trong cuộc vận động Vì đàn em thân yêu” - 2016; bằng khen Hội đồng Đội Trung ương “Đã có thành tích xuất sắc trong Liên hoan Tổng phụ trách Đội giỏi” Cụm miền Đông Nam bộ - 2016; giải thưởng Cánh Én Hồng - 2018...

TRẦN QUỲNH NHƯ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên