Chuyện về những người “vác tù và hàng tổng”

Cập nhật: 20-11-2014 | 11:23:03

“Không ngại khổ, chỉ ngại vận động không thành”, đó là suy nghĩ chung của những cán bộ hòa giải, tuyên truyền viên. Với họ, đem hạnh phúc đến cho người khác cũng là đem niềm vui đến cho chính mình. Có người nói vui về công việc của mình là “Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng!”.

Đi đến tận cùng sự việc

Chị Lê Thị Ngọc Châu là chủ một tiệm tạp hóa, ngoài việc buôn bán và chăm sóc gia đình, thời gian còn lại chị dành cho công tác xã hội. Từ năm 1994, chị Châu đã đảm nhận vai trò Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ KP.5, phường Chánh Nghĩa (TP.Thủ Dầu Một). Hơn 20 năm gắn bó với công tác hòa giải ở khu phố, chị luôn hết mình vì công việc mình đã chọn. Nói về công tác hòa giải, mắt chị ánh lên niềm vui: “Phần lớn những trường hợp khó là những vụ việc lục đục của các cặp vợ chồng, hoặc các vụ tranh chấp đất đai. Tuy nhiên, mỗi khi hòa giải thành một vụ, chúng tôi vui lắm”.

Chị Lê Thị Ngọc Châu (thứ ba từ trái qua) cùng các hội viên trong chi hội bàn về kế hoạch hoạt động trong thời gian tới. Ảnh: T.TRANG

Chị Châu kể, có lần chị và tổ hòa giải đã thất bại với một trường hợp giải quyết mâu thuẫn vợ chồng. Người vợ dáng vẻ tiều tụy than thở rằng chồng đã bạo hành chị cả thể xác lẫn tinh thần. Chị làm công nhân, chồng không cho dùng xe đi làm. Tiền bạc đều do chồng quản lý, mỗi lần đi chợ, dù dư vài ngàn đồng cũng phải trả lại cho chồng. Khi tổ hòa giải đến, người chồng giả vờ như gia đình rất yên ấm, anh ta tỏ ra hết sức yêu thương vợ trước mặt khách. Biết “màn kịch” của người chồng nhưng tổ hòa giải chỉ biết động viên nhẹ nhàng rồi… ra về. Sau đó, cô vợ vẫn tiếp tục sống trong “cảnh khổ” với người chồng. Đến khi không thể chịu đựng được nữa, người vợ đã bỏ nhà ra đi. “Đó là vụ hiếm hoi chúng tôi hòa giải không thành. Cũng khoảng 8 năm trôi qua nhưng tôi vẫn chưa nguôi ray rứt và xem đó như một bài học kinh nghiệm trong công tác hòa giải là phải đeo bám đến tận cùng sự việc”.

Chị Châu còn kể cho chúng tôi nghe về những lần tổ hòa giải khu phố bị đối tượng cản trở, làm khó. Có khi thấy đoàn hòa giải đến, đối tượng tỏ ra tức giận, la mắng hoặc đóng cửa không tiếp. Dù có khó khăn thế nào thì chị vẫn quyết tâm đeo đuổi sự việc đến cùng và luôn tìm ra hướng giải quyết.

Đi từng ngõ, gõ từng nhà…

Chị Nguyễn Thị Tươi (ngụ KP.Ngãi Thắng, phường Bình Thắng, TX.Dĩ An) đã vượt qua không ít khó khăn vì vừa cáng đáng chuyện nhà vừa dành thời gian cho công tác dân số kế hoạch hóa gia đình ở địa phương. Chị kể, có lần cùng đồng nghiệp vận động một cặp vợ chồng nọ không nên sinh con thứ ba thì bị anh chồng nạt nộ, cáu gắt vì cho rằng đó là “chuyện gia đình họ”. “Đặc biệt có cặp vợ chồng sinh tới ba con, khi tổ đến vận động thì họ hứa ngừng sinh, một thời gian sau lại thấy người vợ có thai đứa thứ tư. Nhiều lúc mệt mỏi nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm đi lại thuyết phục để họ hiểu cho được hệ lụy của việc sinh nhiều con”, chị Tươi chia sẻ.

Trong thời gian tham gia công tác, chị đã vận động, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục Pháp lệnh Dân số cho rất nhiều gia đình, từ đó góp phần kéo giảm đáng kể tỷ lệ sinh con thứ ba trong khu phố. Tận dụng những ưu điểm của mình là cách trò chuyện chân thành, hòa đồng cùng những kinh nghiệm tuyên truyền đã tích lũy qua nhiều năm tháng, đến nay chị Tươi không gặp khó khăn khi tiếp cận với các hộ gia đình để vận động. Chị Tươi cho biết: “Đầu tiên phải tiếp cận cho được những hộ có một hoặc hai con để vận động. Nhiều cặp vợ chồng còn có quan niệm rất lạc hậu về phương pháp triệt sản. Có người bảo nếu triệt sản sẽ bị ảnh hưởng thần kinh, bệnh tật… nên nhất quyết không đi. Có người lại cho rằng con cái là “lộc trời” nên phải đón nhận hoặc cố kiếm cho được đứa con trai, chính nhận thức như vậy dẫn đến nhiều hệ lụy. Người làm công tác tuyên truyền, vận động vì vậy cũng phải cần đức tính kiên trì và cái “tâm” với nghề”. Hơn 10 năm qua chị Tươi không ngại khó, ngại khổ để làm tốt công tác này. Không chỉ tuyên truyền, vận động chị còn phụ trách những vấn đề liên quan đến bà mẹ, trẻ em như vận động phụ nữ tham gia các hoạt động đoàn thể, vận động trẻ em đến trường. Với tinh thần nhiệt tình, xông xáo, dù ở lĩnh vực nào chị đều hoàn thành tốt vai trò của mình và được bà con lối xóm tin yêu.

Công an tỉnh vừa phối hợp Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh tổ chức sơ kết thực hiện Nghị quyết liên tịch số 01/2002/NQLT về quản lý, giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội năm 2014. Theo báo cáo, trong năm qua, công tác phối hợp giữa lực lượng công an và hội phụ nữ các cấp đã có những chuyển biến tích cực trong công tác trao đổi thông tin, xây dựng các mô hình câu lạc bộ, phát động phong trào phòng chống tội phạm cũng như công tác vận động, quản lý, giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội. Đại tá Nguyễn Hoàng Thao, Phó Giám đốc Công an tỉnh - Trưởng Ban chỉ đạo Nghị quyết liên tịch, đã biểu dương những thành tích của công an và hội phụ nữ các cấp trong việc phối hợp thực hiện nghị quyết liên tịch. Qua tổ chức thực hiện nghị quyết đã tạo điều kiện cho chị em phụ nữ được học tập, trao đổi kiến thức, nâng cao ý thức trong công tác phòng chống các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, từ đó góp phần xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.

L.T.P


TÂM TRANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên