Cố giáo sư Trần Văn Giàu: Bán nhà lấy 1.000 lượng vàng làm việc nghĩa

Cập nhật: 16-01-2015 | 10:37:19

Là một đại trí thức đi làm cách mạng trong những ngày đầu tiên, Giáo sư (GS) Trần Văn Giàu không chỉ để lại cho đời một di sản khoa học lịch sử, triết học đồ sộ mà còn để lại hậu thế một tấm gương mẫu mực, thanh liêm, giản dị, một thần tượng về hành động cao cả khiến nhiều người khâm phục. Càng khâm phục hơn khi ông hiến tặng 1.000 cây vàng từ việc bán căn nhà để thành lập giải thưởng sử học mang tên Trần Văn Giàu.

Nói đến một nhà cách mạng, nhà hùng biện, nhà triết học, bậc thầy của những nhà sử học Việt Nam là những danh xưng mà mọi người thường nhắc đến GS Trần Văn Giàu. Còn nhớ trong lần nói chuyện với sinh viên Trường ĐH KHXH&NV TP HCM, GS Trần Văn Giàu nhắn nhủ: "Tuổi trẻ phải biết ước mơ, mà phải là ước mơ "siêu nhân".

Hay như GS nói: "Làm một nhà cách mạng chuyên nghiệp" là bước ngoặt đầu tiên của anh thanh niên Trần Văn Giàu chọn lựa, để cứu nước, thực hiện ước mơ. Ngày đó, thế hệ trẻ chúng tôi nghe những cụm từ này còn rất xa lạ, phải nhiều năm sau mới hiểu được ẩn ý sâu xa bên trong. Quyết định gia nhập Đảng Cộng sản khi đang du học tại Pháp. Ngày đó, ông cũng lo lắng sợ không thực hiện lời hứa với gia đình sẽ "mang về hai bằng tiến sĩ".

Ai ngờ, ngày vinh quy bái tổ về nước, ông bị trục xuất vì tội tham gia đấu tranh, biểu tình chống Pháp. Nhà cách mạng Trần Văn Giàu đã sử dụng tài diễn thuyết hùng biện với kiến thức sâu rộng, diễn thuyết trước hàng ngàn người giữa Sài Gòn để đánh thức nỗi nhục của một dân tộc mất nước. Địch bắt bỏ tù ông từ Tà Lài, Khám Lớn tới Côn Đảo, ở đâu ông cũng là "giáo sư đỏ" thuyết phục luôn cả lính và cai ngục Pháp về sự chính nghĩa và phi nghĩa của chính quyền thực dân. Ông tổ chức vượt ngục, bôn ba gây dựng lại cơ sở, phát động lại phong trào bị tan rã sau Nam Kỳ khởi nghĩa.

Bà Đỗ Nguyệt Hương cùng Giáo sư Trần Văn Giàu. Ảnh chụp ngày 30-5-2006 tại TP HCM

Theo lời bà Đỗ Nguyệt Hương - Phó tiến sĩ Sử học - nguyên Giám đốc Sở Ngoại vụ Bà Rịa - Vũng Tàu, Chủ tịch Hội KHLS tỉnh kể lại: Lúc ra Bắc, vợ chồng GS Trần Văn Giàu được Nhà nước cấp một căn hộ trong ngôi nhà số 20 Phan Huy Chú - Hà Nội. Cuộc sống thời kỳ đó muôn vàn khó khăn, tất cả đều sinh hoạt theo tiêu chuẩn tem phiếu. Năm 1956, ông dạy sử ở Trường đại học Tổng hợp Hà Nội nên có sổ mua nhu yếu phẩm cao cấp ở cửa hàng Tôn Đản, số lượng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm khá hơn bình thường một chút… Nhưng ông bà luôn dành hết mọi điều kiện cho học sinh miền Nam. Đặc biệt bà Sáu (Đỗ Thị Đạo - bạn đời của GS) nấu ăn rất ngon, thường nấu các món đặc trưng Nam Bộ chiêu đãi mọi người.

Tiến sĩ Đinh Thu Xuân - con gái nuôi của giáo sư kể lại: Mùa đông năm 1946, nguyên Bí thư Xứ ủy Nam Bộ, kiêm Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa Nam Bộ Trần Văn Giàu được Trung ương mời ra Bắc. Do chưa quen với khí hậu khắc nghiệt của miền Bắc và điều kiện vô cùng thiếu thốn của chiến khu Chi Nê (Hòa Bình), ông đã bị sốt rét ác tính, đi tiểu ra máu. Cha đẻ chị Thu Xuân là một cán bộ người Mường đã chăm sóc và chữa bệnh cho ông bằng phương thuốc gia truyền của người Mường. Từ đó hai ông trở thành bạn thân thiết...

Năm 1994, hay tin bạn cũ bệnh nặng, GS Trần văn Giàu gọi  Thu Xuân đến tư gia tại số 70 Phạm Ngọc Thạch, Q.3, TP HCM lấy ra một cặp nhân sâm Triều Tiên và nói: "Đây là quà của Chủ tịch Kim Nhật Thành tặng". Giáo sư đưa một cây cho chị mang ngay về quê để bồi bổ sức khỏe cho cha. Từ việc lớn của quốc gia đến việc nhỏ trong đời thường, GS Trần Văn Giàu là một người rất mẫu mực, chu đáo và rất tình cảm. Hai ông bà không có con, nên mọi tình thương yêu đều dành hết cho khoa học và cho những người thân quen, học trò trong và ngoài nước.

Chuyện kể lại, vào năm 1970, có một nữ nghiên cứu sinh người Liên Xô tên là Tonia sang Việt Nam làm luận án tiến sĩ về đề tài "Cuộc đấu tranh chống Mỹ của nhân dân miền Nam Việt Nam". Sau 2 tháng đi tìm tư liệu từ các đồng nghiệp Viện Sử học Hà Nội, trong các thư viện cuối cùng Tonia đã được gặp giáo sư Trần Văn Giàu. Ông đã tận tình hướng dẫn cho Tonia rất cặn kẽ về phương pháp luận, nội dung luận văn, chỉnh sửa một số đánh giá chưa chuẩn xác… chỉ sau 2 tiếng đồng hồ.

Tonia đã cảm động nói: Trong suốt 2 tháng đi tìm tài liệu, sự hiểu biết về cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân miền Nam Việt Nam của tôi không nhiều bằng 2 giờ đồng hồ được tiếp xúc và nghe GS Trần Văn Giàu hướng dẫn, chỉ bảo. Ông là một nhà khoa học uyên bác, tiếng tăm lừng lẫy nhưng rất giản dị và nhân hậu, đối với tôi là một sự ngạc nhiên hiếm có". Trong căn nhà của bà Đỗ Nguyệt Hương còn lưu giữ một bức ảnh cùng nhiều tư liệu quý hiếm về vợ chồng GS Trần Văn Giàu thời gian sống tại 20 Phan Huy Chú - Hà Nội. Trong đó có một bức ảnh lưu niệm của bà trong ngày cưới do vợ chồng GS làm chủ hôn.

Tiến sĩ Đinh Thu Xuân - con gái nuôi của Giáo sư

Bà Hương kể lại: Bác sĩ Nguyễn Viêm Hải (Phó chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Á Phi, Giám đốc Bệnh viện Việt - Trung, Hà Nội) là bác rể, cũng là bạn hoạt động với GS hồi ở Pháp cùng bác sĩ Trần Duy Hưng - Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội đầu tiên. Do đó, GS thường hay tới thăm nhà, vì GS từng ở tù chung với bác ruột bà Hương. Chính ông bà Sáu là người mai mối và làm chủ hôn cho đám cưới của vợ chồng bà Hương vào năm 1964. Thời đó, mua được tấm vải may áo dài cô dâu là một chuyện rất khó, vì tiêu chuẩn tem phiếu của một người không đủ, nếu gộp cả năm cũng không thể được cái áo dài. Ông bà đã dành tiêu chuẩn cao cấp của mình cho con gái người bạn. Ngày kết hôn vào một ngày đông giá rét của thủ đô.

Khi đất nước thống nhất, ông bà chuyển về Sài Gòn sinh sống tại căn nhà số 70 Duy Tân (nay là Phạm Ngọc Thạch) do Thành ủy TP HCM cấp. Căn nhà đầy ắp kỷ niệm riêng về cuộc đời của ông bà với rất nhiều câu chuyện cảm động. Bà Đỗ Nguyệt Hương còn kể lại câu chuyện, ngày 14/5/1983 bà đang công tác tại Vũng Tàu thì nhận được thư của ông, trong thư có đoạn: "Cô, dượng rất muốn đi Vũng Tàu thăm các cháu nhưng không có xăng đổ ôtô (mượn xe), thôi đành nghỉ mát ở 70 đường Duy Tân vậy!".

Năm 1997, bà Sáu bị tai nạn, do vấp té, bị nứt rạn xương hông. Sau đó bà Sáu phải nằm một chỗ, sức khỏe yếu dần, không đi lại được, người cháu gái của ông từ Long An lên phụ giúp việc nhà và chăm sóc bà Sáu. Hàng ngày, cứ đến bữa cơm, ông lại tự tay mang cơm đến bên giường ăn cùng bà Sáu. Chuyện kể rằng, lúc sinh thời, bà Sáu là một phụ nữ Nam Bộ điển hình và mẫu mực, chung thủy và rất mực hiền hậu, đảm đang. Bà từng nói: "Nếu ông trời bắt, thì bắt ông đi trước, vì còn có người trông nom, săn sóc cho ông. Không may cô đi trước, lấy ai nuôi dưỡng ông đây!". Nghe bà nói vậy, không ai cầm được nước mắt. Năm 2005, bà Sáu trút hơi thở cuối cùng tại ngôi nhà này.

Năm 2001, GS Trần Văn Giàu quyết định bán căn nhà số 70, đường Phạm Ngọc Thạch. Có được số tiền lớn song ông chẳng màng đến của cải giàu sang. Ông chỉ dành lại số tiền mua một căn nhà trong hẻm cư xá Lữ Gia, số 245/3 Lý Thường Kiệt quận 11 làm nhà lưu niệm. Số còn lại 1.000 cây vàng ông lập Giải thưởng khoa học Trần Văn Giàu. Giải thưởng tặng cho những công trình khoa học xuất sắc trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học xã hội, sử học về Nam Bộ.

Giáo sư còn để lại cho đời một di sản rất đồ sộ về các công trình nghiên cứu khoa học lịch sử, trong đó có cuốn “Tổng tập Trần Văn Giàu”, với 1.780 trang (tập 1), xuất bản năm 2006. Công trình khoa học “Giai cấp công nhân Việt Nam”, do NXB Sự thật xuất bản lần đầu năm 1958, với lời giới thiệu viết tay của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, người kéo cờ trên chiến hạm Pháp tại biển Đen để ủng hộ Cách mạng Tháng Mười Nga và là người sáng lập ra Tổ chức Công hội Đỏ, tiền thân của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ngày nay. Giáo sư đã viết cuốn sách này trên ổ rơm của người nông dân Sơn Tây, trong cái rét căm căm của miền Bắc.

Hàng ngày, bao lượt người xe qua lại trên con đường Phạm Ngọc Thạch, căn nhà số 70 từng là tư gia của GS Trần Văn Giàu nay là một tòa nhà đồ sộ Green Star. Chắc chắn không mấy người biết rằng, tại nền đất của căn nhà này, từng có một vị giáo sư danh tiếng Trần Văn Giàu, chính ông đã dành 1.000 cây vàng trong số tiền bán nhà lập giải thưởng mang tên ông.

Theo CAND.COM.VN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên