Chuyện về nhóm giáo dục viên đồng đẳng: Nước mắt xen lẫn nụ cười

Cập nhật: 14-11-2011 | 00:00:00

Những câu chuyện của nhóm GDVĐĐ đã thực sự gây ấn tượng cho chúng tôi. Chị Đặng Thị Trinh vốn có cuộc sống gia đình không hạnh phúc, vì người chồng sa vào nghiện hút mà gia đình tan vỡ, một mình chị phải làm lụng để nuôi 2 con nhỏ. Chị Trinh chia sẻ: “Cũng chính từ cảm nhận nỗi đau riêng của mình mà tôi đã tích cực tham gia các hoạt động xã hội từ gần 10 năm nay”. Không chỉ là một thành viên năng động của nhóm đồng đẳng World Bank, cách đây hơn

1 năm, chị tự lập trang web socolasex.com tư vấn cho cộng đồng về tình dục an toàn, về nguy cơ lây nhiễm và hướng điều trị HIV; phát bao cao su miễn phí... Đến giờ, trang web này đã thu hút hơn 130.000 lượt truy cập, trung bình mỗi ngày có khoảng 300 lượt truy cập với hơn 270 thành viên. Trong nhóm đồng đẳng, chị được giao phụ trách nhóm tiếp viên nữ tại các vũ trường, nhà hàng, massage... Chị đã bỏ nhiều công sức để tiếp cận và tuyên truyền, thuyết phục những người này các biện pháp về tình dục an toàn, tư vấn cho không ít trường hợp nhiễm HIV biết cách điều trị...

Tương tự hoàn cảnh của chị Trinh, chị Lê Hồng Yến có người nhà bị dính vào ma túy nên quyết định tham gia vào nhóm GDVĐĐ. Mới đầu tham gia chị bị một số người nhà không cho tới nhà chơi, nhưng về sau chính những người thân này cũng hiểu được ý nghĩa và cảm thông nên không phản đối việc làm của chị nữa. Công việc chủ yếu của chị là phát bao cao su ở các nhà hàng khách sạn, thời gian hoạt động thường vào 18 giờ chiều hàng ngày. Chị Yến tâm sự: “Thời gian đầu, công việc tư vấn của tôi cũng gặp không ít khó khăn do một số chủ quán và hầu hết các tiếp viên không chịu tiếp xúc. Nhưng nhờ sự kiên trì nên tôi đã dần dần thuyết phục được họ”. Ngoài ra, chị còn mở một quán trà sữa và đây cũng là một địa điểm thu hút rất nhiều những bạn trẻ tới để tư vấn. Phương châm hoạt động của nhóm chị là “mưa dầm thấm lâu”. 

Còn công việc hàng ngày của chị Hoàng Thị Phượng là tiếp xúc nhóm gái mại dâm đứng ngoài đường. Thời gian tiếp xúc với đối tượng này thường xuyên bị gián đoạn, lắm khi chỉ mới bắt đầu làm quen thì họ có khách gọi, bỏ đi ngay lập tức. Thế là chị buộc phải bắt đầu lại từ đầu. Nhưng chị vẫn không nản chí. Tiếp cận cách này không được, chị nghĩ ra những cách tiếp cận khác, với mục đích tiếp cận và gần gũi với những người cần trợ giúp. Nhờ đó, càng về sau chị càng được mọi người biết đến, các cuộc chuyện trò, tâm sự cũng cởi mở, chân thành hơn. Chị kể, có những lần khi đang tư vấn thì công an đến truy quét, chị cũng bị bắt về đồn. Phải đến khi chị nói thật về công việc của mình thì mới được họ thả về.

Tuy mỗi người một hoàn cảnh khác nhau, nhưng họ lại có điểm chung đó là tham gia vào nhóm GDVĐĐ, để cùng tham gia hoạt động, chia sẻ làm giảm bớt sự lây lan HIV/AIDS trong cộng đồng. Thành viên của nhóm phần lớn là người thuộc diện trong nhóm đối tượng có nguy cơ cao. Họ được tập huấn thường xuyên các kiến thức về HIV/AIDS, từ cách phòng lây nhiễm đến việc tiếp cận, vận động, tư vấn, hỗ trợ chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS tại cộng đồng... Nhờ vậy, các thành viên của nhóm khi tiếp cận các đối tượng nghiện chích ma túy, tiếp viên trong các nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí, nhóm dân cư di biến động... thuận lợi, dễ dàng hơn. Thông qua đó, họ tuyên truyền, hướng dẫn các đối tượng thay đổi hành vi gây nguy cơ lây nhiễm HIV; hướng dẫn sử dụng bơm kim tiêm sạch, sử dụng bao cao su đúng cách; vận động, giới thiệu đối tượng tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ khám chữa bệnh, tư vấn xét nghiệm tự nguyện...

Anh Thành sống trong một gia đình khá giả, từng “chơi” thuốc phiện từ năm 17 tuổi. Trước đây anh đã từng dùng nhiều biện pháp để cai nghiện, nhiều lần bị tái nghiện, nhưng nhờ sự động viên của gia đình anh đã từ bỏ được. Đây cũng là một điều kiện để anh tham gia vào nhóm GDVĐĐ. Công việc của anh là phát bơm kim tiêm. Anh Thành cho biết, mới đầu công việc cũng gặp không ít khó khăn do những người xung quanh cho là không những không dẹp được ma túy, mà còn “tiếp tay” cho những người nghiện. Phải mất một thời gian dài để giải thích thì mọi người mới hiểu và ủng hộ công việc của anh. Anh Thành kể: “Một trong những yêu cầu của công việc là phải tiếp xúc được những người nghiện mới, tôi cùng các thành viên trong nhóm mỗi người góp 100.000 đồng để tới những quán hàng ngồi ăn uống, để có điều kiện tiếp xúc với những tiếp viên làm trong nhà hàng nhằm tuyên truyền họ về các biện pháp phòng chống AIDS”. Anh cho biết, hình thức hoạt động này mang lại nhiều hiệu quả rất tích cực.

Anh Khanh là một thành viên của nhóm World Bank, có nhiệm vụ phát bơm kim tiêm cho người nghiện ma túy. Công việc đòi hỏi anh phải thường xuyên tiếp cận với người nghiện, nên ban đầu bị gia đình phản đối quyết liệt. Không chỉ gặp phải phản ứng của gia đình, mà cuộc sống của anh cũng không bình yên khi nhiều lần, những người nghiện đến gõ cửa nhà anh vào ban đêm để nhận kim tiêm, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của gia đình. Để “khắc phục” tình trạng này, về sau anh “nghĩ kế” là để kim tiêm tại nơi cố định, kín đáo trước cửa nhà cho những người có nhu cầu tự tới lấy. Mới đầu mỗi ngày anh để 30 cây kim tiêm, nhưng sau này số lượng kim tiêm được phát tăng lên tới hàng trăm.

Với rất nhiều cách thức hoạt động đa dạng, phong phú, hai chương trình GDVĐĐ Life-Gap và World Bank đã đem lại nhiều hiệu quả, góp phần tạo những thay đổi về hành vi, thói quen trong quan hệ tình dục và tiêm chích ma túy theo hướng an toàn. Chương trình cũng đã thu hút sự quan tâm, ủng hộ và chung tay góp sức của cộng đồng, nhờ đó mà tạo sức lan tỏa khá rộng. Rất nhiều trường hợp người nhiễm HIV đã tìm đến để nhận tư vấn và để được hướng dẫn điều trị. Đây là mô hình tốt, cần được nghiên cứu nhân rộng ra nhiều địa phương trên cả nước, nhất là những điểm nóng về HIV/AIDS.

T.PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên