Bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường:

Cơ động kiểm tra các điểm nóng về tài nguyên và môi trường

Cập nhật: 11-12-2014 | 09:11:18

“Kiểm tra, kiểm soát tình hình ô nhiễm trong việc khai thác khoáng sản và môi trường được Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đặc biệt chú trọng. Nhờ vậy, việc phối hợp thanh kiểm tra có nhiều chuyển biến. Đây cũng là cơ sở hoạch định cho kế hoạch thực hiện công tác thanh kiểm tra năm 2015 được tốt hơn”, bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Chánh Thanh tra Sở TN&MT đã cho biết.

 

 Thanh tra Sở TN&MT kiểm tra hiện trạng môi trường ở Công ty TNHH sản xuất gỗ Gosaco, đóng trên địa bàn TX.Tân Uyên

- Cụ thể, đối với cấp tỉnh, sở đã phối hợp tăng cường thanh kiểm tra đối với 448 đơn vị, tăng 17% so với cùng kỳ. Qua đó phát hiện 54/448 đơn vị sai phạm, chiếm tỷ lệ 12% (tỷ lệ vi phạm giảm 30% so với năm 2013), xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 2,8 tỷ đồng, tịch thu tang vật trị giá 418 triệu đồng. Ngoài ra, sở cũng đã tham mưu thành lập rất nhiều đoàn kiểm tra liên ngành cấp tỉnh về hoạt động khai thác khoáng sản, môi trường, đất đai. Theo đó, các huyện, thị, thành phố cũng thành lập đoàn kiểm tra liên ngành về việc khai thác khoáng sản, môi trường... nhằm cơ động trong việc kiểm tra các điểm nóng về lĩnh vực này.

Nhờ hoạt động phối hợp, nên năm 2014, công tác thanh kiểm tra của sở đạt hiệu quả, cơ bản đáp ứng yêu cầu kiểm tra đột xuất.

- Vậy, điểm nổi bật của kết quả này là gì, thưa bà?

- Thứ nhất, việc triển khai công tác thanh kiểm tra có nhiều đổi mới so với các năm trước. Ngay từ đầu năm, sở đã công khai kế hoạch thanh kiểm tra đến từng đối tượng được thanh kiểm tra, tăng cường hướng dẫn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp khắc phục các sai sót trước đây, từ đó nâng cao nhận thức của doanh nghiệp trong việc chấp hành các quy định pháp luật về lĩnh vực TN&MT. Chính vì thế, số doanh nghiệp vi phạm ngày càng giảm.

Thứ hai, tăng cường công tác thanh kiểm tra về số lượng cũng như chất lượng, đặc biệt là chỉ đạo sâu sát của của Ban Giám đốc luôn quan tâm chấn chỉnh công tác thanh kiểm tra. Qua thanh kiểm tra, sở cũng đánh giá đầy đủ yếu tố chủ quan, khách quan, yếu tố tự nguyện khắc phục hậu quả để đề xuất hướng xử lý phù hợp bảo đảm tính giáo dục, tính răn đe và giữ được môi trường đầu tư của tỉnh. Quan trọng là chỉ đạo này hoàn toàn phù hợp với mục đích hoạt động thanh tra theo Luật Thanh tra năm 2010. Đó là qua thanh tra đã phát hiện sở hở trong cơ chế quản lý, cơ chế chính sách để kiến nghị khắc phục, phòng ngừa, giáo dục, cuối cùng là phát hiện và xử lý vi phạm. Do vậy, đa số các đơn vị vi phạm do ngành TN&MT phát hiện và xử phạt đều tâm phục và chấp hành quyết định xử phạt, làm hạn chế tình trạng khiếu nại, khiếu kiện nhiều lần.

- Bà có thể cho biết thêm công tác phối hợp với các ngành và địa phương trong công tác thanh kiểm tra?

- Trong quá trình thực hiện, việc phối hợp với các ngành, các cấp của sở có nhiều thuận lợi. Cụ thể như việc xây dựng kế hoạch thanh kiểm tra để tránh chồng chéo, trùng lắp về đối tượng, nội dung thanh kiểm tra. Và trong công tác thanh kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo luôn có sự phối hợp với các ngành, các cấp để cùng thanh kiểm tra giải quyết, giám sát việc khắc phục của các doanh nghiệp; đặc biệt là phối hợp với lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường trong việc xử lý vi phạm hành chính theo quy định.

- Theo bà, trong khi thực hiện vẫn còn hạn chế chứ?

- Đúng vậy! Đó là do một số quy định của luật, nghị định cần có văn bản hướng dẫn thi hành, nhưng đến nay vẫn chưa được hướng dẫn kịp thời, đầy đủ nên rất khó thực hiện trong thực tiễn. Các nghị định xử phạt vi phạm hành chính về TN&MT còn nhiều điểm bất cập, khó áp dụng, khung hình phạt chưa hợp lý. Đơn cử như Nghị định 179 có quy định về xử phạt hành vi thải mùi hôi, mùi khó chịu vào môi trường, nhưng hiện nay chưa có thiết bị để thu mẫu và phân tích cũng như chưa có ban hành ngưỡng về mùi hôi. Bên cạnh đó, việc lập kế hoạch thanh kiểm tra hàng năm của cấp tỉnh, cấp huyện còn hạn chế, chưa bao quát hết những đối tượng vi phạm hành chính trong lĩnh vực TN&MT.

Cuối cùng là vấn đề nhận thức về công tác bảo vệ môi trường, khai thác, sử dụng tài nguyên của cộng đồng, cơ quan, đơn vị còn hạn chế.

- Thưa bà, ngành TN&MT có giải pháp gì để khắc phục hạn chế và đề ra kế hoạch thực hiện công tác thanh kiểm tra năm 2015?

- Trước tiên, ngành sẽ ưu tiên phúc tra đối với các đơn vị đã kiểm tra năm 2014 có vi phạm và tồn tại. Đối với các lĩnh vực, cụ thể về lĩnh vực đất đai, ngành sẽ phối hợp kiểm tra việc chấp hành pháp luật đất đai, việc thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai của các doanh nghiệp trên địa bàn; các dự án không sử dụng đất hoặc tiến độ sử dụng chậm.

Về lĩnh vực môi trường, ngành sẽ phối hợp kiểm tra công tác bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất có nguy cơ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng như dệt nhuộm, giấy, xi mạ, thuộc da, cao su, chế biến thực phẩm, hóa chất. Đối với lĩnh vực tài nguyên nước, ngành sẽ kiểm tra việc chấp hành pháp luật tài nguyên nước trong thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn nước dưới đất, đặc biệt chú trọng kiểm tra đối với các doanh nghiệp nằm trong vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; kiểm tra việc xả nước thải vào nguồn nước, chú trọng các nguồn thải lớn. Còn đối với lĩnh vực khoáng sản, ngành sẽ kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với các hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản.

- Xin cám ơn bà!

 

M.H (thực hiện)

 

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên